13 thg 7, 2015

Đình Khao một thuở

Chùa Bửu Lâm

Phưởng phất xa đưa ngọn khói trầm, 
Đình Khao cảnh cũ rất thương tâm.
Trước kia rộn rịp người lui tới,
Non nước bây giờ khách viếng thăm.
Cám cảnh người xưa đà khuất bóng,
Tưởng công tông tổ mấy trăm năm.
Chắp tay vái lạy trời mây thẳm,
Phù hộ muôn dân buổi cát lầm

Sách “Vĩnh Long xưa”, trang 143)

Chúng tôi tìm đến Đình Khao, một di tích văn hóa dân gian mang đậm huyền thoại qua không ít thăng trầm của đất Vĩnh Long.

Đình Khao nằm ven sông Cổ Chiên thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi đình này vừa là nơi thờ Thành hoàng của địa phương vừa là nơi binh lính hoàn thành thời gian trong quân ngũ tập hợp về đây để được khao thưởng - vì vậy nơi này được gọi là Đình Khao. Theo một số tài liệu, Đình Khao được xây cất từ thời Gia Long thứ 16 (Đinh Sửu - 1817). Năm 1867, sau khi thực dân Pháp đã đánh chiếm ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thì chúng cho triệt hạ hết các thành trì, dinh thự, lăng tẩm... của triều đình nhà Nguyễn. Đình Khao và vật thờ trong đình đều bị hủy hoại. Rất may là 85 sắc thần phong tặng những vị công thần đã giúp vua Gia Long thống nhất đất nước thờ ở đình đã được đem cất giấu. Đình Khao trở nên tàn lụi, chỉ còn trơ mấy gốc dương, bồ đề cổ thụ. Khoảng bảy năm sau, dân làng lập lại một ngôi chùa trên nền đất cũ của đình mang tên Bửu Lâm Tự. Vị trụ trì đầu tiên là ông Nguyễn Văn Ngà, bà con quen gọi là Đạo Ngà. Sau khi Đạo Ngà viên tịch, các vị đệ tử của ông tiếp tục coi sóc ngôi chùa. Đến năm 1945, thực dân Pháp mở đợt ruồng bố ven sông Cổ Chiên và đã phóng hỏa chùa Bửu Lâm. Năm 1961, cư sĩ Mai Văn Nghiệp, một người dân kính nhường Phật pháp ở Đình Khao đã dựng lại ngôi chùa bằng cây, mái ngói cho dân làng tiện việc thờ phụng. Qua năm tháng, chùa Bửu Lâm cũ nát, xiêu vẹo. Dòng họ Mai được sự giúp đỡ của các Phật tử đã xây lại ngôi chùa mới khang trang như hiện nay.

Tiếp chúng tôi tại chùa Bửu Lâm, anh em ông Mai Hữu Tánh, hậu nhân đời thứ tư của dòng họ Mai coi sóc ngôi chùa không khỏi bùi ngùi khi nhắc lại một thời Đình Khao được mọi người biết đến như một “địa linh” đi vào sử sách. Ngôi chùa Bửu Lâm hiện nay gồm một gian chánh điện với ba gian thờ. Gian đầu tiên thờ Phật Thích Ca và Bồ Tát. Gian giữa thờ một linh vị, kính cẩn ghi dòng chữ “Nguyễn Văn Ngà tự Đạo Ngà”, bên trái dựng một cây dầm, bên phải dựng một cây đao. Gian cuối thờ những bậc tiền nhân đã có công với chùa, trong đó có Mai gia. Trong chùa, hầu như không còn một cổ vật nào thời xa xưa để lại do sự tàn phá của thiên nhiên và cả con người. Duy chỉ có chiếc chuông đồng là còn mang vẻ cổ kính. Thân chuông không ghi khắc năm đúc mà chỉ có ba chữ Hán “Bửu Lâm tự” và bốn phía của thân chuông có ghi tứ quí: xuân, hạ, thu, đông. 

Gian thờ đạo sĩ Nguyễn Văn Ngà.

Khi chúng tôi hỏi về cây dầm và cây đao bên tả, bên hữu linh vị Đạo Ngà, ông Tư Tánh kể một huyền thoại về người đạo sĩ được thần linh yểm trợ, truyện này cũng đã được nhà biên khảo Huỳnh Minh trong sách “Vĩnh Long xưa” nhắc đến: Ngày trước, người dân hai bên sông Cổ Chiên bị dịch bệnh hoành hành, kẻ liệt giường, người chết chóc làm dân chúng lo sợ. May nhờ có Đạo sĩ Nguyễn Văn Ngà, một người giỏi chữa bệnh bằng đạo pháp đã cứu sống rất nhiều bà con quanh vùng. Một hôm, Đạo Ngà cùng một đệ tử đang bơi qua sông Cổ Chiên để đi chữa bệnh thì thình lình một cơn gió lớn dần tiến lại gần chiếc xuồng. Biết là chiếc xuồng con không thể chịu nổi cơn cuồng phong nên Đạo Ngà khấn niệm: “Nếu Trời Phật còn cho con tiếp tục cứu nhân độ thế thì xin cho thêm cây dầm để đệ tử phụ tiếp bơi cho thoát cơn cuồng phong. Cầm bằng con về trời cũng cam nguyện...”. Vừa khấn xong, phía mũi xuồng, nơi đệ tử ông ngồi nổi lên một cây dầm. Nhờ đó, hai thầy trò qua sông bình yên vô sự. Không lâu sau, ông bị rắn độc cắn và viên tịch. Người dân Đình Khao nhớ ơn ông đã dành một gian thờ trang trọng trong chùa để thờ. Tin đồn về cây dầm cứu mạng Đạo Ngà loan truyền khắp chốn, bà con lũ lượt tìm đến, người lấy cây dầm mài, người lấy dao gọt về làm thuốc. Còn cây đao, tương truyền đây là cây đao mà Đạo Ngà dùng xua đuổi tà ma, trị bệnh cho dân chúng trong vùng.

Bên trái sân Đình Khao còn có gốc dương có từ đời nào không rõ, nhưng một hôm cây bỗng ngã về hướng chùa. Tương truyền bà con trong vùng lo lắng không biết vì nguyên cớ gì mà cây dương nghiêng mình sắp ngã, và cũng sợ cây ngã làm sập chùa, nên cùng nhau khấn vái, nguyện tu tâm dưỡng tánh, làm lành tránh dữ, xin bề trên đừng cho cây dương ngã, bởi cây như biểu tượng tinh thần vững chãi của bà con Đình Khao. Mấy hôm sau, có cây bồ đề từ dưới gốc dương mọc lên, lớn nhanh như thổi, ôm lấy cây dương, bẻ thẳng lên trở lại. Thấy điềm lạ, bà con bái lạy ơn trên và thực hiện điều đã khấn vái.

Theo ông Mai Hữu Tánh cùng sư trụ trì Công Thần Miếu (rạch Cái Sơn Bé - Vĩnh Long) cho biết, Đình Khao xưa đã thờ phượng 85 sắc thần của các vị công thần thời Gia Long. Hiện 85 sắc thần đã được cất giữ tại Miếu Công Thần (Miếu được công nhận di tích văn hóa - lịch sử quốc gia).

Đình Khao ngày nay vẫn được mọi người nhắc đến như một hoài niệm về thời kỳ vàng son của vùng đất bên dòng Cổ Chiên hiền hòa. Để đi Cái Mơn, Chợ Lách, bà con phải qua những con đò nhỏ nơi bến Đình Khao để qua sông Cổ Chiên. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, bến phà Đình Khao được thành lập nằm trong hệ thống cụm phà Vàm Cống, ngày ngày chở khách sang sông. Thấp thoáng phía bờ Thanh Đức, những lò gạch đỏ màu đất nung vẫn âm thầm phun những ngụm khói bàng bạc để làm nên những sản phẩm gốm sứ. Chúng tôi bước chân lên phà Đình Khao, quay mặt nhìn về ngọn dương già cỗi được bao bọc bởi gốc bồ đề, hướng chùa Bửu Lâm khói hương lan tỏa mà lòng luống những ngậm ngùi về một thời hưng thịnh của ngôi đình huyền thoại. Tất cả chỉ còn giữ được tên gọi cũ Đình Khao cho vùng đất, bến phà... nhắc nhớ cháu con về những huyền tích trên quê hương mình.

Chia tay Đình Khao, ông Mai Hữu Tánh ân cần đưa chúng tôi ra lộ lớn. Chúng tôi nói sẽ nhớ đến ông luôn, người giữ hồn Đình Khao. Ông lắc đầu: “Đừng nhớ tôi mà làm chi, hãy nhớ về Đình Khao một thuở!”.

Bài, ảnh: ĐẶNG DUY KHÔI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét