17 thg 10, 2017

Người Hà Nhì đen “nhảy que” trong lễ hội cầu mùa

Cũng giống như các trò chơi khác, "đu quay", "cầu bập bênh", "múa khăn", trò chơi “nhảy que” của người Hà Nhì vừa có tác dụng rèn luyện sức khỏe, vừa có ý nghĩa cố kết cộng đồng, tạo sự gần gũi, gắn bó, đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Người Hà Nhì vui hội với trò “nhảy que”


Trong nhiều năm qua, các môn thể thao và trò chơi dân gian luôn là hoạt động không thể thiếu và là nét đẹp văn hóa tinh thần trong những ngày lễ hội của đồng bào các dân tộc.

Đối với người Hà Nhì đen, “Ngày tết” có tính chất vui chơi giải trí và cầu nguyện "Ngũ cốc được mùa". Trong thời gian ngày lễ, người của các thôn bản vào rừng chặt một cây gỗ chắc mà thẳng và một vài dây leo mang về để làm bàn đu trò vui chơi giải trí cho lễ hội. Lễ hội diễn ra khoảng từ 3 - 5 ngày. Mỗi năm ngày "Tết tháng 6" đến, cả bản nhộn nhịp với quần áo mới, đông đảo đồng bào vui chơi quanh bàn đu quay chào đón ngày hội.

Người Hà Nhì vui mùa lễ hội. 

Trò chơi "Nhảy que" của người Hà Nhì đen là một trò vui không thể thiếu trong các dịp hội làng, lễ cúng rừng, Tết cổ truyền, Tết thiếu nhi hay tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ với các dân tộc khác… Để tiến hành trò chơi, người Hà Nhì chuẩn bị những chiếc que và nhiều công đoạn. Chiếc que được lựa chọn cho cuộc chơi thường to bằng ngón tay cái, là cành cây tre hoặc nhánh cây luồng, có độ dài khoảng 3 mét. Đầu tay cầm được hơ qua lửa cho dẻo rồi xoắn lại để khi quay không bị gãy. 

Trò chơi được bắt đầu khi một người bất kỳ quay chiếc que liên tục theo vòng tròn 360 độ, sát mặt đất. Người tham gia nhảy que không phân biệt lứa tuổi, giới tính, dân tộc cùng hòa vào cuộc chơi. Họ có thể nhảy đơn, nhảy đôi, hay xếp thành vòng tròn nắm tay nhau cùng nhảy. 

Hình thức nhảy đơn trong trò chơi nhảy que. 

Trong quá trình nhảy, mọi người phải khéo léo nhảy lên cao bằng một hoặc cả hai chân mỗi khi chiếc que quay tới, bởi nếu ai đó nhảy không kịp, bị chiếc que đập vào chân thì cuộc chơi sẽ bị tạm ngừng.

Trò chơi nhảy que của người Hà Nhì có vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt, góp phần giáo dục về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người ngày càng phát triển toàn diện về trí, đức, thẩm, mỹ. Thông qua các trò chơi còn có thể nâng cao thể chất, ý chí phấn đấu của con người; giáo dục ý thức cộng đồng, bản sắc và truyền thống văn hoá dân tộc cho các thế hệ.

Bảo tồn trò chơi dân gian truyền thống

Những trò chơi dân gian hình thành, phát triển qua lao động sản xuất, đấu tranh sinh tồn của mỗi cộng đồng dân tộc, những trò chơi dân gian truyền thống của mỗi dân tộc đều lưu giữ tinh hoa, hồn cốt của chính dân tộc trong đó. Bởi vậy, dù cách chơi có đơn giản hay phức tạp nhưng các trò chơi dân gian vẫn tồn tại và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Đứng trước sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, trò chơi dân gian trong lễ hội cầu mùa cũng như bao trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Hà Nhì đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Trò chơi rèn luyện sự dẻo dai của người Hà Nhì. 

Trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Hà Nhì có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng độc đáo. Đó còn thể hiện tính cộng đồng, tính tập thể, tinh thần đoàn kết trong nhân dân rất cao. Càng đặc biệt hơn khi các trò chơi dân gian này chỉ được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, truyền tay và được học hỏi trong quá trình biểu diễn hay thi đấu.

Chính những trò chơi dân gian đã làm nên bản sắc đặc trưng và khác biệt của mỗi cộng đồng. Việc khôi phục lại các lễ hội truyền thống, trong đó có các trò chơi dân gian như đu quay, nhảy que, đu dây… cần được quan tâm hơn nữa. Bên cạnh đó, các phong trào tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao diễn ra sôi nổi cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn các trò chơi dân gian. Nhưng cần thiết hơn nữa là việc tổ chức thường xuyên tạo thành nếp sinh hoạt của đồng bào. Để mọi người có thể tham gia cùng nhau thi tài, cũng là cơ hội truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng như gìn giữ được nét văn hóa tốt đẹp trong đời sống.

Việc bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa đã được đồng bào Hà Nhì chú trọng. Nhiều tổ chức xã hội và cá nhân đã nỗ lực hết mình góp phần xây dựng những phong tục tập quán, gìn giữ những giá trị của trò chơi dân gian truyền thống trong lễ hội cầu mùa nhằm nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào.

Thu Hằng - Ảnh: Minh Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét