26 thg 3, 2018

Măng le - Sản phẩm đặc trưng Đăk Psi

Thời điểm từ cuối tháng 7 đến tháng 9 hằng năm, người dân ở xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà) lại rủ nhau đi rừng lấy măng le về chế biến các món ngon hoặc phơi khô để bán theo đơn đặt hàng của nhiều thương lái từ thành phố Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định... lên thu mua. Có lẽ do đặc thù thổ nhưỡng nên măng le ở vùng đồi núi Đăk Psi từ lâu đã trở nên nổi tiếng.

Nhộn nhịp mùa măng le

Dưới cái nắng dịu nhẹ của những ngày cuối mùa mưa ở Kon Tum, chạy dọc con đường Tỉnh lộ 677 dẫn vào các thôn làng ở xã Đăk Psi đâu đâu cũng thấy bà con phơi măng le trải dọc ven đường, tỏa mùi thơm sực nức.

Anh Nguyễn Phúc Đoan – Chủ tịch UBND xã Đăk Psi khoe với chúng tôi: Được thiên nhiên ưu đãi nên măng le ở vùng đất này không chỉ nhiều mà chất lượng cũng được đánh giá rất thơm ngon. Mỗi mùa măng đến, nhà nhà nơi đây lại đi rừng bẻ măng để kiếm thêm thu nhập. Nhiều gia đình còn chế biến măng khô thủ công để giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đi khắp trong và ngoài tỉnh.

Gần trưa, chạy xe máy vào làng Kon Pao Kram (xã Đăk Psi), chúng tôi gặp rất nhiều phụ nữ, trẻ em tranh thủ đi rừng bẻ măng về. Chị Y Phiếu (ở làng Kon Pao Kram) vẻ mặt phấn khởi cho biết, ở vùng rừng núi Đăk Psi có nhiều loại măng lắm: măng le, măng xơm luh, măng nứa; trong đó nhiều nhất và ngon hơn cả là măng le bởi loại măng này có vị đăng đắng, ngòn ngọt lại giòn giòn. Cả tháng nay, ngày nào chị cũng vào rừng bẻ măng le. Năm nay, măng le ở rừng nhiều hơn mọi năm. Sáng nay, đi rừng từ sáng sớm, đến giữa buổi sáng đã bắt đầu xuống núi trở lại nhưng chị Y Phiếu đã bẻ được chừng 15 ký măng le tươi…

Chị Y Phiếu cho biết thêm, cứ đến mùa măng thì thực phẩm chính hằng ngày của bà con trong vùng cũng là món măng le. Măng le được bà con đồng bào Xê Đăng nơi đây chế biến thành nhiều món ăn độc đáo như măng le nấu với thịt, măng le nấu với cá suối hay măng le muối chua…

Những ngày nắng, chị Y Phiếu phơi một ít để dành dùng trong năm, còn lại thường mang bán cho các hộ người Kinh trong vùng để chế biến thành măng khô nên cũng có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Trung bình 1 ký măng le tươi lấy từ rừng về được chị Y Phiếu bán ra với giá 5.000 đồng. Có hôm gia đình có nhiều củi, chị Y Phiếu còn chịu khó nhóm bếp luộc măng qua một nước thì có thể bán ra với mức giá 6.000 đồng/kg.

Nhìn những búp măng tươi, non, trắng nõn nà trên chiếc gùi của chị Y Phiếu hay mùi thơm của những miếng măng le ép thẳng thớm ngả màu vàng óng được phơi ven đường khiến tôi cứ thòm thèm cái vị đăng đắng, ngòn ngọt, cay cay, chua chua và sần sật của món gỏi măng tươi… hay cái vị thơm phức của mùi móng giò heo hầm thoang thoảng vị măng khô ngày Tết.

Nghề làm măng khô
Anh Nguyễn Phúc Đoan đưa chúng tôi “mục sở thị” lò sấy măng le thủ công nổi tiếng của hộ gia đình anh Đỗ Văn Thái (sinh năm 1977) ở làng Kon Pao Kram để hiểu hơn về sản phẩm đặc trưng của vùng đất nơi đây.

Lò sấy măng le khô thủ công của gia đình anh Thái 

Dù đang trưa nắng nhưng anh Thái vẫn lục đục bên cái lò đất nóng hôi hổi để xếp từng miếng măng đã được ép khoảng 3 ngày trước đấy để sấy khô. Anh Thái cho biết, 17 năm qua, kể từ khi theo người chú họ từ huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) vào Đăk Psi lập nghiệp, anh đã học được nghề làm măng khô thủ công và gắn bó với nghề đến giờ. Nghề rất cực nhọc, vất vả, có điều nguồn nguyên liệu trên địa bàn dồi dào, thu nhập lại cao nên cũng “tiếp sức” cho những hộ nông dân như anh có thêm động lực phấn đấu.

Theo anh Thái, các công đoạn làm măng khô đều thủ công, từ khâu chẻ măng, làm lò sấy (lò sấy làm bằng đất sét) đến khâu ép măng, sấy măng… Để tạo ra sản phẩm măng le khô chất lượng, thì sau khi lấy măng tươi từ rừng về, phải cắt bỏ những đoạn bị xơ (măng già), rồi luộc chín, để nguội, sau đó dùng dao chẻ. Muốn có những lát măng khô đẹp thì trong quá trình chẻ măng, không được chẻ quá mỏng hoặc quá dày; bởi nếu chẻ quá dày thì măng khô sẽ không đẹp, còn quá mỏng thì khi sấy dễ bị gãy nát. Sau khi chẻ xong, xếp măng le vào những chiếc thùng ván (được đóng kín), rồi dùng những tảng đá to giằng bên trên. Khoảng vài ngày sau đó, những miếng măng le đã khô ráo nước thì mới xếp lên lò sấy sấy khoảng 6 giờ đồng hồ.

Muốn có những mẻ măng le sấy vàng óng thơm ngon, đòi hỏi người thợ thủ công phải canh lửa, đảo măng thật kỹ, tránh trường hợp bị cháy sém. Nếu trời nắng, có thể giảm thời gian sấy, thay vào đó mang ra phơi nắng khoảng 1 tiếng đồng hồ thì măng le sẽ thơm ngon và để được lâu hơn.

Anh Thái cho biết, mùa măng le, hai vợ chồng anh cố lắm thì một ngày chẻ được 4 tạ măng tươi. Trung bình một mùa măng, anh Thái xuất ra thị trường khoảng 8 tạ măng khô (khoảng 16 tấn măng le tươi). Với mức giá trung bình từ 150.000-200.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình anh Thái cũng thu được 120-160 triệu đồng từ nghề làm măng khô.

Vì khoản thu nhập khá cao này nên hiện nay ở Đăk Psi có khoảng 20 hộ gia đình xây dựng lò sấy thủ công để làm nghề, trung bình mỗi lò sấy xuất ra thị trường khoảng 8-9 tạ/năm măng le khô.

Xây dựng thương hiệu măng le Đăk Psi
Chị Lương Thị Kiều Nga – chủ một lò sấy măng khô thủ công ở thôn Kon Kơ La (xã Đăk Psi) cho biết, gia đình chị làm nghề này khoảng gần 20 năm nay. Nghề đã cho gia đình chị Nga nguồn thu nhập kha khá. Tuy nhiên, hiện nay những người làm nghề thủ công nhỏ lẻ như hộ gia đình chị thì sản phẩm làm ra rất dễ bị tư thương chèn ép giá. Có năm, măng khô làm ra bán với giá rất cao đến 200.000 đồng/kg (khi có sự cạnh tranh trên thị trường), nhưng cũng có năm bán ra chỉ ở mức giá 120.000 đồng/kg.

Chị Nga lấy mẻ măng le tươi vừa ép xong chuẩn bị đưa vào lò sấy 

Hiện nay, chị Nga và chủ những lò sấy măng khô thủ công ở Đăk Psi đều mong muốn, sản phẩm măng le sớm được hỗ trợ xây dựng thương hiệu để không còn bị tư thương ép giá. Và một khi sản phẩm đã có chỗ đứng vững vàng hơn trên thị trường thì các hộ nông dân nơi đây sẽ mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm hơn.

Chủ tịch xã Đăk Psi - Nguyễn Phúc Đoan cho biết, thực hiện chủ trương của huyện phấn đấu mỗi xã, thị trấn phải xây dựng ít nhất một sản phẩm đặc trưng của địa phương mình, xã Đăk Psi cũng đang có kế hoạch hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn xây dựng thương hiệu măng le Đăk Psi. Song, muốn làm được điều này phải có một quy trình, lộ trình cụ thể. Trước hết, chính quyền địa phương đang vận động nhân dân trên địa bàn làm tốt công tác khai thác và quản lý nguồn tài nguyên, sản phẩm măng le từ rừng, tránh tình trạng khai thác bừa bãi làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, địa phương cũng lên kế hoạch vận động các hộ sản xuất cam kết vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; vận động các hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã để tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm…

Ngoài măng le khô, hiện nay chính quyền địa phương cũng định hướng cho bà con trong vùng phát triển thêm một số sản phẩm đặc trưng của vùng đất này như măng chua hay các sản phẩm từ tiêu rừng (muối tiêu rừng, tiêu rừng khô) vì qua khảo sát diện tích tiêu rừng tự nhiên ở vùng rừng núi Đăk Psi cũng khá lớn – anh Nguyễn Phúc Đoan cho biết thêm.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét