27 thg 3, 2018

Quê mùa trong tranh sơn ta làng Hạ Thái

Tranh sơn mài về làng Hạ Thái. Ảnh: Hoàng Việt Hằng 

Làng sơn mài Hạ Thái vào năm 1870 của thế kỷ 19 có tên Đông Thái; sang đến thế kỷ 20 mới đổi tên Hạ Thái.

Làng chỉ cách Hà Nội gần 20 cây số ( thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín); nơi đây còn gìn giữ được vẻ đẹp của ngôi đình cổ xưa, có ao bèo tím biếc êm đềm. Nhiều ngôi nhà trong thôn quê đã khởi sắc. Họ làm tranh sơn mài trở thành những cửa hàng giới thiệu sản phẩm du lịch chuyên biệt về chất liệu sơn mài Việt Nam.

Đặc biệt trong làng có nhiều nhà có phòng tranh đẹp như một bảo tàng gia đình thu nhỏ. Du khách muốn đến xem tranh bằng chất liệu chuyên về sơn ta thì phải tìm đến nhà nghệ nhân Vũ Huy Mến. Ông có đôi bàn tay vàng, với hơn 50 năm vẽ tranh truyền thống, người dày dạn kinh nghiệm nhìn trời để dùng sơn vẽ theo thời tiết (trong nghề gọi là kỹ thuật sơn) để làm nên màu sắc có thương hiệu tranh sơn mài Việt Nam. 

Tranh sơn mài sơn ta ở làng Hạ Thái. Ảnh: PV 

Đây là ngôi nhà có hai cha con đều là nghệ nhân. Con gái ông Vũ Huy Mến là nghệ nhân sơn mài Vũ Thị Lệ Hà.

Không chỉ đợi có lễ hội mà cả bốn mùa xuân hạ thu đông, khách du lịch đã đi theo tour để đến làng Hạ Thái mua sắm tranh. Ở đây, có các loại tranh trên gốm sứ, trên composite, có lại tranh sơn mài trên vóc và trên mây tre. Sơn mài đã đi vào cuộc sống từ bát đĩa đến lọ đựng trang sức, album sơn mài, đến các loại tranh góc chờ của tiền sảnh, đến bức bình phong, những tranh đồng quê mà khách du lịch Châu Âu rất thích. Nhiều sản phẩm du lịch về chất liệu sơn mài từ tranh ở dạng khổ nhỏ đến tranh có chiều rộng lớn được chuyển đi khắp tỉnh thành đến đi ra đường biển và ra thế giới. 

Tranh sơn mài về thiếu nữ của nghệ nhân Vũ Huy Mến 

Gần đây nhất, làng nghề Hạ Thái với triển vọng mới, là nhu cầu người tiêu dùng ưa thích đặt hàng mua tranh theo không gian phong thủy của ngôi nhà mình ở. Cũng giống như gốm sứ làng Bát Tràng đi ra thế giới bằng tranh gốm phong thủy hay nghề mây tre đi ra Châu Âu, Châu Phi từ chiếc lồng bàn mây, rổ rá, sự đa dạng của tranh sơn mài cũng vậy. Nhiều chất liệu bình hoa và sản phẩm trang trí cho không gian nhà bếp cho các bậc gia đình trung lưu và thượng lưu từ lõi gốm phủ tranh sơn mài rất được ưa chuộng. Điều này phù hợp với khí hậu miền bắc luôn có độ ẩm cao.

Ưu điểm của tranh sơn mài sơn ta là không lo bị ẩm mốc, đặc biệt có vẻ đẹp thâm trầm, có chiều sâu nên được du khách và gia đình Việt Nam ưa thích. Đây là thời điểm của tranh sơn mài phát triển và đồ dùng tiện ích từ nội thất, trang trí trên chất liệu sơn ta. Dù hiện nay sơn Nhật đang thịnh, có độ bóng và vẻ đẹp lộng lẫy hơn, nhưng tranh sơn ta Việt Nam vẫn có vị thế riêng. 

Các sản phẩm đa dạng. 

Tranh sơn mài sơn ta cực đắt, nó được mua từ đất của vùng quê Phú Thọ, được vẽ bằng kinh nghiệm nhà nghề, được thổi hồn vào nghệ sỹ. Điều này đã làm nên những bức tranh sử thi về bãi bồi miền sông mẹ có tên Dạ Trạch với chàng Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung xưa. Đến khóm tre, nùn rơm đụn rạ, bến nước con đò, tranh đồng quê vẫn hút bà con Việt kiều đặt mua từ nơi xa xứ. Mỗi lần trở về thăm quê, họ đều tìm kiếm.

Tranh sơn mài chất liệu sơn ta đủ độ sâu và có khả năng giữ sự ẩn ức của làng quê Việt. Dù tranh loại nhỏ hay tranh cỡ lớn đều luôn thấm đẫm màu đất đai, thiên nhiên. Gần đây, làng cũng có những sản phẩm làm theo yêu cầu của người tiêu dùng, tranh, lọ hoa, hộp đựng nữ trang. Các loại khay và đĩa dùng trưng bày hoa quả tại gian bếp. Đặc biệt khách châu Âu và khách Nhật Bản rất thích các khay đĩa có họa tiết đơn giản, đẹp bình dị. Trong khi đó người Việt lại thích màu sắc sặc sỡ. Làng nghề đã nắm bắt được sở thích của người tiêu dùng để sản xuất sản phẩm theo nhu cầu.

Đó là lý do, dù thị trường xuất hiện thêm nhiều loại sơn mới, làng nghề sơn mài truyền thống vẫn có sức sống bền bỉ. Sơn mài đã đáp ứng được thị giác, và đáp ứng được giá trị sử dụng trong phòng khách phòng ngủ và phòng ăn. Từ những bức tranh đến lọ hoa đến khay đĩa và trang trí nội thất theo ngũ hành.

Nhiều du khách ở các tỉnh miền trung, miền Nam cũng chọn tour làng nghề Hạ Thái nhằm am hiểu văn hóa đồng quê Bắc bộ và làng nghề sơn truyền thống. Cùng với các làng nghề như làng khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre Phú Vinh, tơ lụa Vạn Phúc, nghề đồng Đại Bái, Sơn mài Hạ Thái đã làm nên thương hiệu riêng về làng nghề vùng quê bắc bộ. Thật đáng tự hào khi có nghề sơn mài truyền thống, có được đình làng miếu cổ để giới thiệu với bạn bè năm châu về một miền quê tiềm năng với những nghệ nhân sơn mài tài hoa. Chính họ đã góp phần làm nên một nền hội họa làng quê bắc bộ lâu đời không phải nước nào trên thế giới cũng có.

Hoàng Việt Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét