22 thg 7, 2015

Nhận diện thành Thị Nại qua tư liệu khảo cổ

Theo thư tịch cổ, vùng Vijaya xưa (Bình Định nay) có 5 thành cổ Chămpa. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chỉ biết có 3 thành là thành Thị Nại (Tuy Phước), thành Cha và thành Đồ Bàn (An Nhơn); 2 thành khác là thành Sức và thành Uất Trì chưa xác định được. Kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực tháp Bình Lâm, kiến trúc duy nhất hiện còn trong thành Thị Nại, tiến hành vào trung tuần tháng 8 vừa qua, đã cho chúng ta những nhận thức mới về thành cổ này.

Tháp Bình Lâm, kiến trúc duy nhất còn lại trong khu vực thành Thị Nại. Ảnh: N.T.Q

Đợt khai quật do TS. Bùi Chí Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ thuộc Viện Khoa học Xã hội Nam bộ, chủ trì, tiến hành trên diện tích khai quật khoảng 600 m2 nhằm phục vụ việc lập dự án thiết kế trùng tu tôn tạo tháp cổ.

Trong địa tầng hố khai quật, các nhà khảo cổ học tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ các loại hình, từ đồ gia dụng như chum, bình, cốc, chén, bát, hộp phấn… bằng đất nung, sành sứ với nhiều màu men, kiểu dáng thuộc các dòng gốm Nguyên, Tống, Minh (Trung Quốc), Gò Sành (Bình Định)… Đặc biệt, đã phát hiện rất nhiều mảnh ngói lá in dập hoa văn hình ô vuông, hoa văn thừng và đầu ngói ống trang trí hoa sen 8 cánh, ngói mặt hề. Đây là những vật liệu kiến trúc có niên đại rất sớm (thời Hán, thế kỷ I - III). Loại hình ngói Hán này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở một số di tích văn hóa Chămpa khác như ở Trà Kiệu (Quảng Nam), thành Hồ (Phú Yên), thành Cha (Bình Định)… Việc tìm thấy ngói Hán, cho phép các nhà nghiên cứu đoán định nơi đây, ngay từ thời các tiểu quốc hưng thịnh (trước thế kỷ IX), đã có những công trình kiến trúc.

Trong các hố thám sát cách tháp khoảng 30m về phía Tây, 60m về phía Nam và 10m về phía Bắc, dưới nền mặt bằng chung của tháp, cũng đã phát hiện một số mảnh gốm miệng chum loe vát, mảnh chum hoa văn thừng, nắp bình hoa văn khắc vạch. Hoa văn, kiểu dáng, xương gốm của những mảnh gốm trên rất gần với gốm Sa Huỳnh.

Loại hình cánh hoa lửa (trang trí vòm cửa và góc tháp) bằng đất nung và bằng đá sa thạch tìm thấy rất nhiều, với hơn 10 loại kiểu dáng hoa văn, kích thước khác nhau. Đáng chú ý là hoa lửa bằng đất nung, chất đất mịn, điêu khắc sắc sảo, kỹ thuật nung hoàn hảo, màu đỏ tươi. Hoa lửa bằng đá, ngoài loại điêu khắc hai mặt (niên đại muộn), còn có hoa lửa điêu khắc bốn mặt (niên đại sớm), mảng khối rõ ràng, đường nét mềm mại. Hoa lửa bằng đá sa thạch màu sắc đa dạng: xám vàng, xám xanh, xám trắng và tím. Từ đó, các nhà nghiên cứu nhận định: hoa lửa có cả loại có niên đại sớm lẫn muộn, kéo dài từ thế kỷ XI đến XIV.

Trong khu vực tháp Bình Lâm, các nhà khoa học đã tìm thấy chân móng kiến trúc của các phế tích. Hầu hết những kiến trúc này có cùng mặt bằng, nhưng niên đại khác nhau. Có kiến trúc niên đại sớm hơn, có kiến trúc niên đại muộn hơn tháp Bình Lâm. Trên các ô khám tháp Bình Lâm hiện còn, không có tượng đá và dấu vết gắn tượng đá mà tất cả tượng các ô khám và trang trí đều được chạm trực tiếp trên gạch. Thế nhưng, các nhà khảo cổ lại phát hiện nhiều đầu tượng người (có cả tượng tròn), rắn Naga, trâu… bị vỡ và vùi lấp ở độ sâu khoảng 1,2m đến 1,5m. Những tượng này được xác định thuộc giai đoạn sớm, thế kỷ thứ X đến XI.
Nằm ở vị trí trọng yếu, là trung tâm của Chămpa (thời kỳ đầu), yết hầu của kinh đô Vijaya (thời kỳ sau), thành Thị Nại đảm nhiệm hai chức năng chính: quản lý vùng thương cảng quan trọng của vương quốc Chămpa, một trung tâm kinh tế lớn ven biển giữ vai trò giao lưu buôn bán với nước ngoài, tấm lá chắn bảo vệ kinh đô Vijaya.
Kết quả khai quật còn làm xuất lộ hệ thống bó chân tháp bằng gạch được xây sau, không có câu đầu gạch liên kết với thân tháp. Hệ thống bó chân dày 1,25m, phần cao nhất hiện còn 0,8m, chôn sâu trong lòng đất khoảng 1,5m. Bó chân tháp được xây giật cấp và bẻ góc từ hai bên cửa giả phía Namvà phía Bắc, ôm vòng qua trước tiền sảnh của vòm cửa chính. Toàn bộ bó chân tháp được điêu khắc khá tinh tế, các góc lồi điêu khắc hình chim thần Garuda, hai bên tạc hình sư tử, đoạn giữa là cụm bệ tượng cánh sen lật hai lớp và hình sư tử đứng, ngồi…. Đây là phát hiện mới trong kiến trúc tháp cổ Chămpa ở Bình Định. Rất tiếc, phần trên của bó chân tháp đã bị hỏng, hệ thống tượng điêu khắc trang trí bị mất hoàn toàn hoặc mất đầu và nửa thân trên. Tuy nhiên, những gì còn lại cũng sẽ giúp các nhà nghiên cứu rất nhiều thông tin, cứ liệu giá trị về tháp Bình Lâm.

Qua khảo sát, trong khu vực thành Thị Nại hiện nay có những khu đậm đặc gạch Chămpa như: gò Tháp, gò Nhang, gò Miếu, gò Chùa, bàu Ông Ký. Rất có thể, đây là phế tích của những công trình kiến trúc Chămpa và trong đó, có những kiến trúc sớm.
Từ trước đến nay, những nhận thức về thành Thị Nại chỉ dừng lại ở khảo sát thực địa. Những thông tin mới của cuộc khai quật lần này, ngoài việc phục vụ cho công tác trùng tu tháp, sẽ góp thêm những chứng cứ khoa học giúp cho các nhà nghiên cứu có những nhận thức chính xác hơn thành Thị Nại cả về niên đại, quy mô kiến trúc, một số công trình kiến trúc nội thành. Tất nhiên, để những thông tin được đầy đủ hơn, cần có những cuộc khai quật khảo cổ học tiếp theo ở khu vực tháp Bình Lâm và thành Thị Nại.

Tháp Bình Lâm đang được trùng tu. Ảnh: Phạm Tường Nhân, tháng 5/2015 

Nguyễn Thanh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét