28 thg 10, 2017

Kỳ mộc chốn rừng xanh Sơn Trà

Sở hữu một kích thước đồ sộ, tán lá sum suê, hình thù kì lạ cộng với tuổi đời lên đến gần nghìn năm, cây đa cổ thụ trên bán đảo Sơn Trà được xếp vào hàng “kỳ mộc”, xứng danh là “báu vật xanh” của lá phổi xanh Đà Nẵng.

Du khách đến với bán đảo Sơn Trà không chỉ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp đầy quyến rũ của loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, hay vẻ hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh trải dài ra tận biển, mà còn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có của cây đa cổ thụ gần nghìn năm tuổi.

Đến khu vực Tiểu khu 63 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà nằm ở độ cao chừng 700m so với mực nước biển, nhìn từ xa bóng cây đa cổ thụ như một chiếc ô xanh khổng lô vươn ra che kín cả một vùng. Càng đến gần, người ta càng không khỏi choáng ngợp trước vẻ to lớn, um tùm của nó.

Theo các nhà khoa học, cây đa Sơn Trà có tên là “đa núi cao”, thuộc họ dâu tằm, có tuổi đời khoảng hơn 800 tuổi, cao chừng 22m, chu vi thân chính và cụm thân phụ lên đến gần 100m.

Đường lên cây đa cổ thụ đi len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh xanh mát của bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Thanh Hòa

Đối với người dân Đà Nẵng, cây đa không chỉ có giá trị về mặt sinh học mà còn có ý nghĩa về mặt lịch sử, bởi chính tại nơi đây lực lượng biệt động Quảng Nam – Đà Nẵng từng chọn làm căn cứ hoạt động và chiến đấu trong hai cuộc khácg chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Thanh Hòa

Cây đa cổ thụ trong rừng nguyên sinh của bán đảo Sơn Trà có độ tuổi trên 800 năm, cao 22m, chu vi cụm thân chính và phụ lên tới gần 100m. Ảnh: Thanh Hòa

Cây đa là điểm tham quan thú vị trên hành trình khám phá cảnh quan thiên nhiên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Thanh Hòa

Năm 2014, cây đa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản,
và đây cũng là một trong những cây đa lớn nhất, có tuổi đời lâu nhất ở Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa

Các cây thân leo khổng lồ sống kí sinh đeo bám quanh cây đa cổ thụ. Ảnh: Thanh Hòa

Nhiều du khách khi đến với Sơn Trà đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thích thú trước sự kì vĩ của cây đa nghìn năm tuổi. Ảnh: Thanh Hòa

Sự to lớn của cây đa tạo nên những vòm hốc với dáng vẻ kỳ bí trong tán rừng âm u. Ảnh: Thanh Hòa

Thân cành quấn quýt tạo dáng vẻ sum suê, rậm rạp. Ảnh: Thanh Hòa

Một nhóm bạn trẻ cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm dưới gốc đa cổ thụ. Ảnh: Thanh Hòa

Các du khách người Hàn Quốc chụp ảnh kỷ niệm khi đến tham quan cây đa Sơn Trà. Ảnh: Thanh Hòa 

Trải qua gần nghìn năm, ngoài thân chính to khoảng 4 đến 5 người ôm, cây đa còn có thêm 26 thân phụ được hình thành nên từ những chiếc rễ rũ từ trên cành cao xuống bám chặt vào lòng đất. Các thân phụ bao quanh thân chính tạo thành một quần thể cột đỡ vững chắc trông rất lạ mắt cho bộ tán khổng lồ ở phía trên. Ngoài ra, bộ rễ lâu năm ở dưới gốc cũng nổi lên gồ ghề uốn lượn ngoằn ngoèo tạo thành những hình thù kì dị trông như đàn rắn khổng lồ đang trườn bò trên mặt đất.

Tháng 6 năm 2014, cây đa Sơn Trà được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản, và đây cũng là một trong những cây đa lớn nhất, có tuổi đời lâu nhất ở Việt Nam.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, việc lựa chọn và vinh danh cây đa cổ thụ Sơn Trà là Cây Di sản Việt Nam không chỉ nhằm trực tiếp bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của vùng nhiệt đới và giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng.

Bài, ảnh: Thanh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét