28 thg 3, 2018

Lạc lối xứ băng giá và mây mù

Tà Xùa, Hồng Ngài, Háng Đồng, Hang Chú... là những địa danh nổi tiếng ở vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La) từng thấp thoáng trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của cố nhà văn Tô Hoài, sau này dựng thành phim năm 1973. Khoảng 10 năm gần đây, những địa danh này được dân phượt tìm đến để săn mây và chụp ảnh với ba “đặc sản” là Thiên đường mây ải Bắc, đất trời đóng băng tuyết vào mùa Đông và Trà cổ thụ shan tuyết thơm ngon. 

Với tôi, ngoài ba thứ đặc sản đã nổi tiếng, thì chuyến lên Tà Xùa lần này còn muốn tìm hiểu về văn hóa người Mông bản địa, thứ văn hóa với ngôn từ đầy sự mời gọi như trong lời Bài ca trên núi của nhà văn Tô Hoài: “Rừng chiều có tiếng khèn ai đó, khèn hát lên những lời mong chờ/Đường đi về rừng, đường đi xuống núi/Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều/Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau…”.

Sự cuốn hút đầu tiên đối với tôi khi đứng giữa địa danh sống lưng Khủng Long, nơi được dân phượt tìm đến để chiêm ngưỡng thung lũng mây đầy mê hoặc. Khi đó, tôi đặc biệt thú vị với những bộ váy áo người Mông được phơi giữa không gian đầy mây mù, khói phủ. Hỏi chị chủ nhà nói tiếng Kinh chưa rõ, chỉ mang máng hiểu rằng, đất trời nơi này bốn bề mây núi, khắc phơi, khắc ẩm, khắc khô. Kỳ lạ hơn, khi nhìn vào những đường hoa văn đầy tinh xảo trên chiếc váy, tôi mường tượng ra cả trùng điệp của dãy núi Háng Đồng đang bị mây bao phủ.

Đầu tháng 2/2018 nhiệt độ hạ thấp xuống cận âm, băng tuyết xuất hiện phủ kín cả một vùng rừng núi trên đỉnh Tà Xùa đã thu hút hàng ngàn du khách lên chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Ảnh: Nguyễn Văn Duy

Tà Xùa, nơi quanh năm mây ngàn bao phủ. Ảnh: Trọng Chính 

Tà Xùa còn nổi tiếng với đặc sản chè shan tuyết có tuổi đời hơn 100 năm, đặc biệt thơm ngon,
mọc xen lẫn trong rừng sâu, núi cao và xung quanh bản làng mây ngàn bao phủ. Ảnh: Trọng Chính 

Với độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, từ ngày 3-7/2/2018 nhiệt độ trên đỉnh Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La) chỉ từ âm 1 đến 0 độ C, băng tuyết phủ kín núi rừng. Trong ảnh là một em bé người Mông và đàn dê lọt thỏm giữa băng giá phủ trắng bản làng ở Tà Xùa. Ảnh: Nguyễn Văn Duy

Sau thu hoạch vụ mùa, phụ nữ dân tộc Mông ở Tà Xùa thêu thùa chuẩn bị y phục cho những ngày hội của dân tộc mình. Ảnh: Trọng Chính

Bên trong những nếp nhà thưng từ vách gỗ, những người phụ nữ dân tộc Mông cặm cụi với công việc thường ngày. Ảnh: Trọng Chính 

Đầu tháng 2/2018 nhiệt độ hạ thấp xuống cận âm, băng tuyết xuất hiện phủ kín cả một vùng rừng núi trên đỉnh Tà Xùa đã thu hút hàng ngàn du khách lên chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Chưa khi nào tôi có cảm giác đất trời gần nhau đến thế khi nhìn ngắm những trảng mây trắng muốt từ các khe núi, ùa vào thung lũng, len lỏi vào các bản làng rồi phủ kín các đỉnh núi cao. Khi đó, đất trời Tà Xùa như hòa làm một, xung quanh chỉ còn một màu trắng đục, tôi như mất phương hướng giữa bốn bề sắc màu thổ cẩm váy áo Mông với tiếng khèn, sáo mời gọi trong ngày hội.
Theo chân những bộ váy áo như sóng lượn ấy, tôi có mặt tại “Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Yên” được tổ chức tại trung tâm xã Tà Xùa. Ngày hội đối với người Mông ở Bắc Yên quan trọng lắm, không đi hội, không ăn thắng cố, không ném pao, không thổi khèn thì không phải là người Mông rồi.

Nơi tôi ở là homestay Trà Mây, nằm ngay trung tâm xã Tà Xùa được đầu tư bởi Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc và bàn giao lại cho những người Mông bản địa quản lý. Mùa Thị Ca, một trong những người quản lý homestay Trà Mây cũng tất bật công việc từ tinh mơ để có thời gian đi hội. Mùa Thị Ca cho biết, Tà Xùa vào hội, đến học sinh cấp II nhà trường còn cho nghỉ học vì chỉ nghe tiếng sáo, tiếng khèn thì chẳng học sinh nào còn tâm trí, các cô giáo bảo nhau rằng, buổi đi hội ấy coi như buổi học ngoại khóa.

Ngày hôm ấy, 8h sáng mà mây mù còn như tấm màn khổng lồ bao phủ đất trời Tà Xùa thì bãi đất trống ở trung tâm xã người đã như nêm. Người dân từ các xã Hang Chú, Háng Đồng, Hồng Ngài, Hua Nhàn, Làng Chếu, Mường Khoa, Pắc Ngà, Phiêng Ban, Phiêng Côn, Song Pe, Tạ Khoa, Xím Vàng… đã nô nức mang các sản vật đến giao lưu, bày bán. Về trưa, mây mù càng dày đặc nhưng người Mông từ các khe núi đổ về càng nhiều, tạo nên một không gian huyến náo bởi trò chơi ném pao, đẩy gậy, thi làm bánh, thi nấu rượu trong tiếng khèn Mông dặt dìu.

Người Mông quý khách đến lạ. Người ở Hang Chú thì ân cần mời rượu, người đến từ Xím Vàng thì mời thưởng thức măng chua, người đến từ Tạ Khoa thì mời cá suối nướng…. Chỉ đi một vòng ngày hội, tất cả các hương vị của Tà Xùa, của Bắc Yên như chạy qua đầu lưỡi. Không những thế, còn lưu luyến bởi cơ man lời mời ân tình như: Mày về Hang Chú say rượu với tao nhé, mày về Hồng Ngài ăn cải mèo ngọt như đường cùng tao nhé, mày về Xím Vàng ăn thắng cố uống rượu ngô với tao nhé…

Sống lưng Khủng Long, một trong ba ngọn núi làm nên rặng Tà Xùa ở độ cao gần 1.600 mét, chênh vênh giữa trời... Ảnh: Trọng Chính

...Và thu hút rất đông du khách chiêm ngưỡng ánh bình minh le lói trên biển mây mỗi ngày. Ảnh: Trọng Chính

Từ Tà Xùa đi thêm 14 km đến trung tâm xã Xím Vàng, nơi có diện tích ruộng bậc thang tập trung lớn nhất huyện Băc Yên, với 315 ha lúa chín vàng trong sương mây. Ảnh: Trọng Chính

Nếu gặp đúng ngày tết của người người Mông, du khách có cơ hội chứng kiến hàng loạt trò chơi truyền thống như: ném pao, chơi quay... Ảnh: Trọng Chính

Các chàng trai dân tộc Mông thi giã bánh giầy tại “Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Yên”
tổ chức tại xã Tà Xùa tháng 12.2017. Ảnh: Trọng Chính

Thấp thoáng trong mù sương của phiên chợ vùng cao, những cô gái Mông lựa chọn những bộ váy áo truyền thống và được cách điệu nhiều màu sắc lấp lánh. Ảnh: Trọng Chính

Rượu Hang Chú, thịt lợn đen, những đặc sản trên mâm cơm của phụ nữ dân tộc Mông ở Tà Xùa. Ảnh: Trọng Chính 
Được biết đến là thiên đường mây ải Bắc, Tà Xùa nằm ở độ cao gần 2000m so với mực nước biển, nơi những ngọn núi chìm trong mây giăng mắc tạo nên một vẻ đẹp kỳ ảo. Sống Khủng Long, một trong ba ngọn núi làm nên rặng Tà Xùa ở độ cao gần 1.600 mét, chênh vênh giữa trời, nơi thu hút rất đông du khách chiêm ngưỡng ánh bình minh le lói trên biển mây mỗi ngày.
Đêm nằm ở homestay Trà Mây còn nghe văng vẳng tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt. Mùa A Vừ người quản lý homestay này cho biết, sau hội, trai gái vùng Tà Xùa lại hẹn nhau để tỏ tình, giao duyên. Thế mới biết, cách tỏ tình nguyên thủy này vẫn còn tồn tại nơi trung điệp mây núi Tà Xùa. Mùa A Vừ cho biết thêm, chỉ những đôi trai giái ưng bụng nhau, chỉ nghe tiếng khèn là tự biết tìm đến hội ném pao và hẹn trong đêm tối. Bất chợt, lại nhớ đến đoạn văn miêu tả ngày hội mùa Xuân trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ: “ Anh ném pao/Em không bắt/Em không yêu/Quả pao rơi rồi...". Hình như, trong hội ném pao lúc chiều, tôi thấy rằng, không có quả pao nào rơi xuống đất.

Tôi lên google với từ khóa Tà Xùa thì cho khoảng 238.000 kết quả trong vòng 0,42 giây với những thông tin chủ yếu về các địa điểm săn mây, những thung lũng bản làng băng tuyết phủ trắng mà có rất ít thông tin về cuộc sống hoang sơ của người Mông bản địa nơi đây. Chợt nhớ đến đến lời anh Phạm Vũ Khánh, một người rất am tường về Tà Xùa, đã đầu từ homstay Trà Mây để phát triển du lịch nơi đây: “Tà Xùa nguyên sơ như Sa Pa 30 năm về trước”.

“Xã Tà Xùa có dân số hơn 3000 người với đa số là người dân tộc Mông vẫn còn gìn giữ được bản sắc dân tộc hết sức độc đáo như ngôn ngữ, trang phục truyền thống, nhà ở, phong tục … hoàn toàn phù hợp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đời sống người dân bản địa, trải nghiệm thu hái, chế biến chè, Sơn Tra…” (Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên Lê Văn Kỳ)
 
Bài: Thông Thiện - Ảnh: Trọng Chính - Nguyễn Văn Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét