19 thg 3, 2018

Kon Tum đón đợi mùa hoa pơ-lang

“Tây Nguyên ơi hoa rừng bao nhiêu thứ. Cánh hoa nào đẹp nhất rừng. Tây Nguyên ơi anh có nhớ buôn làng, nhớ người con gái. Nhớ cánh hoa pơ-lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên” - Ca từ trong bài hát “Em là hoa pơ-lang” của nhạc sĩ Đức Minh đã gợi nhớ về hình ảnh những cô gái Tây Nguyên được ví von như bông hoa pơ-lang rực rỡ, tươi thắm…

Đầu xuân, khi nắng vàng từng giọt miên man nhả xuống miền đất này, tiết trời ấm áp, người ta lại được chiêm ngưỡng sắc hoa pơ-lang, nhắc nhở về loài cây mang tính biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên.

Cây pơ-lang thuộc họ gạo, có gai và bạnh vè ở góc, lá kép chân vịt mọc so le, hoa màu đỏ kết thành chùm và có đặc điểm là nở trước khi ra lá. Đây là loài thực vật phổ biến rất thích hợp với thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên, gắn liền với nếp sống văn hóa cũng như tâm linh từ ngàn đời của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hoa pơ-lang còn có nhiều tên gọi khác là hoa gạo (cách gọi của người Việt) hay hoa mộc miên (cách gọi của người Hoa).


Hai cây pơ-lang ở làng Kon Tu Mơnây Sơ Lam phường Trường Chinh. Ảnh: L.S 


Chuyện xưa kể rằng: Thuở xưa có đôi trai gái yêu nhau tha thiết và trong ngày vui khi nhà chàng trai mang lễ vật sang cầu hôn nhà cô gái thì bất ngờ có cơn mưa lớn cuốn trôi đi tất cả khiến việc nên duyên của đôi trẻ không thành. Quá uất ức, họ cùng dựng cây nêu để chàng trai lên trời tìm Yàng hỏi rõ nguyên cớ. Trước khi đi chàng có buộc vào tay cô gái một dải lụa đỏ thay lời thề nguyện sẽ nhất định trở về bên cô. Đáng tiếc thay, sau khi lên gặp được Yàng vì thấy sự tài năng và đức độ của chàng trai, Yàng đã giữ chàng ở lại làm thần. Và kể từ đó chàng trai không bao giờ được trở lại hạ giới để gặp cô gái nữa. Ở nhà, cô gái hàng ngày mong ngóng nhưng bóng dáng người thương vẫn biền biệt. Quá đau buồn cô tìm đến cây nêu năm xưa quyết tâm đi lên trời tìm gặp người yêu, nhưng cây nêu cao quá, đường lên trời lại xa thăm thẳm cô thì mỏng manh lực kiệt. Cuối cùng cô chết đi, hoá thân thành loài cây bên cạnh cây nêu và dải lụa đỏ trên tay cô đã hóa thành những bông hoa pơ- lang rực rỡ tươi thắm...

Phải chăng bắt nguồn từ câu chuyện tình mang màu sắc huyền thoại kia mà từ đó pơ-lang đã gắn liền với lễ hội, đời sống của người Tây Nguyên một cách khăng khít. Hằng năm, trong các dịp tổ chức lễ hội, đồng bào thường dựng cây nêu giữa sân nhà rông và luôn trồng bên cạnh một cây pơ-lang non. Kết thúc lễ hội, cây pơ-lang non đó sẽ được di dời trồng sang một vị trí khác. Theo quan niệm, cây pơ-lang non đó nếu phát triển tốt tươi thì chắc chắn những lời nguyện cầu của dân làng năm đó sẽ thành hiện thực.

Có một chi tiết rất thú vị về mối liên hệ giữa cây pơ-lang và cuộc sống thôn làng Tây Nguyên. Theo quan niệm của đồng bào nơi đây, khi đến một thôn, một làng nào muốn biết nơi đó giàu mạnh như thế nào chỉ cần đếm số lượng pơ-lang được trồng ở sân trước nhà rông. Nếu cây pơ-lang càng nhiều chứng tỏ thôn làng đó đã từng tổ chức nhiều lễ hội và cũng minh chứng rõ ràng nhất về khả năng kinh tế của cộng đồng dân làng…

Pơ-lang dường như đã trở thành biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên, được đi vào thi ca, nhạc họa, như “Quê hương ơi, Tây Nguyên ơi” với những lời ca tha thiết, say đắm lòng người: “Anh ơi em sẽ là hoa pơ-lang đẹp nhất/Thứ hoa buôn làng quý/Cho anh thêm đẹp lòng”… Nhà thơ Vũ Hùng - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng có chùm thơ 4 câu rất đẹp: “Hạt sương sa ướt bờ mi/Đóa hoa thảo nguyên hoang dã/Pơ-lang ửng hồng đôi má/Em cao nguyên mùa xuân về”; hay “Con trăng nghiên theo nóc làng/Em như pơ-lang chờ mong/Đêm anh cầu hôn trao vòng/Chạm tay sơn cước theo lòng cao nguyên”...

Với người Kon Tum, loài hoa này quá đỗi thân thuộc khi mỗi độ xuân về. Nó như khiến người ta trông ngóng, bồi hồi đợi chờ, như chàng trai trẻ lần đầu đón đợi người yêu trong lần hẹn hò. Tuy nhiên, loài cây này hiện giờ cũng dần ít đi. Rải rác trong khu vực nội thành thành phố Kon Tum, ở địa bàn các phường Thắng Lợi, Thống Nhất, Trường Chinh…, hiện đang có một ít cây pơ-lang, hàng năm lặng lẽ đơm hoa thắm một góc trời.

Anh A Đôi- Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đưa về trồng một cây pơ-lang trước Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, nay cây lớn mạnh và đã ra được vài mùa hoa. Anh cho biết, loài cây này nếu không khéo gìn giữ, có lẽ thời gian nữa muốn biết cây pơ-lang chắc phải đi tìm ở những nơi xa, xa lắm...

Được biết, năm 2018 tỉnh ta sẽ tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ 4, với Lễ hội Sắc thắm pơ-lang, có sự tham gia của các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, An Giang và một số tỉnh của Lào, Campuchia, Thái Lan... Thời gian dự kiến diễn ra trong khoảng 5 ngày (từ 29/12/2018 đến 2/1/2019).

Chương trình này có tất cả 9 hoạt động, gồm: Triển lãm di sản văn hóa, trình diễn cây nêu truyền thống các dân tộc, Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa", Liên hoan văn hóa ẩm thực, Hội trại sáng tác điêu khắc...; đặc biệt là giới thiệu 2 tuyến du lịch mới là chinh phục đỉnh Ngọc Linh gắn với vườn sâm Ngọc Linh và tuyến du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray, huyện Sa Thầy- nơi vẫn còn một vùng rừng rực đỏ hoa pơ- lang.

Ở Kon Tum, cây pơ-lang không chỉ là loài cây xuất hiện gần gũi trong cuộc sống hàng ngày, mà nó còn gắn bó với đời sống tâm linh, đời sống văn hóa và tình cảm của người dân tại chỗ. Với Lễ hội Sắc thắm pơ-lang, Kon Tum đang cố gắng giữ gìn, nâng niu một loài hoa đỏ rực rỡ, thân thiện và chất chứa sự hoang dã, kiêu sa khoe sắc dưới nắng vàng mỗi dịp xuân sang...

Dương Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét