7 thg 10, 2017

Thăm một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung hơn 700 năm tuổi

Từ khi được phục dựng, chùa Hoằng Phúc đã đón hàng ngàn du khách và Phật tử đến vãn cảnh mỗi năm.

Chùa Hoằng Phúc sau phục dựng. Ảnh: Huệ Minh

Theo các tài liệu ghi chép, Hoằng Phúc (thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung với lịch sử hình thành hơn 700 năm. 

Năm 1301, Hoằng Phúc (có tên là am Tri Kiến) được Phật hoàng Trần Nhân Tông thăm chùa và cầu phước đức cho dân lành. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt tên chùa là Kính Thiên tự, đến năm 1821 vua Minh Mạng ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc tự trong chuyến ngự giá bắc tuần. 

Người dân địa phương thường gọi tục danh là chùa Quan, rất gần gũi và thực tế chùa gắn bó nhiều với đời sống sinh hoạt, sân chùa rộng thường được sử dụng để tổ chức văn nghệ, thể thao, chiếu bóng…

Chùa từng là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng trong thời kỳ đấu tranh chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn đánh phá hư hỏng chỉ còn dấu tích nền móng và cổng tam quan. Một số hiện vật quý hiếm như tượng cổ, chuông… được người dân trong thôn cất giữ cẩn thận.

Năm 1985, do bão lũ tàn phá nên người dân đã chôn cất một số hiện vật ngay tại nền chùa. Chùa Hoằng Phúc được UBND tỉnh Quảng Bình quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và năm 2010. Sau đó, chùa cũng được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia.

Tháng 4.2014, H.Lệ Thủy đặt vấn đề trùng tu chùa, Ủy ban MTTQ huyện đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... đóng góp kinh phí, ngày công và hiện vật để tôn tạo di tích. Bảy tháng sau, công trình khởi công với khoản kinh phí hơn 40 tỉ đồng huy động được. Quá trình thi công, nhiều tượng cổ quý được tìm thấy khi khai quật phần bệ thờ ngoài trời (chính điện).

Sau hơn 1 năm xây dựng, công trình hoàn tất cac hạng mục tam quan ngoại, tam quan nội, tháp Phật, tam bảo chùa, nhà thờ tổ, tả hữu hành lang, am hóa vàng, các công trình phụ trợ… và chính thức đưa vào sử dụng. Kể từ sau khi phục dựng, nhiều hoạt động lớn được tổ chức tại đây.

Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Myanmar đã tặng chùa xá lợi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni từ chùa Shwendagon (chùa Vàng - ngôi chùa lớn nhất, linh thiêng nhất Myanmar). Phật ngọc hòa bình thế giới cũng đã được cung nghinh đến chùa.

Đến chùa vào các dịp đầu xuân hay các ngày lễ Phật, mặc dù không có nhiều không gian cổ kính nhưng du khách vẫn cảm nhận được sự linh thiêng, thanh tịnh nơi cửa chùa. Những lời cầu phúc, cầu an sẽ giúp con người ta thêm phần nhẹ nhõm giữa cuộc sống xô bồ…

Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét