18 thg 7, 2016

"Liên trì dục nguyệt" nay còn đâu?

Đầm sen ở đồng Liên Trì thuộc thôn Liên Chiểu (nay là thôn Mỹ Thuận, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ) là một trong 12 thắng cảnh của Quảng Ngãi. Thế nhưng, hiện nay diện tích đầm sen ngày càng bị thu hẹp, cỏ cây phủ lấp. Tiếc nuối trước cảnh đẹp bị phá hủy, nhiều người dân thốt lên: “Liên trì dục nguyệt" nay còn đâu?

Ký ức đầm sen

Theo lời kể của các bậc cao niên, cứ mỗi độ hè sang, nắng vàng trải khắp các cánh đồng là lúc người dân xứ đầm bàu sen Liên Trì mãn nhãn nhìn sen. Đầm rộng mênh mông phủ một màu sen hồng trong những đám lá xanh. Gió nồm thổi qua, hương sen thơm ngát cả cánh đồng. Màu hoa sen hồng nổi bật giữa màu xanh của lá bên cánh đồng lúa chín trông vừa đẹp, vừa bình yên.

Đầm sen Liên Chiểu giờ chỉ còn lại cỏ phủ đầy. 


Đêm tháng 5, trăng sáng vằng vặc, soi xuống lòng hồ, những tao nhân mặc khách đi thuyền trên đầm ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của “trăng lồng bóng sen”. Theo sách Đại Nam Nhất thống chí của triều Nguyễn: “Có 1 ao ở xã Liên Chiểu, huyện Đức Phổ rộng hơn 10 mẫu, hình tròn như mặt trăng. Ao nước xanh biếc, nhiều sen, có thể 10 thắng cảnh của Quảng Ngãi đây là một cảnh”. Đề tựa “Liên trì dục nguyệt” của Nguyễn Cư Trinh ra đời từ đó.

Ông Nguyễn Thanh Hưng (75 tuổi) nhà ở sát bên bàu sen, kể: “Đến thế hệ của tôi, đầm sen vẫn còn mênh mông lắm. Mỗi khi hè về, bọn nhỏ chúng tôi tha hồ ngắm sen, chơi đùa những trò chơi con trẻ. Những tán sen, lùm sen trở thành nơi trốn tìm". Tháng 5 thường có những đợt mưa giông, thoáng chốc nước đã lai láng cả đầm. Những ngó sen bắt đầu lấp ló dưới bùn sâu. “Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng tôi theo mẹ lội bì bõm xuống hồ cắt những ngó sen đem về xào với tôm tép là có món ngon đậm đà vị ngọt của đồng quê. Đây cũng là dịp bà con chuẩn bị cho Tết Đoan ngọ nên ra bàu hái những bông hoa sen đẹp nhất để cắm vào lọ hoa chưng trên bàn thờ tổ tiên”, ông Hưng cho biết.

Trong ký ức của ông Nguyễn Thanh Vinh (42 tuổi, ở thôn Mỹ Thuận) vẻ đẹp của bàu sen Liên Trì thuở trước vẫn còn in đậm. “Ngày ấy, hoa được đưa vào bàn thờ, hoa chưng trong góc nhà của những cô thiếu nữ tuổi đôi mươi, hoa được cắm trên bàn giấy của các sĩ tử... Màu sen hồng đã đi vào ký ức của người làng từ thuở còn thơ", ông Vinh nhớ lại.
 
Theo sách Đại Nam Nhất thống chí của triều Nguyễn thì ngoài ao sen ở vùng Liên Chiểu, còn có ao sen ở làng Bồ Đề (nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức) và một ao sen ở vùng Ba La, huyện Chương Nghĩa (nay là xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi). Ở  ba ao sen này đều gọi là Liên Trì.
 Mùa sen nở đi qua, những hạt sen nằm trơ mình trên những đài hoa khô. Người dân trong làng bắt đầu thu hoạch sen. Mỗi khi trời nóng bức, trong mỗi nhà đều có bát chè, thức uống được chế biến từ hoa, từ hạt sen. Nhiều người xem hạt sen là một nguồn thu nhập đáng kể.

Bàu sen quanh năm chứa đầy nước, nên trở thành nơi trú ngụ, sinh sôi của nhiều loài cá. Sau khi thu hoạch sen, người làng bắt đầu vào mùa phá đầm để bắt cá và cũng là để cải tạo lại đầm sen, để sen phát triển tươi tốt trong mùa sau. “Ngày phá đầm vui như hội. Từ làng trên xóm dưới ra đồng bắt cá. Những con cá trê, cá tràu, chép, cá thác lác cứ lấp ló dưới tàn sen...”, ông Vinh kể.

Sẽ khôi phục vẻ đẹp của bàu sen

Bây giờ, tháng 5 nắng cũng trải vàng trên khắp cánh đồng, thế nhưng vẻ đẹp của bàu sen Liên Trì không còn như xưa. Diện tích của bầu sen bị thu hẹp khá nhiều, chỉ còn lại vài sào. Đưa tay hái bông hoa sen còn sót lại trong lùm cỏ xanh, bà Nguyễn Thị Hương - Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Phổ, nuối tiếc: “Giá mà bàu sen được như xưa thì không những tạo vẻ đẹp thanh bình cho vùng quê, hấp dẫn khách tham quan mà người dân còn có thêm thu nhập từ bông, ngó và hạt sen".

Sau giải phóng, bàu sen được giao cho hợp tác xã nông nghiệp quản lý. Đến nay, không có người quản lý, chăm sóc nên bàu sen ngày càng lụi tàn. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tỵ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cũng tiếc nuối vì bàu sen Liên Trì ở xã Phổ Thuận từng đi vào lòng người với vẻ đẹp nên thơ trên vùng quê thanh bình. Ông Tỵ cho biết, bàu sen nằm gần các di tích như miếu thờ Quan Thánh, phía tây là núi Xương Rồng, phía bắc là núi Chóp Vung, với nhiều điển tích. Vì thế, huyện sẽ từng bước khôi phục khu vực này, bao gồm việc tái tạo lại đầm sen, quy hoạch trồng rừng ở núi Xương Rồng, núi Chóp Vung, tôn tạo di tích miếu thờ Quan Thánh, nhằm tạo một chuỗi du lịch danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa. Hy vọng rằng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cảnh đẹp của bàu sen Liên Trì sẽ lại như xưa, tô điểm vẻ đẹp ở làng quê yên bình, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Bài, ảnh: MAI HẠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét