18 thg 7, 2016

Khám phá kỳ bí của thiên nhiên

Kết quả khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia về địa chất, địa mạo ở ven biển Ba Làng An (xã Bình Châu, Bình Sơn) và đảo Lý Sơn đã được tổng hợp thành một công trình nghiên cứu chung nhất. Dưới góc nhìn khoa học, Quảng Ngãi đang “sở hữu” dày đặc các di sản địa chất, địa mạo. Đây là cơ hội vàng để ngành công nghiệp không khói của tỉnh “cất cánh”.

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tuấn Lâm - Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương cho biết, đây là kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu và các trường đại học danh tiếng nhằm khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu ở Bình Châu - Lý Sơn và vùng phụ cận.

Từ vùng ven biển Ba Làng An...

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, khoảng hơn 10 triệu năm đến nay, ở vùng ven biển Ba Làng An và Lý Sơn, vật chất (magma) trong lòng đất bị xáo trộn với nhiều đợt phun trào núi lửa khác nhau phun lên ở môi trường lúc là biển, lúc là lục địa này. Chính do sự tương tác giữa lục địa và biển trong bối cảnh kiến tạo hoạt động mạnh đã tạo nên các cảnh quan lý thú của địa hình núi lửa ở đây.

Vách đá kỳ vĩ ở Hang Câu (Lý Sơn). 


Các nhà nghiên cứu đã phát hiện bazan dạng cột ở Ba Làng An với chiều dài vài trăm mét, có nhiều dáng cột đứng và nghiêng. Chính sự xáo trộn của dòng dung nham khi núi lửa phun trào mạnh và sự hình thành các khe nứt về sau đã tạo nên dáng vẻ độc đáo này. Tại đây, miệng núi lửa cổ được nhìn thấy khi thủy triều rút. Thời gian quan sát tốt nhất là từ 9 - 13 giờ hàng ngày. Sau 13 giờ, miệng núi lửa bị ngập không nhìn thấy nữa khi thủy triều lên cao. Đây là miệng núi lửa nhỏ, rộng 20m, chiều sâu khoảng 2 – 3m. Xung quanh miệng núi lửa các dòng dung nham tràn ra dạng tỏa tia. Tuổi tuyệt đối của đá núi lửa này khoảng 10,5 – 11 triệu năm.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy hang núi lửa ở phía đông Ba Làng An. Hang cao 3-4m, rộng 5-6m. Chiều sâu của hang chưa đo đạc được, nhưng khoảng trên 3m. Sự thành tạo của hang núi lửa ở đây liên quan với quá trình gặm mòn của nước biển. Khi xói đến các lớp có độ gắn kết yếu đã xảy ra hiện tượng sụt trần và hang được hình thành.

Ngoài ra, ở nơi đây còn có thềm biển mài mòn vào đá núi lửa, hình thành do sóng biển phá vỡ những tầng đá núi lửa có độ gắn kết yếu hơn ở phía trên (được hình thành cách nay khoảng 1 triệu năm), tạo nên bề mặt thềm khác phẳng ở dưới. Thềm biển mài mòn lộ ra khi thủy triều rút và bị ngập nước, sóng vỗ khi thủy triều lên.

Tại Ba Làng An còn có vách đá laterit dựng đứng, hình thành do quá trình phong hóa trên đá núi lửa bazan có tuổi khoảng 1 triệu năm theo cơ chế phong hóa tàn dư – thấm đọng. Quá trình tác động của sóng biển đã tạo nên các vách dựng đứng hoặc phá vỡ các tảng đá ong, rơi xuống sát bờ biển, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện tại Ba Làng An cổng tò vò dài khoảng 5m, cao 2m. Cổng Tò Vò được hình thành do sự công phá của sóng biển vào lớp đá ở giữa có độ gắn kết yếu hơn so với lớp đá nằm dưới và nằm trên nó. Đây là đá bazan cổ, hình thành khoảng hơn 10 triệu năm, ứng với thời kỳ Miocen giữa.

...đến thiên đường cảnh đẹp Lý Sơn

Thiên đường cảnh đẹp ở Lý Sơn được biết đến với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Các nhà nghiên cứu khoa học đã vén bức màn bí ẩn từ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp này qua các cuộc khảo sát, nghiên cứu về địa chất, địa mạo.

Hồ thủy lợi trên đỉnh núi Thới Lới (Lý Sơn). Ảnh: THANH LONG 

Ở chùa Hang có vách đá với độ cao khoảng 30 - 40m, dài hơn 100m. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đây là vách đá trầm tích tuffogen tuổi Miocen muộn, tương tự như ở hang Câu. Trầm tích này trước đây nằm dưới đáy biển, gần bờ, trải qua thời gian với biến động về kiến tạo, đặc biệt là nghịch đảo kiến tạo vào cuối Miocen muộn đã bị nâng lên khỏi mặt nước. Sau đó các lớp trầm tích này bị phun trào núi lửa phun lên, chia cắt và tạo nên các vách như hiện nay.

Ven theo chân các đảo lớn và bé thuộc huyện đảo Lý Sơn, có thành tạo trầm tích Đệ tứ là tập trầm tích vụn sinh vật (của vỏ sò, ốc, xương san hô, vỏ trùng lỗ và khung xương của các động vật biển khác với kích cỡ khác nhau) lẫn với cuội đá bazan to, nhỏ. Đây là di sản địa chất rất điển hình liên quan với đợt biển tiến Flandrian cách nay hơn 4.500 năm.

Lý Sơn đã cuốn hút các nhà nghiên cứu từ những giá trị hiếm có của các miệng núi lửa. Trên đảo Lý Sơn có miệng núi lửa lớn nhất nằm ở phía đông, đó là miệng núi lửa Thới Lới, có đường kính đáy 1,4km và đường kính của miệng núi lửa ở đỉnh là 0,35km, bờ miệng núi lửa cao 20 - 40m, tường phía trong miệng núi lửa có dạng bậc thang dốc đứng, sâu ở giữa tạo thành hồ nước và các bãi cỏ ẩm ướt. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, qua quan sát ở thực địa và dựa vào so sánh địa tầng, có thể hình dung núi lửa này được hình thành trong đợt phun trào mạnh mẽ (dạng phun nổ) xảy ra cách nay hơn 1 triệu năm, vào Pleistocen sớm. Miệng núi lửa và dòng dung nham phun ra theo miệng này đã xuyên và phủ lên các trầm tích có nguồn núi lửa có tuổi cổ hơn (vào Miocen muộn, cách nay khoảng 5,5 - 6 triệu năm). Hoạt động phun trào núi lửa mạnh mẽ đã tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp.

Phía tây đảo lớn có 2 miệng núi lửa có kích thước nhỏ hơn. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, trên đảo còn có các miệng núi lửa khác nhỏ và thấp hơn đã được san bằng thành đồng ruộng bậc thang để canh tác. Miệng núi lửa Giếng Tiền là miệng lớn thứ hai trên đảo Lớn. Miệng rộng hàng trăm mét, cao 30 - 40m. Cơ chế thành tạo và độ tuổi của miệng núi lửa này cũng khoảng bằng miệng núi lửa Thới Lới, khoảng 1 triệu năm. Cảnh quan của miệng núi lửa ở đây còn khá nguyên vẹn. Ở đảo Bé, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện các đá núi lửa với nhiều hình dạng độc đáo...

Nhiều phong cảnh tuyệt đẹp và giá trị khoa học ở vùng ven biển Ba Làng An và Lý Sơn đã và đang tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà nghiên cứu khoa học và du khách thích khám phá sự kỳ bí, quyến rũ của thiên nhiên. 

PHƯƠNG LÝ (lược ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét