13 thg 7, 2015

Cuối tuần thú vị ở Hải Tiến

Không đông đúc và quá xô bồ như Sầm Sơn, thời gian gần đây Hải Tiến (Thanh Hóa) được nhiều hội, nhóm, công ty, gia đình ở miền Bắc và Bắc Trung bộ lựa chọn cho một kỳ nghỉ cuối tuần thú vị.

Bãi biển Hải Tiến (Thanh Hóa) - Ảnh: Băng Giang 

Từ Hà Nội, Hải Tiến là điểm đến khá mới mẻ cho mùa hè nóng bức, phù hợp với các hội nhóm và gia đình với chi phí hợp lý.

1. Nằm cách Hà Nội hơn 170km, biển Hải Tiến thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa trải dài qua bốn xã Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh và Hoằng Trường. Bãi biển ở đây còn khá hoang sơ và các dịch vụ du lịch vừa đủ để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Không sở hữu một bãi biển tuyệt đẹp kiểu cát trắng phau phau, trời xanh, nước xanh, mây trắng, nắng sóng sánh vàng như mật ngọt, nhưng điểm đến mới mẻ, hấp dẫn du khách bởi vẻ yên bình, hoang sơ và sự ấm áp, chân chất, mộc mạc của dân miền biển.

Với những người đang chập chững bước chân vào con đường kinh doanh du lịch cùng nhiều bỡ ngỡ và vụng về, Hải Tiến mang đến một cái nhìn khác hẳn với Sầm Sơn nổi tiếng một thời về “chặt chém”, phần nào lấy lại uy tín cho biển Thanh Hóa thời gian gần đây.

Dọc theo bờ biển là những hàng phi lao rì rào đón gió, dưới chân là cát biển, cá, nước có thể không trong và thậm chí đục ngầu khi có bão, tuy vậy bãi biển dài, thoai thoải và khá nhẹ nhàng cho bạn nhiều cơ hội tắm táp riêng tư mà vẫn an toàn.

Khi triều dâng nước biển lên khá sâu giáp tận rừng phi lao, nhưng buổi sáng khi triều rút để lại một bãi cát thênh thang rộng lớn. Thuyền ra khơi về neo đậu dọc biển, sáng bà con đi chợ, chiều gỡ lưới, nửa đêm lại ra khơi. 

Thuyền về Hải Tiến hôm nay đó - Ảnh: Băng Giang 

Một góc chợ hải sản sớm ngay trên bờ biển Hải Tiến - Ảnh: Băng Giang 

Cô bé giúp mẹ phân loại hải sản - Ảnh: Băng Giang 

2. Khám phá cuộc sống của người dân ven biển Hải Tiến là một điểm cộng cho hành trình. Từ 5g sáng, những chiếc thuyền nhỏ ra khơi đánh bắt gần bờ đã trở về mang theo rất nhiều tôm, cá, hải sản.

Họ phân loại và bán cho du khách ngay trên bãi biển, tươi rói, mỗi người một chút làm quà. Có kèm dịch vụ sơ chế như hấp, nướng, đóng thùng đá để đáp ứng nhu cầu chở đi xa của du khách.

Nhiều gia đình đến nghỉ dưỡng ở Hải Tiến có thể mua hải sản về nấu ăn ngay tại khách sạn. Ai có người có nhu cầu thưởng thức hải sản ngay trên bãi, bà con cũng đáp ứng luôn.

“Phiên chợ” sớm mai cuối tuần ở Hải Tiến khá nhộn nhịp, đủ để níu chân một vị khách lữ hành tò mò đưa chuyện. Dăm chiếc xe đẩy bán hàng rong với đồ khô, nào cá mực, cá bò, nào nem chua Thanh Hóa. Một chiếc xe hàng khá lớn với ba chiếc bếp ga công nghiệp và ba nồi nước đang sôi ùng ục.

Hầu hết ai mua hải sản muốn đóng gói mang đi đều tới đây để nhờ rửa sạch, đem hấp sơ rồi mới đóng túi, 20.000 đồng/ký. 

Khách du lịch sơ chế hải sản trước khi mang về - Ảnh: Băng Giang 

Người đàn ông chăm chú với công việc sơ chế - Ảnh: Băng Giang 

Tôm to, tôm nhỏ hàng cân, túi lớn, túi bé hấp xong đỏ au au, ngon lành, hấp dẫn. Mực mai dày mình và tròn quay tươi rói, trắng xanh 160.000 đồng/ký. Tôm nước hai dòng (được giải thích là loại tôm sống ở nơi nước biển chảy vào, nước sông chảy ra phía cửa biển) có 140.000 đồng/ký.

Có chị mang cả thùng mực ống ra bể rửa, có anh khía cá cho lên than nướng sơ, em bé nhỏ giúp mẹ phân loại tôm, cua, cá, mực.

Do đánh bắt gần bờ nên hải sản thu được cũng rất "thập cẩm", con lớn, con bé lẫn lộn, khách kỹ tính thì chọn lựa, khách dễ thì mua cả mớ nào bề bề, ghẹ, cá với giá rẻ giật mình. Mỗi người mỗi việc, bận rộn, ồn ào, xôn xao cả buổi bình minh. 

Nướng cá sơ chế trước khi mang đi xa - Ảnh: Băng Giang 

Một quầy hàng khô với món đặc sản nem chua Thanh Hóa - Ảnh: Băng Giang 

3. Lâu rồi tôi mới tìm lại cho riêng mình một buổi sáng đi loăng quăng với máy ảnh. Ngày trước thấy gì cũng giơ máy lên chụp, bây giờ đeo vào cổ tựa như đồ trang sức, chứ ảnh thì chụp vài bức cho vui.

Tôi thích được trò chuyện và hít thở cái không gian phố biển với ngư dân hơn thay vì cứ lẳng lặng tìm những góc chụp để lưu dấu vào thẻ nhớ. Lại gần một chiếc thuyền đậu lơ lửng trên bờ cát, tôi tìm cách bắt chuyện với đám trẻ con đang nô đùa trên sóng.

Hôm nay là sinh nhật Đức, cậu bé mới tròn 1 tuổi, đi chưa vững nhưng một người họ hàng đang dắt em ra lội sóng. Tôi không thấy em có vẻ gì sợ hãi mà thậm chí rất háo hức và phấn khích khi được đưa ra biển.

Không phải hôm nay, không phải ngày mai nhưng tôi biết em nhất định sẽ trở thành một ngư dân Hải Tiến cừ khôi... 


Có một công viên trẻ em nho nhỏ ngay trên bờ cát, giữa rừng phi lao - Ảnh: Băng Giang 

Biển xanh và còn đậm chất hoang sơ - Ảnh: Băng Giang 

Thông tin cho nhóm chạy xe riêng:

Từ Hà Nội, đi dọc quốc lộ 1A,tới cầu Tào Xuyên rẽ trái, đi thêm 15km là tới biển Hải Tiến (mất khoảng 4 giờ). Để tiết kiệm thời gian hơn (khoảng 1 giờ), ôtô có thể di chuyển theo cao tốc mới Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Tùy trục đường có thể chọn ăn sáng hoặc món bánh cuốn Phủ Lý hay món bánh đa cá rô ở Ninh Bình.

Nếu đi xe khách:

Đón xe ở bến Giáp Bát (xe Cương Lĩnh) hoặc Mỹ Đình (xe Thắng Diễn) là xe khách giường nằm, mỗi sáng chiều có một chuyến đi (10g sáng, 4g chiều) và về với mức giá khoảng 100.000 đồng/người.

Vào ngày lễ, giá vé có thể tăng đến 150.000 đồng/người. Hai nhà xe này có thể đón, trả khách tận nơi tại nhà nghỉ, khách sạn ở Hải Tiến.

Nếu đi tàu:

Mua vé tàu xuôi nam đi đến ga Thanh Hóa từ Hà Nội, sau đó đón taxi đến biển Hải Tiến (chừng 20km)

Nhà nghỉ: Biển Hải Tiến có nhiều nhà nghỉ bình dân với chi phí dao động khoảng 300.000 đồng/ngày đêm. Khu nghỉ Eureka Linh Trường cho thuê phòng dạng căn hộ với chi phí cao hơn nhưng bù lại bạn có thể tự do đi chợ mua hải sản về tự nấu nướng và thưởng thức.

Ăn uống: Bình dân và bình quân 100.000 - 120.000 đồng/người/bữa

Đặc sản: Hải sản và nem chua.

GIANG NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét