31 thg 7, 2016

Viếng chùa Đậu chiêm bái tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam

Tượng táng là một hình thức mai táng hiếm gặp trên thế giới, ở nước ta hình thức mai táng này xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 17, khi hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường được các đệ tử giữ nguyên thân xác sau khi qua đời ở chùa Đậu (thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).


Chùa Đậu là một ngôi chùa cổ, theo như truyền thuyết thì chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 7 nhưng theo văn bia trong chùa thì chùa được xây dựng vào đầu thời Lý (thế kỷ thứ 11). Chùa có tên chữ là Thành Đạo tự, chùa được tu sửa nhiều lần trong đó lần lớn nhất là vào năm 1635 đời vua Lê Thần Tông. 

Kiến trúc tổng quát của chùa Đậu là “nội công ngoại quốc” một kiểu kiến trúc phổ biến của chùa Việt Nam, tam quan chùa là một gác chuông đẹp, vẫn còn nguyên vẹn từ thời nhà Lê, có 2 tầng và tám mái, đầu đao cong vút, tần trên treo quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời Tây Sơn, hiện tại tam quan có dấu hiệu yếu nên nhà chùa đã dừng việc cho du khách lên trên tầng hai. Ngoài ra chùa Đậu còn nhiều viên gạch lớn và một số bia có niên hiệu Sùng Khang (1566-1567). 

Chùa Đậu vốn thờ bà Đậu hay bà Pháp Vũ, một trong bốn nữ thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nhưng nổi tiếng hơn cả đó chính là hai pho tượng bằng xương bằng thịt của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường thế kỷ 17. 

Theo ông Nguyễn Xuân Tĩnh, một người tìm hiểu văn hóa dân gian ở thôn thì sau khi hai nhà sư qua đời, các đệ tử đã tiến hành bó sơn ta rồi quang dầu bên ngoài thi hài các ngài và lưu giữ trong chùa. Đến năm 1993, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã lập phương án thiết kế để bảo toàn hai pho tượng trên. Khi chiếu tia X-quang lên pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong thi hài, không thấy vết đục đẽo, các khớp xương dính chặt với nhau như thể tự nhiên. Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đã được tu bổ lại với các kỹ thuật truyền thống như bó, hom, lót…với các nguyên liệu vải màn, sơn ta, giấy dó, tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14, trước khi tu bổ là 7kg, sau khi tu bổ là 7,5kg. 

Tam quan cổ kính ở chùa Đậu 

Đối với pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường, bị hỏng nặng vào năm 1983 do am đặt tượng bị ngập sau trận lũ lớn, trước đây đã được ông Vũ Văn Tuyền, cháu của thiền sư đắp lại bằng đất và sơn ta. Năm 2000, tượng đã được các nhà nghiên cứu sắp xếp lại những xương bị gãy, xông thuốc 2 lần và phủ xương bằng dung dịch PVC và đưa lại xương vào trong tượng và bao kín toàn tượng bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc, chỗ dày nhất tới 22 lớp. Toàn bộ pho tượng sau khi tu bổ nặng 31 kg. 

Ở Việt Nam, hai pho tượng táng ở chùa Đậu được các nhà khoa học cho là cổ nhất, đồng thời được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam và xác nhận kỷ lục có Quyển sách ghi lịch sử chùa bằng đồng xưa nhất Việt Nam vào năm 2007. 

Ngoài ra, chùa Đậu còn là một ngôi chùa với rất nhiều cây cối, xanh mát quanh năm với một hồ nhân tạo vòng quanh chùa rộng khoảng 5 mẫu, ở giữa là một phương đình lớn được bắc qua một chiếc cầu tre, cảnh vật rất nên thơ làm điểm nghỉ chân cho du khách tham quan. Trước cổng chùa là hàng cây Osaka đỏ, hoa nở quanh năm, màu sắc rực rỡ, được biết đây là một loại hoa quý có xuất xứ từ Nhật Bản do một số du khách người Thái Lan cung tiến trồng trước cổng chùa cách đây 10 năm. 

Tòa Bái đường chùa Đậu đang trong thời gian tu sửa 


Đôi rồng đá mang đậm những nét phong cách nghệ thuật thời Lý 

Những nét điêu khắc cổ kính trên gác mái tòa Bái đường 


Phương đình chùa Đậu rộng lớn giữa lòng hồ 

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thăm chùa năm 1991 

Tấm bia đá từ thời Lê ghi lại những sự kiện lớn của chùa 

Hậu cung của chùa Đậu nơi thờ nhục thân hai thiền sư 


Hình rồng thời Mạc trên các viên gạch làm bậc đi vào tòa Bái đường 

Tượng các vị La hán ở hai dãy tả vu và hữu vu 

Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh 

Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường 

Hàng cây Osaka đỏ bên hồ nhân tạo trước cổng chùa 

Hoa Osaka đỏ nở rực quanh năm 

Chùa Đậu luôn xanh mát quanh năm với cây cối um tùm 

Nguyễn Văn Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét