5 thg 10, 2017

Theo dòng sông Lô

Trong chúng ta, ai cũng từng biết đến sông Lô vì nhiều lẽ. Thứ nhất là do bài học địa lý thuở nhỏ, sông Lô là một trong 5 con sông dài nhất miền Bắc (sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Đáy). Thứ hai là bài học lịch sử từ trường học và sách vở, sông Lô là nơi đánh thắng giặc Pháp, là phòng tuyến của nhà Mạc ngăn sự tiến đánh của nhà Lê, là phòng tuyến chống quân Nguyên thời nhà Trần. Thứ ba - có lẽ nhớ lâu nhất nếu đã quên hết địa lý, lịch sử - là âm nhạc. Có nhiều bài hát về sông Lô, trong đó cả 2 cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam đều có bài hát hay về con sông này: Văn Cao với Trường ca sông Lô, Phạm Duy với Tiếng hát trên sông Lô.

Sông Lô, đoạn đi qua phía Nam tỉnh Hà Giang. Ảnh: Wikipedia

Sông Lô bắt nguồn từ Vân Nam (Trung quốc), chảy vào Việt Nam ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trong địa phận Việt Nam, dòng sông này dài 274 km lần lượt chảy qua Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ rồi hợp lưu với sông Hồng ở Việt Trì.

Tui biết thì biết vậy nhưng chưa khi nào tới sông Lô, vậy nên lần đầu gặp sông Lô trong chuyến du lịch Đông Bắc thì thấy lòng xao xuyến và còn hơn thế nữa.

À, trước khi kể chuyện ta cùng nghe bài Tiếng hát trên sông Lô của Phạm Duy để tạo thêm nguồn cảm hứng nghen.


Tour du lịch mà tui tham gia không phải tham quan sông Lô, nhưng tuyến đường có đi qua sông Lô khiến tui... lan man lạc đường.

Sử kể rằng, thời chiến tranh Lê - Mạc, vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị quân Nam triều (nhà Lê trung hưng) bắt và xử tử. Quý tộc và quan lại nhà Mạc rút về Cao Bằng. Để ngăn chặn quân nhà Lê, triều đình nhà Mạc đã cho xây dựng một tòa thành ở bên bờ sông Lô tại vị trí TP Tuyên Quang ngày nay.
 Thành nhà Mạc được xây dựng ở vị trí án ngữ giao thông đường thủy và đường bộ bên bờ sông Lô.

Sông Lô ở TP Tuyên Quang, nhìn từ cầu Nông Tiến. Ảnh: PHN

Qua cầu Nông Tiến là tới Di tích Thành nhà Mạc, nay đã được trùng tu thành... cái lò gạch! Ảnh: PHN

Hiện giờ cổng Tây thành nhà Mạc vẫn còn và được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích này đã được trùng tu năm 2010. Công trình trùng tu này xuất sắc đến nổi các nhà báo viết là "Biến di tích 400 năm tuổi thành... 1 ngày tuổi", còn người dân thì mỉa mai "biến di tích cổ thành... cái lò gạch mới".

Như đã nêu, sông Lô chảy từ Hà Giang sang Tuyên Quang, với điểm bắt đầu ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, nhưng trên đường đến Hà Giang quốc lộ không đi cặp sông nên ít thấy dòng sông Lô này.

Từ Hà Giang đi cột cờ Lũng Cú (một điểm mốc cực Bắc) theo quốc lộ 4C có một dòng sông nhỏ chảy bên cạnh đường đi, đó là sông Miện.



Dòng sông Miện uốn lượn quanh quanh theo quốc lộ 4C, nước xanh biếc và nhỏ như một con suối. Ảnh PHN chụp qua kính xe.

Tên sông là Miện, nhưng thật ra đây chính là một đoạn sông Lô, đoạn sông này dài khoảng 60 km.

Từ Hà Giang đi lên đỉnh đèo Mã Pí Lèng - một trong 4 đèo hiểm trở nhất Việt Nam - từ đỉnh đèo nhìn xuống có một dòng sông uốn khúc quanh quanh giữa khe núi, tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Đó là dòng sông Nho Quế.


Dòng sông Nho Quế, nhìn từ đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: PHN

Sông Nho Quế. Ảnh: Đào Trường

Sông Nho Quế cũng bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc. Ngoài vẻ đẹp của sông gắn liền với núi cao hùng vĩ, con sông này còn một điều đặc biệt nữa. Đó là chỗ sông chảy từ Trung quốc sang Việt Nam chính là tọa độ cực Bắc thật sự của Việt Nam! (Trên bản đồ Việt Nam, đó là đỉnh nhọn ở trên cùng của bản đồ).

Phần chảy ở Việt Nam của sông Nho Quế dài 46 km, đi qua cao nguyên Đồng Văn, qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc địa phận tỉnh Hà Giang, rồi đổ vào sông Gâm tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Sông Nho Quế là một phụ lưu của sông Gâm.

Từ Hà Giang sang Cao Bằng theo quốc lộ 34, một lần nữa ta thấy có một con sông đi theo ta dọc quốc lộ. Đó là sông Gâm. So với đoạn sông Miện chạy theo quốc lộ 4C thì đoạn sông Gâm chạy theo quốc lộ 34 rộng hơn, dài hơn, đồi núi hai bên không hiểm trở bằng nhưng cũng rất chập chùng kỳ vĩ. Ngắm dòng sông miệt mài đi theo ta bên đường thật là thích mắt.

Một đoạn sông Gâm tại huyện Bảo Lạc, Cao Bằng

Sông Gâm lại là một phụ lưu của sông Lô
. Sông này từ Quảng Tây (Trung quốc) chảy vào Việt Nam ở Bảo Lạc, Cao Bằng và đổ vào sông Lô tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Sông Miện là một nhánh sông Lô, sông Nho Quế là phụ lưu của sông Gâm, mà sông Gâm lại là phụ lưu của sông Lô. Như vậy, các dòng sông tui kể ở trên đều là sông Lô hết!

Tui nghĩ khi đi du lịch không chỉ quan tâm điểm đến mà cả đường đi nữa, vậy nên chẳng những tui làm quen được với sông Lô mà cả đám em út của nó (Miện, Nho Quế, Gâm) nữa, dù rằng chuyến đi của tui điểm đến là Hà Giang, Cao Bằng chớ không phải sông Lô.

Tới đây là hết rồi, ai rãnh thì nghe bài Trường ca sông Lô của Văn Cao nha!


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét