17 thg 7, 2016

Hồn quê trên cổng làng

Đã có nhiều nhà thơ viết về đề tài quê hương, nhưng có lẽ gắn bó lâu dài nhất, sâu đậm nhất với đề tài này vẫn là nhà thơ Tế Hanh. Cũng chính vì vậy, lâu rồi ông được mệnh danh là “Nhà thơ quê hương”. Người dân quê ông- xã Bình Dương (Bình Sơn) hiểu tình cảm sâu nặng của ông, nên tri ân bằng cách tự chọn thơ ông rồi đem tạc trên cổng làng.

Tôi trở lại Bình Dương dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nhà thơ Tế Hanh (20.6.2021- 20.6.2016). Dòng sông Trà Bồng, trong ngày hè nắng rát vẫn rất đầy và trong vắt như gương. Dừng chân ở thôn Đông Yên 1 ngước nhìn lên cổng làng. Trên đó, có biểu tượng chiếc thuyền buồm chở đôi câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: “Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”...

Biểu tượng và tri ân

Người làng cho hay, chuyện bắt đầu vào năm 2015, khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng ở Quảng Ngãi. Dân các thôn của xã Bình Dương cùng nhau góp tiền xây cổng làng. Ở thôn Đông Yên 1, tiền huy động được 38 triệu đồng và điểm xây dựng cổng làng được chọn nằm bên cạnh Vạn chài Đông Yên. Thế nhưng, người làng tâm tư. Dân quê mình từ bao đời sống cùng biển, thác cùng biển.

Ông Hai Phố (tức nhà thơ Tế Hanh) đã oa oa cất tiếng khóc chào đời tại nơi này, rồi lớn lên đi học, làm thơ, nổi tiếng trên thi đàn dân tộc cũng bằng những bài thơ chan chứa tình quê. Do vậy, phải chọn biểu trưng bao hàm ý nghĩa đó trên chiếc cổng làng mới đúng.

Cổng làng Đông Yên trong sớm mai hồng. Ảnh: Cẩm Thư 

Cái khó của người làng Đông Yên 1 là sinh thời, ông Hai Phố làm thơ về quê hương nhiều lắm, nào là: Lời con đường quê, Quê hương, Nhớ con sông quê hương... Bài thơ nào cũng hay cũng da diết tình quê nên biết chọn câu nào?

Cụ Nguyễn Tý 81 tuổi, nhà ở gần Vạn Đông Yên cố lục tìm trong ký ức những bài thơ của chú Hai Phố mà cụ đã học hồi kháng chiến chống Pháp. Rồi sau đó, cụ âm thầm mượn sách của các thầy cô giáo ở Trường THCS của xã để tìm đọc những bài thơ của chú Hai Phố viết về quê hương...

Rồi một sớm mai, sau tuần trà với những bậc cao niên trong làng, cụ mạnh dạn nói: Có lẽ, cổng làng phải xây hình chiếc thuyền buồm và trên đó khắc đôi câu thơ: “Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” (Quê hương- Tế Hanh).

Bởi theo cụ, ngày xưa, trong những sớm mai hồng trên dòng sông Trà Bồng đổ ra cửa biển Sa Cần rợp những cánh buồm của dân chài làng Đông Yên. Buồm trương to là no gió nên thuyền lướt sóng ra khơi đánh bắt hải sản làm nên cái nhịp điệu của làng chài. Còn những ngày bão tố trên bến sông quê có biết bà mẹ, người vợ dõi mắt về phía biển khơi, chờ mong một cánh buồm.

Những cánh buồm ấy không chỉ làm nên “mảnh hồn làng” của vùng quê biển, mà khi đi vào thơ của chú Hai Phố còn mang âm hưởng dư ba chuyện nhân nghĩa ở đời. Bởi từ xa xưa, cho đến thời kháng chiến chống Pháp, thời chống Mỹ và cả bây giờ, người làng Đông Yên 1 luôn rộng vòng tay san sẻ yêu thương.

Sau khi ý kiến của cụ được người làng chấp nhận, cụ Nguyễn Tý vui lắm nên lập tức điện thoại báo với con trai mình làm kiến trúc sư ở TP. Hồ Chí Minh. Người con trai lâu rồi luôn tự hào quê mình có dòng sông Trà Bồng trong xanh, có ông Hai Phố, nên nghe cha điện báo ý tưởng đã thức nhiều đêm kẻ, vẽ, sớm hoàn thành mẫu thiết kế chiếc cổng làng rồi ra bưu điện gửi thư chuyển phát nhanh về cho cha.

Cầm bản thiết kế trong tay, cụ Tý sang nhà bí thư chi bộ Huỳnh Đình Chính rồi họ cùng với thôn trưởng thôn Đông Yên Nguyễn Dũng bàn bạc. Họ thống nhất mang lên trình UBND xã. Bí thư Đảng ủy xã Lê Minh Chính (năm ngoái làm Chủ tịch UBND xã), kể: Nghe các chú, các anh trình bày rồi xem mẫu thiết kế mình mừng lắm. Bởi có như vậy chiếc cổng làng mới mang ý nghĩa nhiều hơn”. Thế là trong cuộc họp Đảng ủy sau đó, Bí thư Đảng ủy xã Lê Minh Chính đưa vấn đề ra bàn và tất cả đều thống nhất cho tiến hành xây dựng.

Nhưng chuyện làng, “mở nắp vung thì thêm gạo”, làm cổng làng hoành tráng hơn thì lấy tiền đâu ra? Nghe điều này, bà con làng Đông Yên 1, không hề phân vân: “Mình huy động chòm xóm rồi, giờ gọi con cháu quê hương làm ăn thành đạt ở nơi xa đóng góp thêm”. Những cuộc điện thoại lên Tây Nguyên, vào TP. Hồ Chí Minh có hiệu ứng tức thì.

Cụ Nguyễn Văn Vàng trông coi nhà thờ, nơi nhà thơ Tế Hanh cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Cẩm Thư 

Ngày khởi công cổng làng, người làng Đông Yên vui lắm. Cứ sáng sáng, chiều chiều bà con còn phân công nhau phụ giúp cánh thợ đẩy nhanh tiến độ thi công. Sau hai tháng, rồi chiếc cổng làng cũng hoàn thành, với kinh phí “dội” lên đến 80 triệu đồng.

Tình quê đôn hậu

Chiếc cổng làng được khánh thành, người làng vội điện thoại ra Hà Nội báo cho gia đình chú Hai Phố để chia sẻ niềm vui. Có người còn xuýt xoa: Giá mà chú Hai Phố còn sống nếu không về làng được thì bà con chụp hình gửi ra khoe với gia đình, âu cũng là một cách tri ân của người làng đối với nhà thơ quê hương.

Làng Đông Yên nằm ở hạ lưu sông Trà Bồng. Sông ồn ào vào mùa Đông, lững lờ trôi trong mùa hạ. Người làng từ lâu đã trồng tre thành lũy để giữ đất, giữ làng, để mùa hạ về “nước gương trong soi tóc những hàng tre” (Nhớ con sông quê hương- Tế Hanh).

Còn gì vui hơn trong mỗi sớm thuyền về “ồn ào trên bến đổ/ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về” (Quê hương- Tế Hanh). Rồi 9 năm kháng chiến, Quảng Ngãi thuộc vùng tự do của Liên khu 5. Mặc dù, máy bay Pháp rình rập thả bom nhưng chợ Hôm vẫn họp đông vui, có “Những con cá tươi ngon thân bạc trắng” (Quê hương- Tế Hanh) vẫn xôn xao trên bến dưới thuyền.

Làng quê Bình Dương yên bình bên sông Trà Bồng. Ảnh: Ý Thu 

Làng quê yên bình, giàu sức sống. Nhưng nếu không có một thi sĩ tài hoa với tình quê đôn hậu thì làm sao có thể đi vào thơ ca, với những vần thơ nhẹ nhàng, tự nhiên và sâu đậm đến thế. Dân làng nghĩ vậy và càng mến yêu ông Hai Phố, chú Hai Phố quê mình.

Thời trẻ tuổi ra Huế học, ông Hai Phố đã viết tập thơ Nghẹn Ngào với những bài thơ trong sáng tình quê hương. Rồi những tháng năm đất nước chia cắt, khi bài thơ “Nhớ con sông quê hương” được ngâm trong chương trình Tiếng Thơ của Ban Văn học nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam, người quê càng nhớ và tự hào về ông Hai Phố của quê mình.

“Nhưng đất nước thống nhất, nhiều lần trở về thăm quê có bao giờ tui nghe chú Hai Phố nói chuyện về thơ phú gì đâu”- cụ Nguyễn Văn Vàng (81 tuổi) trông coi nhà thờ của thân phụ ông Hai Phố kể. Về thăm quê, sau khi thắp hương trên bàn thờ gia tiên, ông Hai Phố thường vận bộ quần áo bà ba, mang đôi dép da quai chéo đi thăm chòm xóm, hỏi chuyện làm ăn, chuyện ngày mùa, chuyện học hành của bầy cháu nhỏ.

Nhiều khi trong sắc trời chiều, bà con bắt gặp ông Hai Phố đứng ở bên sông nhìn về phía Đồng Min- nơi đó có chiếc cầu tre lắt lẻo bắc ngang sông Trà Bồng. Những lúc đó, ông Hai Phố như trẻ lại, hòa vào tuổi thơ- một thời “Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy/ Bầy chim non bơi lội trên sông” (Nhớ con sông quê hương- Tế Hanh).

Ông Hai Phố có tình quê đôn hậu nên ngày ông mất người làng cử đại diện ra Hà Nội viếng với bức liễn có đôi dòng chữ: “Dân làng tôi ghi ơn Hai Phố/ Dòng sông Trà in bóng Tế Hanh”. Còn bây giờ khi cổng làng được xây thì khắc đôi câu thơ của ông viết về quê nhà. Đó là cái nghĩa, cái tình của người làng với một thi sĩ tài hoa của quê hương.

CẨM THƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét