17 thg 7, 2016

Tà Xùa ngày không mây làm nôn nao phượt thủ cuồng chân

Nhắc đến đỉnh Tà Xùa là các phượt thủ thường nghĩ ngay đến những biển mây bồng bềnh trong nắng sớm. Có rất nhiều những bức ảnh đẹp về biển mây ở Tà Xùa, vậy còn những ngày không mây ở đỉnh núi được coi là một trong những nóc nhà của tỉnh Sơn La này thì như thế nào?

Có những đoạn, cây cối hai bên đường bị khô héo hết do đợt tuyết hồi đầu năm và cái nắng rát của vùng cao những ngày hè. Cả một trảng rừng chuyển vàng cộng với khí hậu mát mẻ trên núi cao khiến tôi ngỡ như đang đi trong một khu rừng ở phương Tây chứ không phải ở Việt Nam nữa 


Tôi vượt hơn 200km đường từ Hà Nội đến xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vào một ngày trời trong với mục đích ngắm nhìn Tà Xùa một ngày không có biển mây và hi vọng được nhìn thấy bầu trời đầy sao về đêm.

Con đường từ trung tâm huyện Bắc Yên lên Tà Xùa chỉ dài hơn 20km nhưng không dễ dàng chút nào. Dù đường đã được trải nhựa nhưng những vụ sạt lở thường diễn ra trên núi làm nhiều đoạn bị biến dạng nặng nề khiến chiếc xe của tôi bị chạm gầm liên tục, ì ạch về số 1 để ‘bò’ lên đỉnh núi. Những đoạn đường khúc khuỷu đầy sỏi đá, một bên vách núi, một bên là vực sâu phía dưới khiến tôi cảm thấy có phần hoang mang về chuyến đi lần này. Anh bạn đi cùng thấy vậy liền kể tôi nghe một câu chuyện thường diễn ra ở vùng cao, nơi đường xá đi lại khó khăn như thế này: “Cậu thấy đường đi khó thế đấy, vậy nên người ở trên này cả tuần chỉ đi xuống huyện mua thực phẩm một lần thôi. Mỗi lần mua hẳn cả chục kg thịt lợn về ăn dần. Đường xóc quá nên chuyện rơi mất thịt là chuyện bình thường. Thỉnh thoảng anh cũng nhặt được mấy túi thịt lợn rơi giữa đường”.

Lên đến gần đỉnh núi thì đường đã dễ đi hơn. Trên đường thỉnh thoảng tôi gặp một vài người dân tộc Mông. Khi ánh chiều đã buông xuống, người lớn thì đi làm về còn lũ trẻ nô đùa nhau ở những bãi đất gần đường cái. Có thể họ coi việc chụp ảnh là lấy mất hồn phách của họ ,bởi khi tôi giơ máy ảnh lên xin chụp, bà cụ trong ảnh tỏ ra lạ lẫm và vội xua tay chạy đi: “Không cho đâu, có con ma ở trong đấy bắt tao mất”. 

Một điểm chung mà tôi nhận thấy đa phần người Mông ở đây rất thấp, ước chừng chỉ khoảng 1m50. Tìm hiểu về chuyện này, tôi được anh bạn đang công tác ở đây giải thích là do điều kiện về dinh dưỡng của họ không có nhiều, hơn nữa việc hôn nhân cận huyết vẫn còn khá phổ biến, chỉ cần khác họ là đôi trai gái có thể cưới nhau được.

Sau chặng đường gập ghềnh và nhiều thú vị, tôi đã lên đến đỉnh Tà Xùa vừa kịp lúc hoàng hôn. Đỉnh núi lộng gió, cảnh vật hùng vĩ hiện lên trước mắt tôi thật khó để định hình được cảm xúc khi ấy. 

Hoa trên đỉnh Tà Xùa 

Đồi núi bên dưới dần chuyển sang ánh lam khi mặt trời xuống thấp dần. 


Cảnh vật hiện lên mờ ảo khi mặt trời đã khuất bóng, chỉ còn ánh lên màu đỏ dịu trên những đám mây. 

Và khi màn đêm buông xuống, bầu trời đầy sao hiện lên thật kì ảo. Bóng tối phủ khắp không gian, ánh đèn điện chỉ leo lét trên những căn nhà của người Mông. Thứ ánh sáng đó cũng nhỏ bé như một ánh sao trong bầu trời trên kia. 

Một ngày mới lại bắt đầu trên Tà Xùa. Tôi đã quên hẳn cái nóng 40 độ C ở Hà Nội khi nhìn những tia nắng mới lên trong không khí trong lành, mát lạnh trên đỉnh Tà Xùa. 

Một em bé người Mông trên đường đi học. 

Những chú dê thong dong gặm cỏ trong cái nắng mới lên. 

Kiều Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét