29 thg 10, 2017

Phú Hòa - Biến đổi địa danh trong lịch sử

Một góc huyện lỵ Phú Hòa - Ảnh: MINH KÝ

Ngày 31/1/2002, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định 15/2002/NĐ-CP chia TX Tuy Hòa thành hai đơn vị hành chính là TX Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. Đến thời điểm này, địa danh Phú Hòa chính thức có tên trên bản đồ Tổ quốc nhưng trước đó nhiều thế kỷ, vùng đất Phú Hòa đã có lịch sử hình thành và phát triển với những tên gọi khác nhau.

Năm 1611, phủ Phú Yên được thành lập. Khi mới ra đời, phủ Phú Yên gồm hai đơn vị hành chính là huyện Đồng Xuân và huyện Tuy Hòa. Từ giữa nửa sau thế kỷ XVIII, phủ Phú Yên giữ vị trí xung yếu và nhân dân Phú Yên có đóng góp quan trọng trong phong trào Tây Sơn.

Phú Yên là địa bàn tranh chấp ác liệt giữa hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Năm 1801, đất Phú Yên thuộc hẳn về chúa Nguyễn Ánh. Từ năm 1801-1808, Phú Yên gọi là dinh. Từ năm 1808-1826, dinh Phú Yên đổi thành trấn Phú Yên. Trấn Phú Yên lúc này gồm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa, với 6 tổng (mỗi huyện có 3 tổng Thượng, Hạ, Trung) và thuộc Hà Bạc. Vùng đất bắc sông Đà Rằng thuộc huyện Đồng Xuân (trừ Phú Sen xã, Kỳ Tấn Hà Lãng thôn và Phường Câu thôn ở phía bắc sông thuộc huyện Tuy Hòa) và toàn bộ vùng phía nam sông Đà Rằng thuộc huyện Tuy Hòa.

Địa bạ Phú Yên năm Gia Long 14-15 (1815-1816) truy dụng năm Minh Mạng 11-12 (1830-1831) đề cập vùng đất huyện Phú Hòa ngày nay thuộc tổng Thượng huyện Đồng Xuân gồm các làng, xã (làng nhỏ gọi là thôn, làng lớn gọi là xã): An Thành xã, Bình An thôn, Cẩm Sơn thôn, Đá Bạc xã, Đại An Thọ Toàn thôn, Đại Phú thôn, Đồng Lâm xã, Ngọc Sơn thôn, Ngọc Sơn xã, Phong Đăng xã, Phú An xã, Phú Lộc xã, Phụng Các xã, Vĩnh An thôn, Phước Toàn xã.

Năm 1826, vua Minh Mạng thăng làm tỉnh Phú Yên, thuộc tổng đốc Bình Phú thống hạt. Cũng trong năm này, vua Minh Mạng điều chỉnh địa giới các huyện. Huyện Tuy Hòa được mở rộng ra phía bắc sông Đà Rằng với phần lớn tổng Thượng huyện Đồng Xuân thuộc tổng Hòa Bình huyện Tuy Hòa (vùng đất huyện Phú Hòa ngày nay).

Theo địa bạ triều Nguyễn truy dụng năm 1832 (Minh Mạng), vùng đất huyện Phú Hòa bao gồm: An Thạnh xã (An Nghiệp, Thạnh Nghiệp, Hòa Định Tây), Bình An thôn (nay là thôn Đông Bình, xã Hòa An), Cẩm Sơn thôn (nay là thôn Cẩm Sơn, xã Hòa Quang Bắc), Đá Bạc xã (nay là thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây), Đại An Thọ Toàn thôn (nay là thôn Thạnh Lâm, xã Hòa Quang Bắc và thôn Phú Thạnh, xã Hòa Quang Nam), Đại Phú thôn (nay là thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam), Đồng Lâm xã (nay là thôn Mậu Lâm Nam, xã Hòa Quang Nam và Mậu Lâm Bắc, xã Hòa Quang Bắc), Ngọc Lãnh thôn (Ngọc Sơn thôn đổi tên thành Ngọc Lãnh thôn), Ngọc Sơn xã (nay là thôn Ngọc Sơn, xã Hòa Quang Bắc), Phong Đăng xã (nay là thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng), Phú Ân xã (thôn Phú Ân, xã Hòa An ngày nay), Phú Lộc xã (có hai giáp: giáp đông và giáp tây, tương ứng với thôn Đông Lộc và Phú Lộc, xã Hòa Thắng), Phú Sen xã (nay là thôn Phú Sen, xã Hòa Định Tây), Phụng Các xã (năm 1832 đổi tên là Phụng Tường; năm 1899 chia thành ba làng là Long Tường, Phụng Tường và Phụng Nguyên), Vĩnh An thôn (năm 1832 đổi tên là Vĩnh Phú, nay là thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An), Phước Toàn xã (Phước Toàn xã có 3 giáp: giáp đông, giáp tây, giáp trung). Giáp đông xã Phước Toàn chia thành hai giáp nhỏ.

Năm 1832 giáp đông xã Phước Toàn được đặt tên là làng Đông Phước. Hộ Bình thôn (nguyên là Bình An thôn) sau đổi tên là thôn Đông Bình. Giáp tây xã Phước Toàn được đặt tên là làng Tây Hậu, sau chia thành hai làng là Quy Hậu và Phước Khánh (giáp trung Phước Toàn xã sau là làng Phước Hậu, xã Bình Kiến, nay là phường 9, TP Tuy Hòa).

Năm 1853 đổi làm đạo Phú Yên, đặt một Quản đạo, giấy tờ phải đặt ba chữ tỉnh Bình Định lên đầu. Năm 1876, lại đặt làm tỉnh Phú Yên vẫn do tổng đốc Bình Phú thống quản. Năm Kỷ Hợi 1899 (Thành Thái 11), tỉnh Phú Yên chia ra thành phủ và hai huyện. Từ đây, bỏ hệ thống phủ cai quản huyện. Phủ và huyện là đơn vị hành chính như nhau, dẫu vẫn giữ nguyên tắc “phủ thống hạt (thống quản) huyện”. Tỉnh lỵ đóng tại Sông Cầu.

Đầu thế kỷ XX, phủ Tuy Hòa thành lập tổng Hòa Tường (gồm các làng Đại Bình, Đại Phú, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Tường Phú, Thường Thạnh, Tịnh Lâm, Mậu Lâm, Cẩm Sơn, Ngọc Lãnh, Đồng Hòa, Đồng Mỹ, Ngọc Sơn và các làng thuộc các xã Hòa Định Đông, Hòa Thắng ngày nay).

Ngày 17/10/1921, chính quyền Pháp có nghị định tách Phú Yên trở thành tỉnh độc lập và không còn lệ thuộc vào tỉnh Bình Định. Sự chia tách này có ý nghĩa quan trọng, Phú Yên trở về đơn vị hành chính cấp tỉnh và được đầu tư như một tỉnh lỵ khác ở khu vực Trung Kỳ. Hệ thống hành chính thời Pháp thuộc giữ nguyên trạng đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 22/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh 63 quy định việc tổ chức HĐND cấp tỉnh (thành phố), huyện (thị xã) và xã. Hiến pháp 1946 xác định nguyên tắc hành chính đó.

Tháng 6/1946, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban hành chính Trung Bộ, Phú Yên tiến hành điều chỉnh các cấp hành chính, bỏ cấp phủ và tổng. Nhập các làng nhỏ thành xã, trực thuộc huyện Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa và khu Đồng Bò, gồm 84 xã.

Trên địa bàn Phú Hòa lúc ấy hình thành các xã: Quy Khánh (sáp nhập hai thôn Quy Hậu và Phước Khánh), Nam Tường (sáp nhập ba thôn Phụng Tường, Long Tường, Phụng Nguyên), Trần Hào (sáp nhập các thôn Nho Lâm, Hạnh Lâm, Đại Bình, Đại Phú), Ái Quốc (sáp nhập các thôn Ngọc Sơn, Ngọc Lãnh, Cẩm Sơn, Đồng Mỹ, Đồng Hòa), Thắng Lợi (sáp nhập các thôn Trường Phú, Thường Thạnh, Tịnh Lâm, Mậu Lâm), Vĩnh Nghiệp (sáp nhập các thôn Thạnh Nghiệp, An Nghiệp), Cẩm Phong (sáp nhập các thôn Cẩm Thạch, Phú Sen, Phong Hậu trực thuộc khu Đồng Bò). Khi sáp nhập khu Đồng Bò vào phủ Tuy Hòa thì cắt thôn Phong Hậu về huyện Sơn Hòa và tên xã được đổi lại là Cẩm Phú; Tân Tiến (sáp nhập các thôn Phong Niên, Phú Lộc, Đông Lộc, Mỹ Hòa), Quốc Tuấn (sáp nhập các thôn Vĩnh Phú, Phú Ân, Đông Phước, Đông Bình, Ngọc Lãng).

Tháng 11/1946, thực hiện chủ trương của Ủy ban hành chính Trung Bộ, Phú Yên chia làm 6 chiến khu và hai huyện miền núi. Chiến khu I gồm các xã phía nam sông Đà Rằng; chiến khu II gồm các xã phía bắc sông Đà Rằng; chiến khu III gồm các xã thuộc huyện Tuy An; chiến khu IV gồm các xã thuộc huyện Sơn Hòa; chiến khu V gồm các xã thuộc phía tây huyện Đồng Xuân; chiến khu VI gồm các xã thuộc phía đông huyện Đồng Xuân (nay là TX Sông Cầu) và hai huyện là Tân Sơn (thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa) và Tân Xuân (thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân).

Cuối năm 1947, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo Ủy ban kháng chiến, Ủy ban hành chính Trung Bộ; Phú Yên bỏ cấp chiến khu, gọi tên cấp huyện như cũ, sáp nhập huyện Tân Sơn vào huyện Sơn Hòa, huyện Tân Xuân vào huyện Đồng Xuân, khu Đồng Bò vào huyện Tuy Hòa. Đồng thời tỉnh tiến hành nhập một số xã.

Trên địa bàn Phú Hòa lúc ấy hình thành các xã sau: Hòa Trị (sáp nhập hai xã Quy Khánh và Nam Tường), Hòa Nghiệp (xã Vĩnh Nghiệp đổi tên), Hòa Quý (xã Cẩm Phú đổi tên), Hòa Tường (xã Trần Hào đổi tên), Hòa Hảo (xã Ái Quốc đổi tên), Hòa Lợi (xã Thắng Lợi đổi tên), Hòa Thắng (xã Tân Tiến đổi tên), Hòa An (xã Quốc Tuấn đổi tên) và bao gồm diện tích các phường nội thị Tuy Hòa ngày nay từ phường 1 đến phường 6.

Ngày 29/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 149 sáp nhập Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính các cấp thành Ủy ban kháng chiến - Hành chính. Trên địa bàn Phú Hòa, có các xã sau: Hòa trị, Hòa Quang (sáp nhập ba xã Hòa Tường, Hòa Hảo, Hòa Lợi), Hòa Định (sáp nhập hai xã Hòa Quý và Hòa Nghiệp), Hòa Thắng, Hòa An (bao gồm cả TX Tuy Hòa).

Địa danh các xã chủ yếu được cấu tạo theo tên huyện như Tuy Hòa có các xã Hòa Thành, Hòa Bình, Hòa Phong, Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Hiệp, Hòa Xuân, Hòa Vinh, Hòa Kiến, Hòa Trị, Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Định, Hòa An; TX Tuy Hòa (lúc khởi nghĩa gọi là khu Tuy Hòa, sau đó thuộc xã Hòa An) gồm các phường: phường 1 (Bình Nhạn), phường 2 (Bình Tịnh), phường 3 (Bình An), phường 4 (Bình Mỹ), phường 5 (Bình Hòa), phường 6 (Bình Lợi), phường 7 (Bình Phú).

Cuối năm 1953, để tiện quản lý lãnh thổ và củng cố chính quyền phục vụ kháng chiến kiến quốc, các xã phía bắc sông Đà Rằng thuộc huyện Tuy Hòa được tách ra thành lập huyện Tuy Hòa 2. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Phú Yên tạm giao cho đối phương quản lý trong thời gian chờ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Ngày 27/5/1958, chính phủ Ngô Đình Diệm ký Nghị định 263BNV/HC/P6 quy định đơn vị hành chính Phú Yên. Theo đó, Phú Yên chia thành 6 quận: Đồng Xuân, Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa (TX Tuy Hòa còn gọi là xã Châu Thành) và quận Sơn Hòa.

Ngày 12/7/1962, chính quyền Ngô Đình Diệm ký Nghị định 723NV thành lập quận mới Hiếu Xương gồm 7 xã: Đức Thành (Sơn Thành), Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Tân, Hòa Bình; quận lỵ đặt tại xã Hòa Phong.

Ngày 21/12/1963, chính quyền Sài Gòn ký Nghị định 304 TTP ĐVHC sáp nhập các xã Hòa Thành, Hòa Hiệp, Hòa Vinh, Hòa Xuân (gốc thuộc quận Tuy Hòa) vào quận Hiếu Xương và nhập hai xã An Thọ, An Chấn (gốc quận Tuy An) vào quận Tuy Hòa.

Về phía chính quyền cách mạng: Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Tỉnh ủy tập trung xây dựng chiến khu Thồ Lồ, thành lập các huyện ủy Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa, Sơn Hòa, giữ vững sự chỉ đạo xuyên xuốt từ tỉnh xuống các địa phương. Cuối năm 1956, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định thành lập huyện Tuy Hòa 2 (phía bắc sông Đà Rằng tương đương với huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa ngày nay).

Tháng 3/1965, Tỉnh ủy Phú Yên thành lập C6 - đơn vị tiền thân của Thị ủy Tuy Hòa. Ngày 6/8/1965, Tỉnh ủy thành lập Thị ủy Tuy Hòa chỉ đạo 6 phường nội thị và các xã Bình Phú A, Bình Phú B, Bình Phú C (tương ứng 2/3 xã Hòa Kiến cũ) để làm bàn đạp hoạt động.

Huyện Tuy Hòa 2 trong kháng chiến chống Mỹ gồm các xã: Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Trị, Hòa Thắng, Hòa Kiến. Đến ngày giải phóng, chính quyền cách mạng Phú Yên có 9 đơn vị huyện, thị trực thuộc: TX Tuy Hòa và các huyện Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, Sơn Hòa, Miền Tây, Tây Nam. Sau ngày giải phóng, UBND cách mạng tỉnh Phú Yên vẫn tiếp tục duy trì 9 đơn vị hành chính.

Đến tháng 9/1975, toàn tỉnh có 70 xã, phường, thị trấn. Ngày 30/10/1975, Tỉnh ủy và UBND cách mạng tỉnh Phú Yên quyết định sáp nhập huyện Tây Nam vào huyện Sơn Hòa; sáp nhập huyện Đồng Xuân và huyện Sông Cầu thành huyện Đồng Xuân; sáp nhập huyện Tuy Hòa 1 và huyện Tuy Hòa 2 thành huyện Tuy Hòa.

Ngày 3/11/1975, tỉnh Phú Yên sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh. Ngày 10/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 49/CP hợp nhất huyện Tuy An, huyện Đồng Xuân và các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, Phú Mỡ thành lập huyện mới Xuân An; hợp nhất huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa thành huyện Tuy Hòa. Các xã còn lại ở miền núi thuộc huyện Tây Sơn. Bắc Phú Khánh (Phú Yên cũ) chỉ có ba đơn vị hành chính (ba huyện: Tuy Hòa, Xuân An, Tây Sơn).

Ngày 22/9/1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 241/CP chia huyện Tuy Hòa thành hai huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa. TX Tuy Hòa gồm 6 phường nội thị và hai xã Bình Kiến, Bình Ngọc.

Ngày 23/4/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 177/CP thành lập xã Hòa Hội trực thuộc huyện Tuy Hòa trên cơ sở sáp nhập vùng kinh tế mới ở buôn Hố Hầm, thôn Phong Hậu, xã Sơn Hòa, huyện Tây Sơn và thôn Lỗ Rong, xã Hòa Quang, huyện Tuy Hòa.

Ngày 5/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 100 HĐBT chia tách một số xã thuộc các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa và TX Tuy Hòa. Ở TX Tuy Hòa, chia xã Bình Kiến thành hai xã Bình Kiến và Hòa Kiến; chia xã Hòa Định thành hai xã Hòa Định Đông và Hòa Định Tây.

Đến thời điểm tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, tỉnh Phú Yên được tái lập gồm TX Tuy Hòa và 6 huyện Tuy Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh (gồm 6 phường, 6 thị trấn và 79 xã).

Sau ngày tái lập tỉnh (1/7/1989), để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển, Phú Yên được Chính phủ chấp thuận và có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương thuộc quyền quản lý, trong đó có việc thành lập huyện mới Phú Hòa và hình thành một số xã trên vùng đất huyện Phú Hòa ngày nay.

Ngày 31/1/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2002/NĐ-CP chia TX Tuy Hòa thành hai đơn vị hành chính là TX Tuy Hòa và huyện Phú Hòa.

Ngày 20/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2003/CP thành lập xã Ea Ly (huyện Sông Hinh); chia xã Hòa Quang (huyện Phú Hòa) thành hai xã Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam.

Ngày 3/12/2007, Chính phủ ban hành Nghị định 175/2007/NĐ-CP thành lập thị trấn Phú Hòa, trung tâm huyện lỵ của huyện Phú Hòa. Đến cuối năm 2009, Phú Yên có 9 đơn vị thành phố, thị xã, huyện trực thuộc (TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và các huyện: Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh).

Hiện nay, huyện Phú Hòa có 9 đơn vị xã, thị trấn: Hòa Trị, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc, Hòa Hội, Hòa Định Tây, Hòa Định Đông, Hòa Thắng, Hòa An và thị trấn Phú Hòa.

PHAN THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét