11 thg 7, 2016

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, Tp. Thủ Dầu Một) là nơi được coi là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật không chỉ của tỉnh Bình Dương mà của cả vùng Nam Bộ. Với những giá trị nghệ thuật mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà tính cách Á Đông, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp hiện đã xuất đi nhiều nước trên thế giới. 

Khoảng giữa thế kỷ 18, những người thợ sơn mài từ vùng đất miền Trung trong quá trình di dân đã mang theo nghề sơn vào xứ Đồng Nai, Gia Định, trong đó có Tương Bình Hiệp. Ban đầu, làng nghề mới chỉ có vài hộ chuyên làm sơn son, thếp vàng và pha chế sơn then. Về sau, làng nghề Tương Bình Hiệp dần phát triển, thợ sơn mài ở đây mới trở nên nổi tiếng khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh.

Cùng thời gian, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được truyền qua nhiều thế hệ khi những nghệ nhân tâm huyết mở ra các lớp đào tạo nghề. Sự xuất hiện của xưởng sơn mài Thanh Lễ vào thập niên 50 của thế kỷ trước đã đánh dấu một bước phát triển mới cho làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Từ đây, làng nghề xuất hiện rất nhiều các nghệ nhân tài hoa, xuất sắc như: Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trương Văn Cang, Trần Văn Nam và một số thầy giáo Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một như: Châu Văn Trí, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Tuyền, những người góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy sự phát triển của làng nghề. Đã có nhiều cơ sở sơn mài mọc lên, sản phẩm sơn mài cũng ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu sử dụng của khách hàng và Tương Bình Hiệp đã trở thành một thương hiệu sơn mài nổi tiếng.

Nguyên liệu màu sử dụng để sáng tạo các sản phẩm sơn mài ở làng nghề Tương Bình Hiệp .


Cẩn vỏ ốc cho một sản phẩm sơn mài nghệ thuật.

Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp mang tính thẩm mỹ cao.

Nghệ nhân vẽ nổi trên sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp.

Vẽ lặn trên sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp.

Để làm ra một sản phẩm sơn mài có giá trị nghệ thuật phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau.

Công đoạn làm bóng sơn mài.

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp cũng là nơi đảm bảo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công trong khu vực và các vùng phụ cận.

Để sáng tạo một sản phẩm sơn mài đòi hỏi sự công phu và độ tỉ mỉ cao. 

Các sản phẩm sơn mài của làng nghề Tương Bình Hiệp có nhiều thể loại như: sơn lộng; sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng và sơn khắc… Riêng loại sơn truyền thống sử dụng làm sơn mài Tương Bình Hiệp là một hỗn hợp sơn Nam Vang và sơn Phú Thọ được pha chế riêng khác với các vùng khác trong nước. Theo nghệ nhân Lê Bá Linh, chủ doanh nghiệp sơn mài Tư Bốn, trong khâu chế biến sơn, đánh sơn cho chín được xem là một khâu quan trọng, đòi hỏi tay nghề, quá trình tích luỹ kinh nghiệm lâu năm của người thợ sơn.

Để tạo nên một tác phẩm sơn mài sản xuất theo kiểu cổ truyền thống phải qua 25 công đoạn khác nhau. Nhiều công đoạn phải làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như hom, sơn lót... Riêng với công đoạn sơn, mỗi sản phẩm sẽ phải mất từ 3 - 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng. Đây là sự kỳ công để mỗi tác phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp có giá trị nghệ thuật cao qua sự tỉ mỉ, tâm huyết sáng tạo đến từng chi tiết của các nghệ nhân.

Chất liệu để làm sơn mài tùy theo từng loại sản phẩm mà sử dụng khác nhau như: gỗ dùng làm bàn ghế, tủ, bình; ván ép dùng làm tranh, hộp; gốm dùng làm bình, tượng; vải hay giấy dùng làm cốt cho những sản phẩm thường có kiểu dáng nhẹ, mỏng như bát đĩa, lục bình... Hiện nay, những sản phẩm sơn mài cẩn tre, nứa, vỏ cây… thay cho trai, ốc, vỏ trứng truyền thống của làng nghề đã định hình, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, đặc biệt là các thị trường mỹ nghệ khó tính như: Mỹ, Pháp, Hà Lan.

Nét đẹp truyền thống của sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ chính là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát trong mỗi chi tiết, đường nét. Đặc biệt, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được một số chuyên gia đánh giá có tính năng chịu đựng được cả ở vùng khí hậu hàn đới châu Âu khi không bị bong nứt hoặc biến dạng.

Được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ, nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp những năm gần đây đang có sự phát triển nhanh. Với những giá trị của mình, sản phẩm sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp trải qua hàng trăm năm gìn giữ và phát triển không chỉ là niềm tự hào của một làng nghề mà còn trở thành một di sản văn hóa đáng trân trọng của dân tộc. Đến với Bình Dương, ngoài các địa điểm văn hóa - du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện là một điểm đến thú vị để du khách có thể tìm hiểu nghề sơn mài truyền thống và chọn mua một sản phẩm sơn mài làm quà lưu niệm - món quà vừa mang đậm nét văn hóa địa phương vừa có giá trị nghệ thuật cao.

Một số sản phẩm sơn mài của làng nghề Tương Bình Hiệp:







Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét