25 thg 10, 2017

Bí mật về chóp inox đánh dấu điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam

Sau 5 năm, chiếc chóp inox đánh dấu cực Đông trên đất liền, là Khánh Hòa, đã được thay thế bằng chóp đá hoa cương to lớn hơn. 

Đến với bán đảo hòn Gốm thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, du khách sẽ có cơ hội đặt chân tới điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam.

Chóp Mũi Đôi mới được xây dựng trên tảng đá gần vị trí chóp cũ. Ảnh: Phan Hung Thi. 


Tại đây có một chiếc chóp đá hoa cương dạng hình khối. Dòng chữ màu vàng “Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Đầu), Điểm Cực Đông trên đất liền” và tọa độ được khắc nổi bật trên thân chóp.

Phía trước không xa là tấm bảng đá chỉ dẫn tham quan khu danh lam thắng cảnh Mũi Đôi. Hiện nay, điểm cực này rất phổ biến, đường đi thành lối mòn nên du khách có thể tự khám phá.

Mũi Đôi - điểm cực Đông trên đất liền đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia từ ngày 25/3/2005. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng bia đá, bảng chỉ dẫn danh lam thắng cảnh Mũi Đôi - Hòn Đôi. Ảnh: Phan Hung Thi. 


Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi chiếc chóp từ đá hoa cương xuất hiện, điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam từng có một chiếc chóp innox từ thời của những phượt thủ thế hệ đầu.

Thời ấy, đường sá còn hoang vu, ít ai biết đến vị trí này. Nhiều người phải trekking theo đường nhựa vào, vừa đi vừa mò đường, hoặc xác định vị trí qua thiết bị GPS để đến được nơi nhìn thấy Hòn Đôi (Hòn Đầu), cách đất liền một đoạn. Sau đó, người ta bắt đầu dò tọa độ cực Đông trên đất liền.

Tại đây, các bạn trẻ của Hội leo núi khắp ba miền đã đặt một chiếc chóp inox để đánh dấu tọa độ cực Đông trên đất liền.

Chóp được bí mật lắp đặt vào ngày 4/8/2012, gắn trên một tảng đá cao với các bu-lông khoan chặt vào nền đá. Cả nhóm cùng chuyển cát, đá, xi măng, dụng cụ... rồi gom những giọt nước ngọt cuối cùng trong hành trang của mình để đổ bê tông gắn chóp.

Các kỹ sư cơ khí của nhóm đã nghiên cứu và tính toán rất kỹ về việc đặt chóp để nó chịu được thời tiết khắc nghiệt của Vạn Thạnh. Chóp gắn phải chịu được gió bão mạnh, bề mặt không hoen rỉ vì hơi nước mang vị muối của biển. Khối chóp inox có đáy là hình vuông, bốn mặt bên hình tam giác đều, tượng trưng cho bốn yếu tố cấu thành vũ trụ: Phong, Thủy, Hỏa, Thổ. Kích thước của chóp với tỷ lệ 1:500 so với Giza - một trong những kim tự tháp lớn nhất ở Ai Cập.

Trải qua hơn 5 năm, chóp đánh dấu điểm cực Đông trên đất liền này đã gắn bó với biết bao người không quản ngại khó khăn để chinh phục nơi này. Thử thách cuối cùng của hành trình chinh phục điểm này là leo lên tảng đá cao, nơi đặt chóp mà nhiều người khao khát được chạm tay vào nó. Chiếc chóp như chất xúc tác làm lan tỏa cảm xúc tuyệt vời cuối cung đường.

Khoảnh khắc các nhà leo núi lắp đặt chóp inox từ năm 2012. Ảnh: Hội Leo Núi. 

Sau này, chiếc chóp inox cũ của Hội leo núi làm từ những ngày còn hoang sơ đã được tháo ra, thay thế bằng chóp đá hoa cương do UBND tỉnh Khánh Hòa lắp đặt như hiện nay.

Anh Lê Hồng Minh, người lên ý tưởng thực hiện gắn chóp Mũi Đôi, cho biết anh và thành viên trong nhóm rất sẵn lòng tặng lại chiếc chóp cũ cho tỉnh Khánh Hòa để làm kỹ niệm, nhằm quảng bá cho thu hút khách du lịch đến thăm cực Đông trên đất liền và chiêm ngưỡng cảnh cảnh đẹp nơi đây. 

Nguyễn Sỹ Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét