13 thg 7, 2015

Tiểu chủng viện Làng Sông

Tiểu chủng viện Làng Sông không phải là một điểm đến trong các tour du lịch Bình Định, thậm chí khi bạn hỏi người dân Bình Định cái tên này thì đa số đếu... không biết (nếu hỏi Nhà thờ Lòng Sông thì sẽ có nhiều người biết hơn).

Tiểu chủng viện Làng Sông tọa lạc tại thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Từ trung tâm TP Quy Nhơn đến đây ước chừng 15 km, đi xe hơi được, nhưng có vài km đường đất.


Tiểu chủng viện Làng Sông

Có vài thông tin nho nhỏ không khớp nhau về ngôi Tiểu chủng viện này. 
  • Về tên gọi: người dân, và cả một bảng chỉ đường ở gần nơi đây đều dùng tên gọi là Nhà thờ Lòng Sông, tuy nhiên tên ghi ở cổng là Tiểu chủng viện, và thêm nữa tư liệu của giáo phận Quy Nhơn, và nhất là một website của các cựu chủng sinh đã học tại nơi đây đều ghi rõ ràng là Tiểu chủng viện Làng Sông.

Cổng Tiểu chủng viện
  • Về năm xây dựng: trên YouTube còn một video clip quay cảnh lễ mừng 100 năm thành lập chủng viện Làng Sông tổ chức năm 1964. Như vậy chủng viện được thành lập năm 1864? Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tư liệu khác thì chắc chắn là chủng viện được xây dựng trước thời gian đó (nhưng không rõ năm nào). Cụ thể, LM Gioan Võ Đình Đệ dẫn tư liệu cho biết Tiểu chủng viện Làng Sông được Đức Cha Cuénot Thể thành lập sau Công Nghị Giáo Phận Đàng Trong (Công nghị này nhóm họp tháng 8/1841), và thời điểm năm 1850, Chủng Viện Làng Sông và Mương Lở đã có 60 chủng sinh. Các chủng viện sinh hoạt ổn định đến 1859 thì triều đình có sắc dụ cấm đạo. Đến năm 1861 cha Phaolô Châu - là người phụ trách chủng viện - bị bắt và xử trảm tháng 5/1862. Từ đó chủng viện ngưng hoạt động. Đến năm 1864, thời Cha Eugène Charbonnier Trí, chủng viện mới hoạt động lại. Như vậy có thể kết luận rằng tiểu chủng viện Làng Sông được thành lập sau tháng 8/1841 ít lâu, sau đó ngưng hoạt động từ 1862, đến 1864 hoạt động trở lại.
Năm 1925, Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho xây lại Chủng viện Làng Sông theo thiết kế của cha Dorgeville, thầy Hòa (thầy giảng) giám sát thi công. Công trình được khánh thành vào ngày 21/09/1927 và tồn tại cho đến ngày hôm nay.


Tòa nhà chính (nhà nguyện) của Tiểu chủng viện Lòng Sông mang nét kiến trúc Gothique cổ kính châu Âu. Hai dãy nhà hai bên cũng là những dãy nhà cổ theo kiến trúc Pháp, được giữ gìn nguyên vẹn.


Ở hành lang trên tầng lầu dãy nhà


Hai dãy nhà ở hai bên

Tại Làng Sông, không chỉ có Tiểu chủng viện mà còn có cả một quần thể giáo phủ của giáo phận Đông Đàng Trong, đặc biệt có một nhà in do Đức Cha Eugène Charbonnier Trí thành lập. Nhà in nầy đã bị Văn Thân đốt phá năm 1885. Năm 1904, nhà in Làng Sông được Đức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết, giao cho cha Paul Maheu làm giám đốc. Cha Paul Maheu học nghề in tại Hong Kong, thông thạo về kỹ thuật in ấn. Riêng trong năm 1922, dưới sự điều hành của cha Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng bán nguyệt san Lời Thăm được 1.500 bản, phát hành cả Đông Dương, tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in. Đây còn gọi là nhà in Đông Đàng Trong, một trong 3 nhà in lớn nhất thời bấy giờ (cùng với nhà in Đàng Ngoài và Tây Đàng Trong). Nhà in Làng Sông hoạt động cho đến khoảng năm 1936, được dời về Qui Nhơn. 

Những điều tôi sưu tầm và kể lại ở trên nhằm nói đến 2 điều: Làng Sông là một trong những trung tâm truyền giáo đầu tiên của miền Trung, và Làng Sông cũng là nơi góp công rất lớn cho việc quảng bá chữ Quốc ngữ thuở ban đầu.

Nếu những điều trên không làm bạn hứng thú thì xin hãy quan tâm đến khung cảnh tuyệt vời ở Tiểu chủng viện Làng Sông. Ở đây có những hàng sao cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi đứng bao quanh kiến trúc Gothique cổ kính, khiến cho ta ngỡ rằng mình đang ở nơi nào đó tại châu Âu hàng trăm năm trước.



Những hàng sao cổ thụ quanh kiến trúc xưa tạo nên một vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính.

Và bây giờ bạn hãy nhìn ra cổng Tiểu chủng viện nhé, phía trên là cổ thụ rủ lá, xa xa kia là dãy núi chập chùng.


Rồi bước ra, ngay bên ngoài cổng là thửa ruộng mênh mông. Khi tôi đến đang là mùa nắng nên không có đồng lúa xanh dập dìu, nhưng khung cảnh thì vẫn đúng là khung cảnh của một vùng quê Trung bộ. Vâng, bạn bước từ châu Âu cổ xưa sang miền quê Trung bộ đơn giản như vậy đó.

Phía ngoài bên trái cổng Tiểu chủng viện, xa xa là núi non trùng điệp, khung cảnh thôn quê miền núi

Phía ngoài bên phải cổng Tiểu chủng viện

Những trải nghiệm này khó lòng tìm được ở nơi khác lắm, vì vậy nếu có một lần đến Bình Định, bạn hãy nhớ tìm đến Tiểu chủng viện Làng Sông nhé!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét