26 thg 3, 2018

Ngôi chùa mang tên Mục Đồng

Ở miền Nam có nhiều ngôi chùa được gọi là chùa Mục Đồng lắm. Truyền thuyết chung về tên gọi Mục Đồng của các ngôi chùa này là: Trẻ chăn trâu dùng đất sét nặn tượng Phật, rồi lập am để thờ. Nhờ Phật ấn chứng tâm thành thuần khiết của chúng, cho nên một số am, chùa mục đồng đơn sơ với các tượng Phật đất sét hồn nhiên sau này đã trở thành những ngôi chùa khang trang rộng lớn. Bổ sung cho truyền thuyết này còn có lời kể sau: Mục đồng nặn tượng Phật rồi thả xuống nước (sông, rạch), tượng nào nổi tức là linh thiêng sẽ được mang lên thờ. Các am, chùa ấy thường có tên là chùa Phật nổi...

Ngày nay còn rất nhiều ngôi chùa mục đồng ra đời theo lời kể như vậy đã trở nên khang trang, nổi tiếng và được khách thập phương kính viếng, như chùa Phật Nổi (Phước Lâm tự) ở Củ Chi, chùa Long Phước ở Bến Tre, chùa Thanh Trước, Thiên Trường ở Gò Công, chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Châu Thành, Tiền Giang…

Phước Long cổ tự, còn gọi chùa Gò Cát, theo lời kể là một ngôi chùa do mục đồng khởi dựng

Chỉ riêng tại Biên Hòa (và chỉ kể những ngôi chùa mà tui có dịp may biết đến) đã có đến 3 ngôi chùa mang tên chùa Mục Đồng có nguồn gốc theo lời kể giống như trên. Đó là các ngôi chùa:
  • Chùa Phước Long, ở ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), còn gọi là chùa Gò Cát (vì chùa xây trên Gò Cát) do mục đồng lập nên cách đây hơn 200 năm. Nguyên thủy, chùa là một lều rơm thờ nhiều tượng Phật nhỏ bằng đất sét do mục đồng nặn.
  • Chùa Phước Hội, ở ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), còn gọi là chùa Mục Đồng vì do nhóm trẻ mục đồng dựng lên vào năm 1862. Ban đầu chỉ là một am nhỏ, lợp lá.
  • Chùa Bửu Linh, ở ấp Tân Mỹ, phường Bửu Hòa, cũng có tên gọi là chùa Mục Đồng. Theo lời kể, trẻ chăn trâu nặn tượng Phật bằng đất sét, thả xuống sông, tượng Phật nổi lên được mang đi thờ dưới gốc cây già. Đến năm 1935, hình thành chùa với vách bằng cây lá, mái lợp ngói.
Chỉ riêng ở Cù lao Phố đã có tới hai ngôi chùa mục đồng. Chùa Phước Hội ngày nay đã được xây dựng lại khá quy mô.


Chùa Phước Hội đã được trùng tu lớn năm 2012

Riêng ngôi chùa Phước Long, vừa còn giữ nét mộc mạc đơn sơ, vừa nằm ở nơi thôn quê vắng vẻ nên tạo được cảm giác yên ả, trầm mặc của một ngôi cổ tự bình dị.

Cổng sau chùa Phước Long

Sân chùa

Chùa thấp, kiến trúc đơn giản. Khuôn viên chùa rộng đến 5.000 met vuông, nơi ấy có những cụm tượng khá đơn giản, mộc mạc, có những tiểu cảnh gần gũi với thiên nhiên.



Trong sân chùa có những ngôi cổ mộ, tạo thêm vẻ cổ kính.


Tui thích ngồi nơi đây. Yên ả, tĩnh lặng. Trong một ngôi chùa vắng lặng, bình yên giữa một vùng quê vắng lặng, bình yên. Nhìn lá vàng rơi trong sân chùa, nhìn vị ni nhẹ nhàng quét lá...



Và một đặc điểm nữa càng tạo thêm vẻ yên bình, tĩnh lặng của ngôi Phước Long cổ tự là những cây dầu cổ thụ ở quanh chùa. Cây xanh trầm mặc, vươn cao, tỏa bóng mát yên lành khiến ta quên hẳn đi những lao xao, phù phiếm chốn bụi trần...



(Tui viết về ngôi chùa mục đồng này không phải với tư cách một Phật tử hay một người nghiên cứu mà chỉ là cảm nhận của một gã lang thang. Các bạn muốn tìm hiểu thêm về chùa Phước Long xin đọc tại đây: Chùa Phước Long)

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét