29 thg 10, 2017

Dốc Lã - Cảng xưa

Cảng Dốc Lã thuộc thôn Tiền Thắng, xã Bảo Khê. Năm 2004, xã Bảo Khê từ huyện Kim Động sáp nhập vào thị xã Hưng Yên nay là thành phố Hưng Yên. 

Địa danh Dốc Lã có từ lâu đời, cái tên đó đã in sâu vào trí nhớ của nhiều người, tồn tại theo thời gian, chảy trôi theo dòng lịch sử: Theo lịch sử Đảng bộ huyện Kim Động, có ghi: “Ngày 30.7.1954, Pháp rút quân khỏi bốt Dốc Lã”. Đây là một bốt lớn, thường xuyên có 200 quân đồn trú. Bốt nằm án ngữ cạnh sông Hồng, giáp quốc lộ 39A, đoạn lên dốc gọi là Dốc Lã - một vị trí quân sự trọng yếu của địch. Năm 1956 – 1957, thực hiện chủ trương hàn gắn vết thương chiến tranh, tỉnh đã chọn chân đê bốt Dốc Lã (mé bờ sông) làm bến xếp dỡ hàng hoá. Vào những năm 1960 -1962 chính thức thành lập cảng Dốc Lã trên cơ sở bến xếp dỡ cũ, với diện tích gần 2 ha thôn Tiền Thắng và một phần diện tích làng Phượng Lâu (xã Ngọc Thanh). Đoạn sông Hồng qua cảng là đoạn sông khá rộng, nước sâu nên người ta còn gọi là cảng sông Cái. Bến sông nơi đây thẳng đứng nên nhiều tàu thuyền trọng tải cỡ lớn cập bến dễ dàng. Từ mạn tàu lên bờ chỉ cần lao qua tấm ván gỗ dài vài sải tay là người lên xuống bốc dỡ thuận tiện và an toàn. Tính đến tháng 3.1964 các Ty Giao thông, Thuỷ lợi và Thương nghiệp tỉnh Hưng Yên đều đã có kho hàng tại cảng Dốc Lã. 


Trang trại trên đất cảng xưa Ảnh: Nguyễn Thanh 


Cảng Dốc Lã là một cảng lớn của tỉnh Hưng Yên, là nơi có nhiều kho hàng xuất, nhập theo đường thuỷ, trực tiếp phục vụ nhân dân các huyện phía Nam Hưng Yên. Vì vậy, trong tháng 5 và tháng 6 năm 1965, đã có 41 lần máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Hưng Yên. Cảng Dốc Lã là một mục tiêu bắn phá của chúng. Nhiều lần không quân Mỹ ném bom oanh tạc khu cảng Dốc Lã, phá huỷ nhiều kho tàng, cướp đi nhiều sinh mạng quanh khu vực cảng.

Gợi lại chuyện buồn xưa, cụ Lê Tăng, thôn Tiền Thắng vẻ mặt đanh lại. Trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, cụ Tăng là Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã Bảo Khê, người luôn có mặt trước và sau những trận bom nổ để giải quyết hậu quả. Cụ Tăng lục tìm nơi đáy tủ, lấy ra một tập giấy đã hoen ố theo thời gian nhưng nét mực Cửu Long còn rõ mồn một trên những trang giấy gần như nhật ký chiến trường: 

Ngày 9.9.1967, máy bay Mỹ ném bom xuống khu vực cảng Dốc Lã, phá huỷ 36 nóc nhà, 1 trường học, 1 nhà kho nông sản, 1 kho hàng công nghệ phẩm, làm chết 18 người, 26 người bị thương.
Ngày 17.11.1967, máy bay Mỹ lại ném bom cảng Dốc Lã. Rất may, hàng hoá và kho tàng cũng như cư dân đã sơ tán an toàn từ trước.

* * 
Có dịp ngồi ở quán cóc trên đê uống trà và ăn kẹo dồi, ngắm cảnh sông nước cảng Dốc Lã thật thú vị biết chừng nào! 

Cuối bến Cảng là bến đò Dốc Lã, với những chuyến đò ngang đông khách, nước mấp mé mạn thuyền, chiếc cập bến, chiếc rời bờ không lúc nào ngừng nghỉ. Rồi, những đận lỡ đò, tiếng gọi đò âm thanh mỏng nhẹ, tan loãng trên mặt nước, vẫn nghe rõ hai tiếng “đò ơi”.

Phía trên cảng là bến đò Gò và bến màn tàu thuỷ Duyên Yên. Đò chở khách chiếc sang sông, chiếc rời bến khách lên bờ gồng gồng gánh gánh đủ các thứ nông sản bốn mùa, mang hồn đất đượm nắng mưa của trời. Tiếng cười nói, lời mặc cả mặc lẽ rộn ràng từ lúc còn nhọ mặt người cho đến khi hoàng hôn chợp mắt. Gần trưa, khi tiếng còi tàu rúc lên từng hồi, các thuyền màn hối hả áp mạn, đưa khách lên xuống, rồi từ đó ca nô chở khách ngược lên Hà Nội hay xuôi xuống thành Nam.

Quanh cảng có những địa danh mang tên Dốc Lã và nhiều địa danh khác tạo thành một quần thể như: Chợ Dốc Lã tấp nập, phố Dốc Lã rộn ràng xe cộ, bến đò Dốc Lã, khu vực năm lò vôi Dốc Lã ngày đêm thi nhau nhả khói. Lò này ra vôi lò kia xếp đá hộc vào để châm lửa. Hợp tác xã vận tải thuỷ Dốc Lã có 5 thuyền xi măng lưới thép cỡ lớn với 40 lao động sông nước. Đền Tân La di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia. Trạm đay ngoại thương, xe tấp nập ra vào, trạm chống lụt bão chứa tới hàng ngàn mét khối đá hộc dự trữ cho việc hộ đê. Quanh khu cảng còn có hệ thống kho tàng dày đặc như các kho chứa phân đạm, lân, kali, kho xi măng, kho chứa thực phẩm gắn liền với cửa hàng giết mổ lợn và cửa hàng bách hoá. Kho chứa tre luồng Thanh lá gồi và lá mía ở cạnh ngay cửa hàng bán vật liệu kiến thiết, có bãi chứa gỗ, bãi đổ than...

Về mùa lũ, phía trên cảng dựng lên nhiều lều bạt mé ven sông của cư dân làm nghề vớt trứng cá để ươm thành cá bột. Từ cảng nhìn sang bên kia sông (bãi Cời) vào dịp tháng 10 hàng năm: Gió heo may mật bay lên ngọn mía, thấy chi chít tới hàng trăm lò thủ công ép mía, nấu mật, cô đường, khói lò bay phủ kín cả một vùng trời. Với đoạn đê sông Hồng phía cảng Dốc Lã chỉ dài khoảng vài trăm mét, quanh năm bốn mùa lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp. Các phương tiện như ô tô, xe bò đuôi, xe cải tiến, xe đạp thồ, người gồng gánh tấp nập ra vào bến cảng. Từ đây vật tư hàng hoá được vận chuyển theo đường đê lên đến tận huyện Khoái Châu hoặc xuôi xuống Lam Sơn, Hiến Nam... Cũng từ cảng, theo Quốc lộ 39, vật tư hàng hoá được chuyển tới nhiều huyện khác trong tỉnh.

Dưới sông, tàu thuyền đi lại như mắc cửi. Tiếng canô xình xịch, thả khói vào trời xanh mỗi khi rú còi. Những chiếc bè mảng trôi xuôi, cập bến, chở nặng tre, gỗ, nứa và củ nâu để bán cho cư dân nhuộm vải. Mùa cá mòi, thuyền nan nhiều như lá tre rơi, quây kín cả một khúc sông. Nhiều chiếc thuyền đinh trọng tải cỡ lớn chở chum, vại từ Thanh Hoá ra hoặc chở gốm sứ từ Bát Tràng xuống. Những chiếc thuyền gỗ mũi cong cong tỏa ra mùi sặc sụa của chượp hoặc mùi thơm lựng từ nước mắm do thuyền từ Nghệ An về cập cảng. Những chiếc ca nô ì ạch ngược dòng kéo theo những chiếc xà lan đầy ắp phân đạm, xi măng, than và đá hộc Kiện Khê, Ninh Bình phát tín hiệu vào cảng. Trên sông, những buồm cánh dơi xập xoè như những đàn bướm nâu, bướm trắng, tiếng rít lên ken két từ ròng rọc cột buồm để gạn gió ngược chiều, rồi lại căng phồng no gió đưa con thuyền lao về phía trước. Khi có tín hiệu báo bão, tất cả tàu thuyền đều neo đậu tại cảng, quần tụ bên nhau, vui như chợ nổi của cư dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Đêm xuống, tiếng cười nói, ánh lửa lập loè từ các đèn măng sông và đèn dầu hoả trên thuyền phát ra.

Cảnh bốc xếp hàng hoá diễn ra hết ngày này sang tháng khác. Đa phần nam nữ thanh niên và người trung tuổi có sức khoẻ làm chân bốc vác. Họ nâng vác trên vai những bao tạ, những tảng đá hộc, hoặc đội những thúng than đen, thật nhẹ nhàng... Số người bốc vác chuyên nghiệp này thuộc cư dân hai thôn Đoàn Kết và Thắng Lợi “cũ” và một số người thuộc làng Phượng Lâu, xã Ngọc Thanh...

Năm 1975, Bộ Thuỷ lợi thực hiện đề án khoa học: Nắn dòng sông Hồng (đoạn vòng cạp thúng ôm lấy bãi Cời thuộc hai xã Phú Cường và Hùng Cường) bằng cách bỏ mỏ kè cứng tại bến Giáng (Hà Tây cũ). Hơn chục năm sau, con sông Hồng ngoan ngoãn chảy thẳng xuôi dòng mé tỉnh Hà Nam. Đoạn sông qua cảng Dốc Lã rộng là thế, sâu là vậy, nay đã được bồi lắng, trở thành bãi trồng ngô, những trang trại trồng chuối ngút ngàn. Cửa khẩu đê Dốc Lã đóng mở vào mùa lũ, nay là con đường bê tông có đập đá kiên cố chạy thẳng sang xã Hùng Cường vào tận chợ Cời. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mỗi năm trung chuyển hàng vạn tấn hàng qua cảng, cảng Dốc Lã được nghỉ ngơi đã trở về quá vãng, để lại cho các thế hệ sau một câu chuyện về cảng Dốc Lã xưa.

Khu cảng Dốc Lã, thôn Tiền Thắng xưa, nay đã hình thành một con phố dài, nhà cao tầng mọc lên san sát biểu hiện của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công ty may Dốc Lã, Công ty may Bảo Hưng, Công ty thêu Hải Châu với hàng nghìn công nhân vào ca nhộn nhịp. Mé trong đê Dốc Lã được chỉnh trang tạo thành công viên hoa đẹp mắt. Chợ Dốc Lã từ sáng sớm đến cuối chiều nhộn nhịp kẻ bán người mua. Đầm sen Dốc Lã đã trở thành khu du lịch sinh thái. Vào đêm, hệ thống đèn cao áp lung linh ánh điện... 

Dốc Lã – Cảng xưa, nay hình thành nhiều trang trại trồng chuối, có hồ nước tưới cho cây cối hoa màu, như vẫy gọi du khách đến tham quan.

Đào Quang Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét