26 thg 3, 2018

Dấu ấn vàng son thời đại Óc Eo

Những báu vật kim hoàn và trang sức Óc Eo là những minh chứng sống động về một thời đại vàng son của vương quốc Phù Nam cách đây gần 2.000 năm lịch sử. Không gian trưng bày chuyên đề “Báu vật Vương quốc cổ - Nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo” tại Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh thực sự lôi cuốn công chúng cùng khám phá những giá trị độc đáo qua hàng trăm báu vật của nền văn hóa Óc Eo thuở nào. 

Vương quốc Phù Nam được xác định tồn tại trong thời gian thế kỷ I-VII từ những hiện vật phát hiện tại Di tích cảng thị Óc Eo (An Giang). Nơi đây gắn liền với nền văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam. Hiện có trên 90 di tích (hoặc khu di tích) đã khai quật được hàng chục nghìn di vật gắn với nền văn hóa Óc Eo với nhiều chất liệu: đá, đồng, gốm, kim loại quý... Trong số đó, sản phẩm kim hoàn và trang sức Óc Eo thể hiện qua các hiện vật trưng bày trong chuyên đề “Báu vật Vương quốc cổ - Nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo” là rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, thể hiện sự tinh xảo mang đậm giá trị nghệ thuật.


Chuyên đề “Báu vật Vương quốc cổ - Nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo” thu hút công chúng tham quan, thưởng lãm.

Những báu vật kim hoàn và trang sức Óc Eo là những minh chứng sống động về thời đại vàng son của vương quốc Phù Nam cách đây gần 2.000 năm lịch sử.

Một góc không gian trưng bày chuyên đề “Báu vật Vương quốc cổ - Nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo”.

Góc trưng bày các loại nồi nấu kim loại bằng gốm đất nung.

Không gian trưng bày chuyên đề “Báu vật Vương quốc cổ - Nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo” lôi cuốn công chúng cùng khám phá những giá trị độc đáo qua hàng trăm báu vật của nền văn hóa Óc Eo thuở nào. 

Có thể chia các hiện vật trưng bày của chuyên đề thành 2 nhóm: Nhóm các sản phẩm kim hoàn dùng trong tín ngưỡng tôn giáo (bệ linga-yoni, các biểu tượng ốc, rùa, các lá vàng dát mỏng…); và nhóm các sản phẩm kim hoàn, trang sức (nhẫn, hoa tai, hạt chuỗi…).

Không gian trưng bày hiện ra trong mắt công chúng lung linh và có pha chút huyền bí. Hệ thống chiếu sáng chỉ vừa đủ nhằm tôn lên vẻ đa sắc từ các sản phẩm kim hoàn, trang sức. Bước vào phòng trưng bày, theo chiều kim đồng hồ, công chúng được chiêm ngưỡng các hiện vật đầu tiên gồm: nồi nấu kim loại, đá thử vàng, khuôn đúc chế tác sản phẩm… Qua đó, dễ nhận biết được quy trình để chế tác nên một sản phẩm kim hoàn, trang sức.

Theo diễn tiến thời gian, công chúng cũng lần lượt được thưởng lãm các sản phẩm trang sức từ thô sơ với chất liệu bằng đá cho đến các sản phẩm trang sức tinh xảo như nhẫn, chuỗi hạt, làm bằng vàng hoặc kết bằng đá quý. Đặc biệt, các đồ trang sức ấn tượng đều được xếp ngay trung tâm không gian trưng bày.

Từ thời đại Óc Eo, các nghệ nhân đã đạt tới trình độ thẩm mỹ cao với bàn tay khéo léo, sự tỉ mẩn trong quá trình chế tác. Những chi tiết, hoa văn trên các hiện vật kim hoàn, trang sức còn thể hiện nhiều nét đặc trưng của văn hóa bản địa, nhất là sự giao thoa giữa nhiều nền văn hóa khác nhau trong khu vực Đông Nam Á. Ở đây, các hiện vật trưng bày còn mang phong cách của Hindu giáo, Phật giáo…, mang đến những khám phá văn hóa độc đáo cho công chúng tham quan, thưởng lãm.

Ông Peter Ankersen, du khách người Đan Mạch chia sẻ: “Tôi rất thích tìm hiểu văn hóa, nhất là văn hóa các nước Đông Nam Á. Những báu vật trưng bày ở đây của Việt Nam thực sự rất giá trị, rất ấn tượng với tôi về mặt thẩm mỹ, và đặc biệt giúp tôi hiểu thêm nhiều về nền văn hóa Óc Eo gắn với cuộc sống của con người cách đây hàng chục thế kỷ...”

Chuỗi hạt bằng đá là hiện vật đạt đến trình độ thẩm mỹ rất cao.

Các loại khuôn đúc chế tác sản phẩm trang sức.

Các loại vòng bằng đá.

Mảnh vàng có minh văn.

Vàng có hình hoa sen.

Những chuỗi hạt bằng đá quý có giá trị thẩm mỹ cao.

Các loại hạt được kết chuỗi được chế tác tinh xảo.

Vật đeo bằng vàng của cư dân Óc Eo.

Nhẫn vàng được chế tác cầu kỳ.

Các loại bùa hộ mệnh bằng kim loại. 
Chuyên đề “Báu vật Vương quốc cổ - Nghệ thuật kim hoàn và trang sức Óc Eo” được Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh cùng Bảo tàng các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang phối hợp tổ chức giới thiệu gần 300 hiện vật được phát hiện từ các di tích thuộc văn hóa Óc Eo. Chuyên đề mở cửa cho công chúng và du khách tham quan đến hết ngày 31/3/2018.
Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét