28 thg 3, 2018

Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ

Mở đầu đại lễ cấp sắc là cầu trời đất, thỉnh Ngọc Hoàng. Sau đó các nghi thức trong lễ cấp sắc 12 đèn được tiến hành theo trình tự, các thầy sẽ đánh trống, chiêng, thổi tù và trong mỗi nghi lễ. 

Lễ cấp sắc là một nghi lễ truyền thống và quan trọng bậc nhất trong kho tàng văn hóa của người Dao. Theo quan niệm của người Dao đỏ, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì không coi là người trưởng thành. Lễ cấp sắc của người Dao đỏ có nhiều cấp bậc, mỗi cấp bậc phản ánh một ý nghĩa và trình độ khác nhau. Cấp sắc 12 đèn là cấp sắc cao nhất và họ phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện, thông thạo các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao.

Người đã được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng nhất, sẽ trở thành thầy cúng cao cấp, đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng. Lễ cấp sắc của người Dao có giá trị nhân văn, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.


Sau mấy chục năm, nghi lễ cấp sắc 12 đèn trên đỉnh Ky Công Hồ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai mới được thực hiện vào đầu năm 2018. Theo chia sẻ của chủ lễ Chảo Chỉn Nhàn thì lễ cấp sắc 12 đèn này là sự kiện trọng đại bậc nhất. Sau mấy năm vất vả chuẩn bị, ông đứng ra chủ trì tổ chức lễ với sự tham gia của 35 cặp vợ chồng người Dao đỏ từ khắp các miền đất của tỉnh Lào Cai, Lai Châu. Cùng với cấp sắc cho người đang sống, thì nghi lễ này còn cấp sắc cho 73 người đã khuất, là ông bà, cụ kỵ thuộc 4 dòng họ: Chảo, Tẩn, Lý, Hoàng mà khi còn sống họ chưa được cấp sắc 12 đèn. Để được cấp sắc 12 đèn thì mỗi cặp vợ chồng phải đóng góp 6 triệu tiền mặt, 1 con gà, 10 kg gạo nếp, 20 lít rượu, 50kg lợn, 100kg gạo tẻ và một số nhu yếu phẩm khác... Trong suốt 4 ngày đêm diễn ra đại lễ cấp sắc, từ thầy cúng đến học trò và khách mời đều ăn chay, tuyệt đối không có món nào dính mỡ. Các cặp vợ chồng đều không được ở gần nhau... phụ nữ và đàn ông phải ngồi ăn ở mâm riêng. 


Sau nghi thức đặt đèn các thầy cúng lần lượt đóng ấn cho người được cấp sắc. 

Một nghi thức chứa đựng tính linh thiêng của buổi lễ đó là “dẫn” các trò về âm... Sau khi làm lễ xong và xin âm dương thành công các thầy sẽ dắt các học trò vào nằm thẳng ngay ngắn rồi đặt một chiếc mặt nạ và một đôi đũa lên mặt. Các thầy đi 3 vòng quanh trò vừa đi vừa khấn đồng thời bỏ mặt nạ ra. Sau đó thầy cả đến chỗ nằm của từng học trò, ngậm 1 ngụm nước chè nhỏ rồi phun vào bụng, vỗ vào ngực rồi đỡ từng người dậy ngồi vào ghế. 

Những người được cấp sắc 12 đèn phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện, thông thạo các nghi lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao. 

Phụ nữ và đàn ông phải ngồi ăn ở mâm riêng. Trong suốt 4 ngày đêm diễn ra đại lễ cấp sắc, từ thầy cúng đến học trò và khách mời đều ăn chay. 

Khu hành lễ được treo kín các bức tranh được lưu truyền từ đời này sang đời khác. 

Kết thúc nghi lễ này mỗi thầy cúng dùng hai chiếc gậy làm phép nâng học trò đứng dậy. 

Sang ngày cuối cùng là nghi lễ ở đàn tràng cao ngoài trời. 

Sau khi đã xong mọi nghi lễ, mọi người mới mở tiệc ăn mừng những người được cấp sắc. Các thầy và những người đến dự cùng nhau ăn uống chúc mừng thành công của đại lễ cấp sắc 12 đèn. 

Thành Thế Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét