28 thg 10, 2017

Đồn Đình Cả - Nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học


Địa điểm di tích đồn Đình Cả thuộc xóm Tiền Phong, thị trấn Đình Cả, là một trong những di tích lịch sử quan trọng gắn với giai đoạn tiền khởi nghĩa và cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai. Di tích này chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.

Theo các tài liệu lịch sử, đồn Đình Cả được thực dân Pháp cho xây dựng năm 1914 sau khi chiếm được Võ Nhai, nhằm kiểm soát và trấn áp phong trào cách mạng ở địa phương. Đồn được xây dựng khá kiên cố trên một ngọn đồi cao, với các lô cốt bằng đá vôi và bê tông, kết nối với nhau bởi hệ thống giao thông hào. Lực lượng địch đóng tại đây gồm 2 trung đội lính khố xanh dưới sự chỉ huy của tên Đồn trưởng người Pháp, được trang bị các loại súng máy, súng trường. Đây là đồn mạnh nhất và có vị trí trọng yếu của địch ở Võ Nhai, từ đây chúng có thể khống chế toàn bộ phố Đình Cả và tuyến đường từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn. 

Sau khi Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập (ngày 15-9-1941), phong trào đấu tranh cách mạnh tại Võ Nhai và vùng lân cận ngày càng lên cao, thực dân Pháp đối phó bằng cách tăng cường lực lượng cho đồn Đình Cả và đồn Tràng Xá. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và hoạt động tích cực của Cứu quốc quân, phong trào cách mạng tại Võ Nhai vẫn tiếp tục phát triển. Sau khi giải phóng La Hiên và chiếm được đồn Tràng Xá, lực lượng cách mạng tập trung bao vây đồn Đình Cả. Quân địch hoang mang, hứa đầu hàng và giao đồn vào ngày 26-3-1945 nhưng lại dùng kế hoãn binh. Ban lãnh đạo Cứu quốc quân quyết định cử đồng chí Thái Long (tức Nông Văn Cún) và đồng chí Nhật Sơn lên đồn thuyết hàng địch. Địch vờ chấp nhận đầu hàng rồi tráo trở bắn chết hai đồng chí, xả súng xuống phố Đình Cả và gọi loa đe dọa lực lượng của ta. Hành động đê hèn của địch càng làm tăng ý chí sôi sục căm thù của quần chúng. Các lực lượng được lệnh siết chặt vòng vây. Đến ngày 10-4-1945, quân địch buộc phải liều mình phá vây, bị ta truy kích và tiêu diệt phần lớn. Việc đánh chiếm được đồn Đình Cả đã tạo điều kiện rất thuận lợi để nhân dân trong huyện nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng. 

Khu vực đồn Đình Cả nay thuộc quản lý của Ban Chỉ huy quân sự huyện Võ Nhai, là một điểm cao phục vụ huấn luyện và chiến đấu. Đồn chỉ còn lại một số dấu tích: vọng gác, cổng vòm, bốt và giao thông hào. Tuy vậy, theo đánh giá của ngành Văn hóa, đồn Đình Cả vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, là bằng chứng sinh động về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm của quân và dân các dân tộc huyện Võ Nhai trong lịch sử đấu tranh cách mạng; nhắc nhở các thế hệ không quên công lao, sự hy sinh của những người đi trước. Ngoài giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống, đồn Đình Cả còn chứa đựng giá trị văn hóa, khoa học, thể hiện ở các tài liệu, hiện vật, nhân vật gắn với một thời kỳ lịch sử quan trọng. Vì vậy, địa điểm di tích đồn Đình Cả đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. 

Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Di tích lịch sử đồn Đình Cả, tháng 3 vừa qua, UBND huyện Võ Nhai đã xây dựng phương án đầu tư tôn tạo trình Thường trực Huyện ủy và các cơ quan chức năng xem xét. Cụ thể là dự kiến xây dựng nhà lưu niệm, trong đó có một gian riêng thờ ông Nông Văn Cún, ông Nhật Sơn; một gian trưng bày tư liệu, hiện vật và đón tiếp khách. Nguồn kinh phí dự kiến từ ngân sách huyện và xã hội hóa. Chúng tôi thiết nghĩ, đây là việc làm cần thiết và cần sớm được triển khai. 

Phương Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét