21 thg 10, 2017

Ai qua bến Bình Đông?

Năm 1776, 1777, quân Tây Sơn tàn phá Cù lao Phố (Biên Hòa) - nơi phố thị sầm uất bậc nhất miền Nam thuở ấy - người Hoa đang kinh doanh, sinh sống tại đây chạy về vùng Chợ Lớn gầy dựng lại cơ nghiệp. Cộng đồng người Hoa đã gầy dựng bến Bình Đông dọc theo hai bờ kinh Tàu Hũ thành một trung tâm quan trọng của vựa lúa miền Nam, kết hợp các nhà máy xay lúa - vựa lúa gạo - bến bãi. Bến Bình Đông trở thành một nơi tấp nập "trên bến, dưới thuyền", là nơi mua bán, xay xát và xuất khẩu lúa gạo quan trọng bậc nhất của Sài Gòn - Chợ Lớn.

Bến Bình Đông 2017

Bến Bình Đông ở đâu? 

Đó là bến sông dọc theo kinh Tàu Hũ. Theo nhà văn Sơn Nam thì bến Bình Đông chạy dài từ cầu Chà Và tới gần đình Bình An. Hiện nay theo bản đồ, con đường Bến Bình Đông bắt đầu từ chỗ cầu Nguyễn Tri Phương (xa hơn cầu Chà Và khoảng 1 km) tới chỗ giao nhau giữa rạch Lò Gốm và kinh Tàu Hũ (gần trùng với vị trí Sơn Nam đã nêu). Trong Sổ tay tên đường ở TPHCM, Lê Trung Hoa ghi: Bình Đông là bến nằm trên địa bàn các phường 11, 13, 14, 15 quận 8, từ đường Tùng Thiện Vương đến kinh Ngang số 3, dài 4.150 met, lộ giới 20 met.

Cũng trong tài liệu trên, Lê Trung Hoa cho biết: Thời Pháp thuộc, bến này mang tên Quai des Jonques. Ngày 4/5/1954 đổi thành bến Lý Thái Tổ. Ngày 22/3/1955 đổi thành Bến Bình Đông đến nay. Bình Đông vốn là tên thôn từ 1820.


Ai qua bến Bình Đông?

Cầu Kinh ngang số 3

Như đã nêu trên, hầu hết nhà cửa ở bến Bình Đông là cơ sở kinh doanh lúa gạo của người Hoa, trong đó thường tầng trệt dùng kinh doanh, tầng trên là nhà ở. Kiến trúc khu phố nơi đây kết hợp đường nét Đông - Tây, phần trang trí có các cột xây bằng gạch, lan can bằng sắt, gờ chỉ bằng thạch cao hoặc vôi.

Ngày xưa, kinh Tàu Hủ cùng với bến Bình Đông được gọi là “con đường lúa gạo” với các nhà máy xay xát lúa gạo hoạt động sầm uất, thuyền bè từ các tỉnh ra vào tấp nập buôn bán.  Theo thời gian, vai trò vựa lúa gạo - nhà máy xay xát của bến Bình Đông san sẻ phần lớn cho các tỉnh miền Tây. Như Cù lao Phố ngày nào, bến Bình Đông không còn vai trò quan trọng thuở xưa nữa. Khung cảnh trên bến dưới thuyền đã giảm đi rất nhiều.




Những ngôi nhà cũ vẫn còn dọc theo bến Bình Đông


Trong hình này ta thấy vẫn còn ống hút lúa từ ghe lên

Bây giờ đường sá mở mang, những chiếc cầu hiện đại được xây dựng nên, dòng kinh Tàu Hũ được cải tạo sạch đẹp hơn nhiều nhưng trên bến những ngôi nhà phố của người Hoa cách đây hàng trăm năm vẫn còn đó. Không gian đô thị hiện đại và không gian xưa cũ đang tồn tại song song tạo nên một dáng vẻ khá riêng biệt cho bến Bình Đông. Nghe đâu có những đề án kiến trúc “Nghiên cứu, bảo tồn những nét đặc sắc về cảnh quan và kiến trúc truyền thống của bến Bình Đông", không biết rồi sẽ ra sao.

Một cầu bộ hành mới xây dựng trên kinh Tàu Hũ

Một ngôi chùa của người Hoa ở cuối bến Bình Đông

Tôi là người từ xưa tới nay chỉ nghe nói mà chưa từng tới bến Bình Đông, nay tới đây nhìn cảnh quan bỗng thấy xao xuyến, có chút cảm giác hoài cổ. Vậy nên mới góp nhặt tư liệu đó đây kể lể dông dài...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét