2 thg 7, 2015

Nhớ đời thịt bò xóm Chăm An Giang

Trong chuyến hành phương Nam, săn sản vật suốt 3 ngày 2 đêm của chúng tôi vừa rồi, “sát sanh” vô số kể. Đành chịu! Bởi có diễm phúc thưởng thức dĩa cơm bò bà Cam, coi như không uổng một kiếp người!

Lát thịt bò mềm dẻo, ngọt thơm chân nguyên 

Anh bạn thổ địa An Giang nhiệt tình hỏi: “Mấy anh chị ăn cơm bò bà Cam chưa?- Mới ăn bánh nóng trên - nóng dưới - phồng ở giữa (bánh bò thốt nốt).- Vậy là, mới biết một nửa về xóm Chăm Châu Giang thôi!” Thuở đời! Chỉ sướng (miệng) một nửa... ai mà chịu được!

Khoảng 9h sáng, gia đình bà Cam, ở xã Châu Phong thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã chuẩn bị dọn quán. Chúng tôi phải đảo qua đáo lại đến lượt thứ 3 mới ghé vào đúng địa chỉ. Do quán không hề có bảng hiệu. Hỏi người dân địa phương, ai cũng biết rõ quán này. Song khổ nỗi, nhà cửa ở đây trông na ná nhau nên khó nhận ra đâu là nhà bà Cam hay ông Quýt.

Nhờ người bạn đồng hành dẻo miệng nài nỉ, nên các thành viên quán vui vẻ nhóm lại bếp than. Ấn tượng nhất là, miếng thịt bò tảng gần như không tẩm ướm, ánh màu đỏ hồng. Trước khi nướng, người thợ chỉ cần thoa vào miếng thịt tươi rói ít dầu ăn.

Ban đầu là lửa ngọn tưng bừng. Khi hai mặt tảng thịt vừa ráo, họ thoăn thoắt cắt thịt nhỏ lại, bề ngang dài gần lóng tay người lớn. Và hạ lửa riu riu. Đáng nể ở chổ, khi họ gắp thịt ra dĩa, thì phần giữa vẫn còn màu hồng đào phơn phớt, nhạt hơn thịt bê thui Cầu Mống một chút.

Ban đầu là nướng lửa áp 

Tôi tranh thủ phập phồng cánh mũi - đánh hơi xem thịt có bị hôi khói không, nhưng không hề có. Miếng thịt mềm dẻo, ngọt thanh đậm chân nguyên! “Bữa cơm sáng nay ngon là nhất, trong ba ngày nay!”, một thành viên trong nhóm giọng cảm động bình luận. Hai người còn lại, một kinh doanh nhà hàng từng lê la khắp Á - Âu. Và người còn lại, làm sếp khá lớn trong một công ty vận tải hàng hải quốc tế - cơ hội đi đó đây không phải ít. Họ đang khoan khoái thưởng thức và long lanh ánh mắt.

Nước chấm ăn kèm cũng khá đặc biệt. Bếp Cam dùng trái bứa già, nướng hơi cháy vỏ rồi giầm ra trong chén nước mắm cá sông nguyên chất, có pha rất ít đường. Mùi chua thanh của bột bứa vừa hoang dại vừa quí phái như người đẹp đong đưa cánh võng ngủ quên ven sông (Cây bứa, họ măng cụt có tên khoa học: Garcinia oblongifolia Champ. ex Benth . Ở nước ta, cây mọc nhiều ở: miền Trung, Tây Nguyên và ven sông rạch Nam Bộ). Tựu hợp cùng vị mặn - ngọt của mắm + đường; tạo nên mãnh lực khuyến dụ thật khó cưỡng. Để khách lãng du, dù đang căng bụng, thoáng nghe làn hương lạ ấy trỗi lên, bỗng cồn cào thèm ăn.

Và sau cùng, họ dùng lửa riu riu 

Rau củ ăn kèm cũng toàn hàng miệt vườn - mê chết đi được! Cọng dưa chua rau muống đỏ giòn rau ráu. Trái ớt chim bé tẹo mới hái còn sáng bóng lớp vỏ, giòn giòn - cay cay - thơm dịu thật đã đời!

Bên cạnh đó, chén cháo bò ăn kèm ngọt đậm đến ngất ngất ngây. Nghe ra, toàn chất đạm từ xương ống và thịt nạc bò tơ hầm.

Dì Hai (Nguyễn Thị Yến), cũng là khách mối của quán, có biệt tài nấu nướng rất khéo tay, ở cách đó khoảng 1km. Dì cười tươi cho biết: người Chăm họ ăn uống kỹ lưỡng lắm! Bò cỏ cũng phải do chính tay dân họ nuôi, rau đậu cũng vậy. Mỗi con, chỉ chọn tối đa cỡ 300 - 400g thịt nạc, phần gần cổ với vai, lấy nướng “mọi” (mộc) mới thiệt (thật) ngon.

Quán không có bảng hiệu, nhưng nhiều khách sành ăn biết đến 

Nước mắm giầm trái bứa, mới nghe mùi thơm đã chịu không nổi! 

Từ bò đến rau củ đều do người Chăm bản địa kiểm soát chặt chẽ 

Tấn Tri (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét