24 thg 7, 2016

‘Đành giã từ nhau chợ nổi Cái Răng...’

“Đành giã từ nhau chợ nổi Cái Răng/ Cô Sáu cười nụ đồng tiền lúng liếng/ Anh Bảy tròng trành cưa ly rượu đế/ Giá mà ta treo bẹo được lòng nhau…”, câu thơ của Huỳnh Kim từng bao phen khiến khách lạ một lần ghé chợ nổi Cái Răng nghe lòng lao đao.

Một cái chợ độc đáo, sầm uất nhất trên sông nước miền Tây nuôi sống nhiều thế hệ, chở những câu chuyện nặng tình người, tình xứ sở. Thế nên cái tin mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định công nhận chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với khách xa và người già, trẻ nít sinh sống xứ này, kể cũng chẳng có gì lạ.

Kiếp thương hồ “gia truyền”

Trưa nắng, tôi theo chân ông trưởng khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ để gặp một số cư dân của chợ nổi. Người đầu tiên tôi được gặp là anh Lê Phùng Viên (36 tuổi). Viên dáng người nhỏ nhắn, hoạt bát, tốt nghiệp cử nhân kinh tế ngành quản trị du lịch, lữ hành nhưng nghề anh làm hiện nay không liên quan đến du lịch, lữ hành mà lại gắn bó trực tiếp với chợ nổi - một thương nhân chuyên mua bán nông sản, đặc biệt là khoai môn.

Viên kể cha anh quê gốc ở vùng cửa khẩu quốc tế Long Bình (huyện An Phú, An Giang), là người trực tiếp gắn bó với chợ nổi, hàng chục năm lênh đênh sông nước. Hồi đó ông bà của Viên ở quê nuôi heo được ít vốn mới đóng ghe, mua máy cho cha Viên vận chuyển khoai môn vốn là đặc sản từ xứ của mình xuống Cần Thơ bán. Khi bán hết khoai thì lại mua trái cây từ dưới Cần Thơ chở ngược về trên đó bán. Ghe thường khởi hành từ An Giang tầm 15-17 giờ chiều, đi suốt đêm để xuống chợ tầm 5-6 giờ sáng cho kịp chợ.

Đến năm 26 tuổi, cha của Viên mới lập gia đình. Hai vợ chồng trẻ vẫn chọn nghiệp buôn bán trên sông nước và đi đi về về giữa An Giang với Cần Thơ. Viên được mẹ sinh ra trên ghe và ở trên ghe đến 10 tháng tuổi - cái tuổi biết bò khắp ghe thì cha mẹ cắp anh lên bờ gửi ông bà ngoại chăm sóc cho đến khi học lớp 12. Lúc còn nhỏ, niềm vui thích nhất của Viên là mỗi dịp nghỉ hè được theo ghe hàng của cha mẹ rong ruổi trên những con sóng nước mênh mông.

“Hồi tôi 15-16 tuổi thì ghe hàng của cha mẹ mới không đi đi về về nữa mà neo hẳn ở chợ nổi Cái Răng. Dù tôi không trực tiếp theo cha mẹ xuống ghe bán hàng nhưng tết đến thì tôi xuống trông ghe cho cha mẹ về quê cúng kiếng và chăm lo tết cho ông bà. Đến năm 2010 thì cha mẹ tôi quyết định lên bờ để có một chỗ ở ổn định cho con cái” - Viên kể.

Chợ nổi Cái Răng tấp nập ghe thương hồ với cây bẹo bán hàng la-ghim. Ảnh: N.NAM

Giàu lên trên sông nước

Ông trưởng khu vực Yên Thuận kể: Dân ở chợ này, cứ lớp này già nghỉ thì có lớp trẻ ra, cứ còn buôn bán được thì chưa nghe ai muốn nghỉ cả. Ông dẫn tôi lên thăm bè nổi của Nguyễn Thanh Thật (31 tuổi, quê gốc huyện Phong Điền, Cần Thơ), một người trẻ có thể nói là thành công ở chợ nổi. Thật kể anh biết đến chợ nổi này từ khi 15-16 tuổi, theo người anh họ ra đây làm thuê. Thật lúc ấy thấy cuộc sống ở chợ cũng dễ thở và nhận thấy nhu cầu cần chở thuê nhiều nên về nhà xin cha mẹ đóng cho một chiếc đò. “Lúc ấy em đâu có biết chèo đò làm sao nhưng mình thích nên quyết làm cho được!” - Thật kể. Từ một cậu nhóc chạy đò thuê, đến giờ Thật đã có gia tài khoảng 300 triệu đồng gồm một cái bè nổi, một chiếc ghe 20 tấn và một chiếc vỏ 16 tấn. Và cũng từ chợ nổi này, vợ chồng Thật nên duyên, có con cái.

Hay như gia đình anh Viên, tuy là lên bờ nhưng cơ nghiệp của cả gia đình anh vẫn gắn với chợ nổi. Giờ đây nhà anh có hẳn một bến cho xe tải vào “ăn” hàng nông sản từ các ghe ở chợ nổi đưa lên. Và hàng ở khắp nơi do nhà anh mang về cũng cập bến này, đưa xuống chợ nổi để túa đi khắp ngả vùng sông nước.

Bè nổi mấy trăm triệu đồng đủ tiện nghi

Khác với cha mẹ Viên chọn lên bờ thì nhiều người khác như bà Lê Thị Nga (63 tuổi, quê gốc Bình Minh, Vĩnh Long) hay anh Phùng Lý Ngân (42 tuổi, quê gốc Vĩnh Long) lại chọn ở trên bè nổi. “Mấy năm trước chợ này sung lắm, xuồng chèo không lọt vì ghe đậu san sát, kín mặt sông. Giờ thưa bớt rồi nhưng nghề của tôi là mua bán trên sông nước này nên vẫn bám trụ ở đây thôi. Tuy nói là bè nổi chứ nó cũng như cái nhà của mình, tiền làm một bè nổi cũng mấy trăm triệu chứ không ít đâu” - bà Nga nói.

Ở chợ nổi Cái Răng có gần 40 hộ ở cố định trên bè nổi. Số lượng này không thêm được nữa vì mặt nước đã chật nên ai muốn ở bè nổi thì phải chờ có người bán lại chứ không dựng cái mới được. Bè được neo bằng những sợi dây buộc chặt với những cây chàm hoặc bạch đàn đóng chặt dưới đáy sông. Sàn bè bằng gỗ lót gạch bông hoặc lót simili, được đỡ bằng nhiều loại vật liệu như thùng phuy, ghe. Xung quanh bè đóng bằng gỗ, tôn, sắt. Bên trong bè ngăn phòng như nhà bình thường. Những nhà có điều kiện hơn thì cái bè cũng được dựng chắc chắn hơn và tiện nghi trong bè cũng khang trang hơn với salon, tivi thông minh, máy lạnh đủ cả.

Cái bè nổi của anh Thật bề ngang chưa đến 4 m mà trước cửa anh trồng một chậu mai, một chậu hoa nhài, mấy cây rau thơm, một chuồng chim bồ câu, chưa kể con chó mấy tháng trước trôi lóp ngóp trên sông mà anh vớt được. Ngồi trong phòng khách ngó ra, mấy cái bè san sát như nhà ở trên bờ nhưng chốc chốc “cái nhà” lại chao nghiêng khi có một tàu lớn hoặc canô chạy ngang qua.

Chưa từng xảy ra ẩu đả

Theo soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, một người nghiên cứu nhiều về văn hóa miền sông nước, thuở ban đầu chợ nổi Cái Răng bán đủ thứ. Người có hàng nông sản thì bán đi để mua lại hàng thiết yếu như than củi, mắm, ba khía vùng Cà Mau, trái cây vùng Trà Ôn, hàng thiết yếu gia dụng từ TP.HCM, đồ gốm từ Lái Thiêu (Bình Dương) chở xuống…

Soạn giả Nhâm Hùng cho rằng điều đặc biệt ở chợ nổi Cái Răng là nét văn hóa hiền hòa trong giao thương. Người mua kẻ bán ở đây tương trợ lẫn nhau và đặc biệt từ xa xưa đến giờ, theo ông biết, chưa từng xảy ra vụ ẩu đả, xích mích nào. Một phần nữa có lẽ vì mỗi chiếc ghe như là một thế giới riêng biệt.

“Cắm cây sào tre bẹo hình bẹo dạng”

Cây bẹo ở chợ nổi đúng thật là hình thức quảng cáo đầu tiên trên sông nước. Nó chào hàng bằng tín hiệu hình ảnh trực quan sinh động mà không cần phải viết chữ hay cất tiếng rao. Từ cách xa cỡ 300 thước, người ta đã nhìn thấy cây bẹo. “Bẹo có nghĩa là khêu gợi, kích thích sự tò mò. Ví dụ cô gái đi qua đi lại làm điệu làm dáng thì bà mẹ sẽ hỏi con là bẹo hình bẹo dạng cho ai ngắm. Chắc xuất phát từ đó nên cây sào treo món đồ cần bán ở chợ nổi gọi là cây bẹo” - ông Nhâm Hùng lý giải. Không khác câu thơ ví von của Huỳnh Kim: “Cắm cây sào tre bẹo hình bẹo dạng/ Xôn xao xuồng ghe họp chợ chòng chành…”.

“Bẹo gì bán nấy” là câu cửa miệng của người ở chợ nổi. Một cây sào cắm trước đầu ghe, treo trên nó khi thì chùm củ sắn, khi thì chùm khoai lang, khi thì quả dưa hấu… Cũng có khi cây sào ấy treo lủ khủ nào cà rốt, nào khoai tây, hành tây, bắp cải, củ dền… Những người ở chợ gọi cây bẹo treo nhiều loại hàng đó là bán la-ghim, tức thập cẩm nhiều hàng, thường là hàng từ Đà Lạt xuống.

Mua bán kiểu áng chừng hào phóng

Ở chợ nổi Cái Răng xưa nay người ta bán theo chục, thiên, giạ… như tính cách hào phóng của người miền Tây. Nói là chục nhưng có nơi chục 12, có nơi chục 14-16, thậm chí chục 18. Còn bán theo giạ thì cứ hai thúng bằng một giạ, tương đương 18-20 kg. Hoặc là mua mão, bán mão, tức là khỏi cần cân đong gì, nhìn nguyên ghe hàng đó rồi trả giá để mua, bán. Cái hay của thương hồ kinh nghiệm là tự cảm nhận để mua bán kiểu này vẫn có lời.

Khi công việc mua bán khép lại, chờ con nước lên để ra về hoặc những ghe còn hàng phải ở lại bán tiếp vào hôm sau, người ta tụ tập nói chuyện, rồi thêm cây đờn, thêm ly rượu. Người này hát một câu, người kia xin hát một câu, dần dà thành ra một cuộc chơi đờn ca tài tử bất tận.

Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa NHÂM HÙNG:

Bài học từ chợ nổi Ngã Bảy

Văn hóa chợ nổi là văn hóa giao thương chứ không phải chỉ là bán lời hay lỗ. Chủ nhân của chợ nổi chính là những người đang buôn bán ở đó nên cách giữ chợ nổi tốt nhất là tạo điều kiện cho họ buôn bán thuận lợi. Do đó, tôi mong là TP Cần Thơ khi thực hiện đề án bảo tồn chợ nổi Cái Răng đừng can thiệp thô bạo vào những gì chợ đang có. Hãy nhìn từ bài học chợ nổi Ngã Bảy để biết cách ứng xử phù hợp. Chợ nổi Ngã Bảy từng có đến cả ngàn phương tiện đến giao dịch mỗi ngày với 37 bến đò ngang, đò dọc. Nhưng vào năm 2000, khi Chính phủ có nghị định về an toàn giao thông đường thủy thì chính quyền sở tại cho là chợ nổi vi phạm giao thông thủy. Lúc đó họ làm một động tác đơn giản là ra lệnh dời chợ về vị trí trong một con kinh nhỏ cách chỗ cũ 3 km nên chỉ còn khoảng 200 ghe hàng. Và đến giờ thì nó chỉ còn 10 ghe hàng mà thôi. Cho nên dẹp chợ thì rất nhanh, hai tiếng đồng hồ là xong nhưng để hình thành chợ thì phải cần đến 100 năm”.



NHẪN NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét