3 thg 7, 2015

Nghệ thuật hát chầu trong lễ Kỳ Yên ở Nam Bộ

Hát chầu trong lễ Kỳ Yên sẽ diễn ra vào ngày thứ hai, trước để cúng thần Thành Hoàng, sau là giúp vui cho dân làng.


Kỳ Yên là ngày lễ tế thần Thành Hoàng lớn nhất năm của các ngôi đình thần. Tùy mỗi địa phương mà thời gian tổ chức sẽ khác nhau. Thường thì cứ khoảng ba năm một lần, lễ lại được tổ chức long trọng và quy mô hơn. Trong hình là lễ Kỳ Yên tại đình An Lợi Đông, quận 2, TP HCM. 


Lễ kéo dài khoảng 3 ngày. Nghi thức hát chầu sẽ diễn ra trong ngày thứ hai. 


Hát chầu có nhiều điểm khó như biểu diễn trong không gian hẹp, thời gian kéo dài khoảng 3-4 tiếng. Các nghệ sĩ thường mất thời gian hóa trang để khuôn mặt luôn giữ được nét. Một số bộ phận như mắt, mũi, râu, tóc phải vẽ thật khéo để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn.... 


Hát chầu trong lễ Kỳ Yên có đặc điểm chung là nhiều dũng, ít bi, cái kết có hậu, toát lên được ý nghĩa "trung thắng nịnh, chính thắng tà" và kết thúc bằng màn "tôn chân chúa" (tôn vương) hay tôn soái.

Nghệ thuật này còn là sự kết hợp của phần thanh và hình. Một diễn viên lên sân khấu bao giờ cũng bắt đầu bằng câu xướng để giới thiệu nhân vật. Sau khi vào vở, ngoài câu hát, khán giả sẽ cảm nhận nhân vật qua lối diễn xuất khuếch đại hơn sự thật. 


Một số vở các đình thường chọn diễn là San Hậu (tôn vương), Phàn Lê Huê (tôn nữ soái), Tiết Nhơn Quý (tôn soái), Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Trần Bình Trọng, Sát Thát (tức nhà Trần chống quân Nguyên Mông)... Những nơi thờ thần Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương - hai hoàng tử nhà Lý định soán ngôi vua, thì tuồng San Hậu không được diễn. 


Động tác cho mỗi nhân vật đều phân thành bộ riêng. Ví dụ như lên, xuống ngựa của trung tướng cũng phải khác nịnh thần. Điều này đặc biệt được chú trọng vì trước đây kỹ thuật ánh sáng chưa phát triển, khán giả khó quan sát cận cảnh. 


Chính nhờ những nét đặc trưng riêng mà hát chầu trong lễ Kỳ Yên vẫn giữ được trọn vẹn ý nghĩa và được đông đảo người dân yêu thích.

Nguyễn Duy Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét