23 thg 7, 2015

Miệt vườn cây trái Lái Thiêu

Hàng trăm năm qua, địa danh vườn cây Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã nức tiếng khắp Nam Bộ về một vùng miệt vườn ăn trái sum suê bên dòng sông Sài Gòn với thổ nhưỡng và khí hậu ôn hòa. Ngoài việc đem lại thu nhập cho người dân, nơi đây còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi.

Như nhiều làng quê yên ả ở Nam Bộ, vườn cây trái Lái Thiêu được hình thành từ xa xưa theo bước chân những người đi mở đất. Bên những dòng kênh rạch chằng chịt đất đai màu mỡ, phong cảnh hữu tình, bao nhiêu loại hoa thơm quả ngọt được ươm trồng. Vườn cây Lái Thiêu là một cù lao được tạo nên bởi dòng sông Sài Gòn chảy từ Tp. Hồ Chí Minh về thị xã Thuận An rồi rẽ thành hai nhánh. Chính đôi dòng nhánh sông không bao giờ vơi này đã bồi đắp và tưới mát cho đất đai và cây trái Lái Thiêu quanh năm xanh tốt.

Nhiều vườn cây Lái Thiêu có độ tuổi từ 100 đến 200 năm tuổi.


Những vườn bưởi xanh mát, đầy quả ngọt trĩu cành ở Lái Thiêu.

Một gia đình ở Lái Thiêu thu hoạch mít trong vườn nhà.

Thu hoạch bưởi trong vườn cây Lái Thiêu. 

Dọc con đường nhựa từ phường Lái Thiêu theo hướng thị xã Thủ Dầu Một, dễ dàng nhận thấy từng vườn cây nối tiếp nhau trải dài hàng chục cây số qua các phường Lái Thiêu, An Thạnh, Vĩnh Phú và các xã Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn thuộc thị xã Thuận An. Vườn cây Lái Thiêu chính là tên gọi để chỉ cả vùng này, có tổng diện tích là 1.238ha được cung cấp nước tưới bởi một hệ thống kênh rạch dài hơn 56.000m. Nhiều vườn cây có độ tuổi từ 100 đến 200 năm tuổi. Chủng loại trái cây ở đây rất đa dạng khi có đủ các loại như: sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, chôm chôm, dâu… Đặc biệt, măng cụt Lái Thiêu đã được xác lập kỷ lục nằm trong top 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam.

Đặc trưng vườn cây Lái Thiêu là các hộ dân ở ngay trong vườn cây để vừa sinh hoạt vừa tiện bề chăm sóc. Từng luống cây cứ cách khoảng 15m là có một rạch nước rộng 1m được khơi từ sông vào để tưới. Anh Trần Văn Hy, chủ vườn cây 1ha chuyên canh măng cụt ở xã Bình Nhâm cho biết, hàng năm trái cây ở đây thu hoạch trong khoảng 3 tháng từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Bình quân thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch, người dân lại tiến hành cào lá (làm sạch vườn) rồi xuống phân. Khoảng thời gian nông nhàn, người dân có thể đi làm thêm nghề phụ. Có thể nói, mỗi gia đình trong khu vực vườn cây Lái Thiêu chỉ cần khoảng hai, ba vườn cây nhỏ cũng yên tâm đảm bảo cuộc sống của mình.

Ngoài giá trị kinh tế, vườn cây Lái Thiêu còn có tiềm năng du lịch rất lớn, mang lại nguồn lợi không nhỏ cho gia đình và địa phương. Mùa thu hoạch trái cây chính là mùa người dân và du khách từ khắp nơi kéo về Lái Thiêu để du lịch dã ngoại tại những vườn cây xanh mát, đầy quả ngọt trĩu cành. Du khách đến đây có thể đi dạo dưới những vòm cây trĩu quả, mắc võng nghỉ ngơi tận hưởng không khí trong lành và được thưởng thức hương vị ngọt ngào từ các loại trái cây tươi ngon hái trực tiếp trên cây.

Những chùm dâu da đất chín mọng trong các nhà vườn ở Lái Thiêu.

Mít tố nữ, đặc sản của vùng đất Lái Thiêu, quả nhỏ nhưng mùi vị thơm, ngon.

Dâu da sai trĩu quả.

Sầu riêng Lái Thiêu hạt lép thơm, ngon, ngậy có dư vị rất đặc trưng.

Măng cụt, loại quả hiện là thương hiệu nổi tiếng của trái cây Lái Thiêu.

Trái cây được bày bán khắp nơi trong vùng Lái Thiêu.

Măng cụt Lái Thiêu hiện đã xác lập kỷ lục top 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam. 

Từ lâu, vườn cây Lái Thiêu đã trở thành một thương hiệu đặc sản, du lịch nổi tiếng của Bình Dương. Tuy vậy, khí hậu, tự nhiên biến đổi không ngừng đã có tác động lớn đến tiềm năng của vườn cây. Nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương đã thông qua nhiều đề án, tổ chức các đợt khảo cứu, hội thảo, tọa đàm nhằm tìm giải pháp khôi phục lại thương hiệu trái cây Lái Thiêu. Việc tổ chức các hoạt động thiết thực, mà trong đó đáng kể là tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2013, cùng các chương trình hỗ trợ cho nhà vườn trước đó đã góp phần thiết thực trong việc hồi sinh uy tín của đặc sản trái cây Lái Thiêu. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn đã chủ động đầu tư, trồng mới, sửa chữa lối đi, nạo vét mương, rạch tạo vẻ mỹ quan trong vườn cây lâu năm của mình nhằm phát triển kinh doanh du lịch theo hướng bền vững, đặt uy tín và chất lượng đặt lên hàng đầu…

Theo bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Thuận An, do điều kiện tự nhiên, sản phẩm du lịch của Thuận An như vườn cây Lái Thiêu là không thể tách rời với sự phát triển du lịch của vùng Đông Nam bộ. Do đó, sự liên kết phát triển với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong vùng là chiến lược quan trọng. Việc tăng cường liên kết với các tỉnh, thành sẽ xây dựng được cơ chế hợp tác phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với tài nguyên du lịch sinh thái, lịch sử - văn hóa của địa phương./.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét