5 thg 3, 2018

Cứu di tích, giữ ký ức

Hải Vân Quan sau gần 200 năm nay đã được công nhận di tích cấp quốc gia. 

Chấp nhận giải tỏa trắng 70 hộ dân, giữ lại đất vàng để phục dựng Thành Điện Hải, không chỉ vậy, Đà Nẵng còn bắt tay với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế để lên tận đèo Hải Vân gắn biển di sản quốc gia cho Đệ nhất hùng quan. Đó là những nỗ lực của thành phố trẻ khi mong muốn giữ sợi dây lịch sử. Điều có ý nghĩa của cả một vùng đất, dân tộc. Đó là cách làm giàu cho tương lai.

Chứng nhân lịch sử
Cuối tháng 12.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho thành Điện Hải. Đằng sau kết quả ấy là hành trình dài, Đà Nẵng nỗ lực hiện thực hóa quyết tâm giải cứu thành trì đặc biệt - chứng nhân lịch sử gần 200 năm tuổi.

Được xây dựng dưới thời Gia Long năm 1823, đến năm 1835, thành Điện Hải là một trong những hệ thống phòng thủ ven biển cực kỳ quan trọng đối với triều đình nhà Nguyễn. Bằng chứng lẫy lừng nhất là năm 1858 - 1860, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm lược Việt Nam, nơi đây trở thành tiền đồn ngăn bước chân giặc.

Thế nhưng, những chiến tích ấy chỉ lừng lững trong sử sách, còn thực tế, thành Điện Hải dần phai mờ khi bị trưng dụng làm nhiều công trình. Thậm chí, ngay cả khi được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988, phía tây thành vẫn có hàng chục hộ dân sinh sống, xâm phạm vào tường thành.

Đến khi công cuộc hiện đại hóa tràn đến, mang theo cả những nhà cao tầng mọc lên, thành Điện Hải lọt thỏm giữa lòng thành phố. Vậy mới hiểu, nhiều người dân Đà Nẵng đã ngỡ ngàng khi cuối tháng 10.2016, Đà Nẵng quyết định di dời 70 hộ dân, ngừng thi công tòa nhà lưu trữ thành phố để trả lại mặt bằng, trùng tu thành Điện Hải.

Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nhận định: "Với thành Điện Hải, với tư cách một di sản vật thể gần 200 tuổi, giữ cho nguyên vẹn từng viên gạch như thuở ban đầu là không dễ, huống chi nơi đây từng mấy lần xông pha lửa đạn, bị đối phương chiếm đóng nhiều thập niên. Giá trị rất đặc biệt, rất lớn".

TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế hào hứng: "Thành Điện Hải là biểu tượng của lòng yêu nước bất khuất và tinh thần quả cảm của quân dân Đà Nẵng nói riêng và quân dân Việt nói chung trước mũi súng quân thù. Nhưng điều cần nhấn mạnh là, cuộc kháng chiến của quân dân Việt Nam chống liên quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha tại Thành Điện Hải là một dấu mốc đặc biệt khi đưa lịch sử dân tộc sang một thời kỳ mới. Một lợi thế của Đà Nẵng mà hiếm có địa phương nào khác có được".

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng vẫn không giấu được sự phấn khởi: "Đến thời điểm này, đây là di tích quốc gia đặc biệt duy nhất tại Đà Nẵng được công nhận. Mặc dù con số còn rất khiêm tốn nhưng nó chứng minh cho sự nỗ lực của Đà Nẵng. Quyết định giữ đất vàng để nuôi di tích có thể tiêu tốn nhiều công sức, ngân sách, thế nhưng nó lại là niềm vui lớn, nhiều người chờ đợi lâu nay. Chúng tôi mong từ đây Thành Điện Hải sẽ được trả về đúng vị trí của mình dù là ở ngoài đời thực hay trong lòng người".

Bắt tay trên đỉnh Hải Vân
Cùng trong câu chuyện về di tích, năm 2017 cũng đánh dấu một bước tiến ngoạn mục của Đà Nẵng với cái tên Hải Vân quan. Tồn tại gần 200 năm, Hải Vân quan cũng từng là công trình phòng thủ cho Cố đô Huế, là điểm kiểm soát trên đường thiên lý Bắc Nam. Đây cũng là ranh giới tự nhiên của 2 địa phương và chính điều này đã vô tình khiến số phận của cửa ải từng được vua Lê Thánh Tôn phong tặng danh hiệu "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" chẳng thể đi về một mối nào, đến mức bị bỏ rơi thành phế tích. 

Pháo thần công được quân dân Đại Nam cản bước chân quân xâm lược nay vẫn còn được gìn giữ ở Thành Điện Hải. 

Và cứ tưởng sự tiếc nuối ấy hoàn toàn vô vọng, Hải Vân quan chỉ mong chờ tồn tại qua những bức ảnh dần nhìn rõ sự hoang phế thì đến tháng 11.2016, Sở VH-TT Đà Nẵng ngược đèo ra làm việc với Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Ngay sau cuộc họp, thông tin về việc cả hai địa phương thống nhất lập hồ sơ đề nghị công nhận Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia. Tháng 5.2017, tại đỉnh đèo Hải Vân, hai địa phương cùng công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia cho Hải Vân quan. Những cái bắt tay giữa cơ quan chính quyền hai tỉnh thành khiến nhiều người vẫn không tin được "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" nay đã có "danh phận" giữa mây ngàn.

GS.TS Trương Quốc Bình - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia chia sẻ: "Không có ranh giới giữa văn hoá hay lịch sử. Ở bình diện quốc gia, Bộ Văn hóa rất mong những cái bắt tay như Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia, đó là điều đáng mừng bởi một di sản văn hóa của cả vùng đất được tôn vinh".

Quay lại câu chuyện lịch sử Đà Nẵng, hơn 20 tuổi chuyển mình vươn dậy, Đà Nẵng dù là một bộ phận của xứ Quảng nhưng lại chỉ khiến người ta nhớ đến những cây cầu, những tòa nhà, về biển. Nhiều người cảm thấy Đà Nẵng không có chiều sâu, thậm chí là không có mấy kí ức.

Vậy nhưng, trong lòng thành phố vẫn còn đó những cái tên như đền thờ ông Nam Hải, các làng nghề thủ công truyền thống, các di tích Chăm Pa... Di sản vật thể của Đà Nẵng so với các tỉnh thành khác vẫn còn nhỏ bé. Vậy nên, những di tích như thành Điện Hải, tháp Chăm Pa Phong Lệ, Hải Vân quan cần phải được gìn giữ cho thế hệ sau.

Thêm nữa, các nhà làm văn hóa đang bắt tay với nhà quản lý, người làm du lịch để cùng nhau tính làm sao cho 6 triệu lượt khách đến Đà Nẵng phải đến thành Điện Hải bởi sự độc nhất của nó. Cũng như Hải Vân quan, sẽ là sợi dây liên kết du lịch của không chỉ Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế mà còn là giữa hai khu vực Bắc và Nam Trung bộ thời gian tới. Lưu giữ quá khứ cũng sẽ làm giàu cho hiện tại, cho tương lai. 

Thùy Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét