15 thg 3, 2018

Tranh đỏ Kim Hoàng rộn ràng Tết sang

Mặc dù chính thức mới được khôi phục từ năm 2017, nhưng dòng tranh dân gian Kim Hoàng (làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đang dần khởi sắc, rộn ràng khi Tết sắp về.

Tranh Kim Hoàng - Hoàng kim một thời


Tranh Kim Hoàng là tên gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ VIII - XIX. Sau trận lụt lịch sử năm 1915, khi làng mạc từ Phùng đến Cầu Giấy chìm trong biển nước, nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi, làng tranh bị thất truyền từ đó. Đến năm 1945, tranh hoàn toàn không còn được sản xuất. Ngày nay, chỉ còn một vài ván in của dòng tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Nghệ nhân trẻ làng Kim Hoàn giới thiệu tranh tại nhiều nơi. 


Cùng với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), dòng tranh đỏ mang tên làng Kim Hoàng là dòng tranh dân gian đặc sắc xưa kia. Đề tài trong tranh dân gian Kim Hoàng cũng được lấy từ chính cuộc sống mộc mạc, giản dị, quen thuộc của người dân Đồng bằng Bắc Bộ nên dễ đi vào lòng người. Hình ảnh trong mỗi bức tranh là con trâu, con bò, lợn, gà, là đời sống làng quê thanh bình, cảnh ngày Tết, ông Công, ông Táo…

Tranh Kim Hoàng được in trên giấy hồng điều, khác với tranh Hàng Trống, Đông Hồ in trên giấy trắng mộc hoặc giấy hồ điệp. Tranh Kim Hoàng, ngoài màu đỏ làm nền còn có màu đen khi in từ ván gỗ lên giấy và màu trắng, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, chàm, tím, hồng… được vẽ, tô sau khi in xong.

Để có được bức tranh đỏ rực rỡ, tươi tắn, người làm tranh Kim Hoàng thường dùng những bản khắc bằng gỗ thị, gỗ mít hay vàng tâm với những nét khắc tinh xảo và kỹ thuật in ngửa ván tài tình. Người dân trong làng kể lại rằng, những năm đầu thế kỷ XX, sau vụ gặt tháng 10 hàng năm, tiết trời se lạnh, là thời điểm người Kim Hoàng rộn ràng vào mùa làm tranh. Giấy hồng điều để vẽ tranh thì được mua ở phố Hàng Mã. Sau khi dùng những bản khắc gỗ sẵn, quét nước vào, đặt giấy lên cho thật phẳng, dùng xơ mướp khô xoa nhẹ, để làm nổi rõ các hình, các nét rồi sẽ đem phơi nắng. Chờ cho tranh khô, người làm tranh mới mang vào chấm màu, vẽ thêm nét cho bức tranh thật sinh động, nổi bật. Chổi để tô màu cho loại tranh làm bằng rơm nếp, tạo độ mềm mại vừa phải và dễ điều chỉnh cho mỗi nét tô. Vì thế, tranh Kim Hoàng tuy nhìn nét vẽ ngây ngô nhưng lại hết sức sống động.


Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội, nhà sưu tập tranh dân gian cho biết: Tranh Kim Hoàng ở một làng nông thôn ngoại ô thành phố phục vụ tầng lớp nhân dân lao động nên nó cũng ảnh hưởng đến màu sắc trong tranh. Những màu sắc tự nhiên được làm từ khoáng nên sau một thời gian nhất định, màu sẽ trong chứ không bị đục.

Điều đặc biệt nữa là trên tranh Kim Hoàng không chỉ có hình ảnh, mà cả những câu thơ chữ Hán, chữ Nôm chúc Tết, được thảo phía trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ thể hiện trong tranh tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ. Có được điều này, các nghệ nhân phải có tầm hiểu biết nhất định. Đây là đặc điểm tạo sự khác biệt cho dòng tranh Kim Hoàng.

Làm sống lại làng nghề đã mất

Những ngày này, người dân làng Kim Hoàng đang háo hức, rộn ràng với những bức tranh đỏ sống động được nghệ nhân trẻ vẽ ở nhà truyền thống của làng. Người dân làng tự hào về dòng tranh dân gian đặc sắc đang dần hồi sinh. Những bức tranh đỏ, sắc màu tươi tắn sinh động đã được giới thiệu ở nhiều nơi, nhiều người biết và tìm đến tận làng để mua.

Bà Thu Hòa cùng nghệ nhân lớn tuổi của Làng. 

Ông Trần Xuân Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết: Thời xưa, dòng tranh dân gian Kim Hoàng là món ăn tinh thần của người dân xứ Đoài. Họ thưởng xuân bằng tranh, nhà nào treo tranh đều lấy làm hãnh diện. Khi có dự án khôi phục tranh của bà Nguyễn Thị Thu Hòa thực hiện trên địa bàn, lãnh đạo địa phương đã phối hợp, tạo mọi điều kiện để dự án được xây dựng và cũng như tìm hướng để đào tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ của làng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hòa: Sau hơn 70 năm bị ngắt quãng, những bản khắc gỗ của dòng tranh đỏ Kim Hoàng dường như bị “hóa thạch”, đó lại là một điều hay bởi các mẫu tranh cũ không bị lai tạp. Hiện bà mới khôi phục được khoảng 30% mẫu tranh Kim Hoàng, mỗi năm sẽ khôi phục và sáng tạo ra mẫu mới, đặc biệt là 12 con giáp để phục vụ bà con dịp Tết Nguyên đán.


Các mảng chạm của Kim Hoàng rất đẹp có những hình người vật nhau, người cưỡi tiên… Tết Mậu Tuất là Tết thứ 2, dòng tranh Kim Hoàng được bán tại một số địa điểm như Văn Miếu, Đền Ngọc Sơn và một số địa điểm trong khu vực Hà Nội. Năm nay, ngoài tranh bán được nhiều nhất như lợn, gà... còn có thêm mẫu nghê, một linh vật Việt quen thuộc. Để tạo hình con nghê, nghệ nhân tranh Kim Hoàng phải về tận đình vua Đinh, vua Lê để tạo mẫu 2D mới ra được tác phẩm nghê hoan hỉ và vui vẻ.

Bà Thu Hòa cho hay, việc khôi phục làng tranh Kim Hoàng hiện mới chỉ là bước khởi đầu, để làng tranh phát triển cần một chiến lược lâu dài. Đó là phát triển tranh qua du lịch. Để thực hiện mục tiêu đó, trong năm tới, dự án sẽ tiếp tục đào tạo lớp nghệ nhân trẻ của làng. Bởi tranh Kim Hoàng phải do người dân của làng thực hiện, còn học chỉ là tác nhân để hoàn thành nét vẽ. Bên cạnh đó, đình làng Kim Hoàng cũng cần được tôn tạo là không gian để du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng tranh.

Bà Thu Hòa cũng cho biết, lợi nhuận thu từ việc bán tranh hiện nay chưa nhiều, năm 2017 bán được khoảng 50 triệu tiền tranh, năm nay với nhiều khách đặt mua trước, có thể thu về khoảng 150 triệu. 

Cổng làng Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). 

Mỗi năm, các nghệ nhân kết hợp cùng với nhà nghiên cứu sẽ sáng tác ra nhiều mẫu mới trên cơ sở chạm khắc đình làng 100%. Cứ như vậy, không chỉ dòng tranh Kim Hoàng và các dòng tranh truyền thống khác sẽ cùng nhau phát triển, lan tỏa dần, tạo thói quen xem và mua tranh tới mỗi người dân Việt Nam.



Trước đây, mỗi dịp Tết đến, dòng tranh đỏ được người dân yêu thích, treo trong nhà để trấn trạch, trừ tà, xua đi những điều không may của năm cũ và chào đón những điều may mắn trong năm mới.



Minh Quế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét