18 thg 3, 2018

Nét xưa, nhà cổ...

Nhiều ngôi nhà cổ ở Hà Nam vẫn giữ được nguyên vẹn những nét truyền thống. Ảnh: Q.H 

Dưới cái nắng dịu nhẹ của những ngày đầu xuân mới Mậu Tuất 2018, chúng tôi có dịp về làng Cao Đà (xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, Hà Nam) để tận hưởng không khí yên bình của làng quê truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử tồn tại hàng trăm năm nay.


Và thật ấn tượng, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà gỗ cổ xưa, nằm nép mình giữa vườn cây, ao cá, như tô điểm thêm cho vẻ đẹp hoàn mỹ của bức tranh phong cảnh làng quê Việt. Có “mục sở thị” nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ, nơi ghi dấu ấn riêng của những nghệ nhân mộc nổi tiếng một thời.

Nơi lưu giữ truyền thống
Dừng chân tại ngôi nhà cổ 5 gian 2 chái của gia đình ông Trần Cao Châm (thôn Cao Đà, xã Nhân Mỹ, Lý Nhân, Hà Nam), đập vào mắt chúng tôi là sự độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của ngôi nhà hàng trăm năm tuổi. Nằm giữa làng Cao Đà, ngôi nhà còn khá nguyên vẹn và được đánh giá là đẹp nhất trong tổng số 22 ngôi nhà gỗ cổ còn lại đến ngày nay.

Các đầu xà gỗ, giá đỡ ngoài hiên của ngôi nhà đều được chạm trổ hoa văn nổi tinh xảo, sinh động. Còn bên trong ngôi nhà, gia chủ vẫn lưu giữ nguyên vẹn những đồ vật để trang trí, thờ tự như: Bàn thờ, bức đại tự, câu đối, bức tranh cổ “Anh hùng tương ngộ”… sơn son, thếp vàng lộng lẫy.

Bên cạnh đó, ở các đầu vì kèo, bức tường gỗ ngăn phòng giữa 3 gian nhà ngoài với 2 gian buồng hoa văn cũng được chạm nổi hết sức tinh xảo. Theo chủ nhân ngôi nhà, điểm nhấn của các ngôi nhà cổ là gian thờ tự, tiếp khách. Dù là nhà được xây cả trăm năm, song không vì thế mà những ngôi nhà cổ hạn chế việc sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Tại các ngôi nhà cổ này, chủ nhân rất biết cách sắp xếp, trang trí nội thất phù hợp với không gian sinh hoạt và hạn chế sự bất tiện, lạc lõng với thế giới hiện đại.

Cũng theo ông Châm, trong tâm thức người Việt, nhà ở truyền thống có vai trò quan trọng, không chỉ là nơi che nắng, che mưa, mà đó còn là nơi lưu trữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ và dân tộc. Do những đặc điểm về địa lý và khí hậu, những ngôi nhà cổ Bắc Bộ có kiến trúc khá giống nhau. Theo thời gian, những làng quê Việt có nhiều thay đổi, mất dần đi những nét độc đáo của làng quê truyền thống, những ngôi nhà cổ 3 gian, 5 gian, 7 gian dần mất đi và được thay thế bằng ngôi nhà cao tầng kiên cố.

Anh Nguyễn Minh Nghĩa (xã Mỹ Thọ), chủ nhân của một trong số ít ngôi nhà cổ còn sót lại ở huyện Bình Lục, Hà Nam - chia sẻ: Ngôi nhà cổ của gia đình anh khoảng gần 100 năm, do các cụ để lại vẫn còn giữ nguyên dạng kết cấu, chạm khắc từ xưa. Với kiến trúc 5 gian vẫn giữ được nguyên những giá trị mà cha ông đã để lại, giản dị khiêm nhường hòa nhập với miền quê Bắc Bộ. Hiện nay, cả 4 thế hệ trong 1 gia đình vẫn đang cùng sinh sống, ngôi nhà gắn bó biết bao kỉ niệm là một phần không thể thiếu của các thành viên trong nhà.

“Ở trong những ngôi nhà này mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, mỗi lần đi làm về, mệt mỏi, vào đến nhà là tôi cảm giác tinh thần rất khoan khoái, chính vì vậy, bao nhiêu năm tôi vẫn cố gắng gìn giữ ngôi nhà này” - anh Minh nói.

Nhà cổ trước nguy cơ mai một
Ở các vùng quê ở Đồng bằng Bắc Bộ, ngôi nhà cổ, dù 3, 5 hay 7 gian, đều hình thành từ điều kiện sống và nhu cầu sử dụng của người dân, phản ánh đầy đủ những giá trị nghệ thuật tổ chức không gian sống, nghệ thuật ứng xử với thiên nhiên của ông cha ta từ bao đời. Kiến trúc của những ngôi nhà cổ, thực chất hình thành từ dân gian, mà vẻ đẹp, giá trị của nó được bồi đắp, lưu truyền, bảo lưu và nhân rộng trong thời gian dài nên đã trở thành truyền thống.

Dù kiến trúc, vật liệu xây dựng có sự khác nhau, song những ngôi nhà cổ ở khắp các vùng quê đều là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển. Bởi thế, nhà cổ từ lâu đã được coi là một loại hình di sản độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Hiện nay, tỉnh Hà Nam chưa có số lượng thống kê cụ thể về số lượng nhà cổ, tuy nhiên, qua tìm hiểu, số lượng các ngôi nhà cổ này còn khá ít, nhiều nhà cổ do xuống cấp, mối mọt nên các gia đình đã dỡ đi xây nhà mới. Một số gia đình vì lí do kinh tế đã bán nhà cổ để lấy tiền.

Ông Mai Khánh - nhà nghiên cứu văn hóa tỉnh Hà Nam - thừa nhận, số lượng nhà cổ trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng ít đi, đã đến lúc ngành văn hóa của tỉnh cần nghiêm túc có những kế hoạch để gìn giữ những ngôi nhà cổ này. Nếu không bảo tồn thì những ngôi nhà trên sẽ khó lưu giữ trước khắc nghiệt của thời tiết và trước “thú săn” tìm nhà cổ của những người có điều kiện như hiện nay

Hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ nào từ phía nhà nước, nhưng những ngôi nhà cổ ở Hà Nam vẫn được các thế hệ con cháu giữ gìn cẩn thận từ những nét chạm khắc, đến những viên ngói đã ngả màu thời gian, góp phần lưu dấu thời gian, làm giàu đẹp thêm cho vốn văn hóa của dân tộc. 

Quang Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét