3 thg 10, 2017

Phủ Tương: Nhận diện miền du lịch

Một ngày thu nắng, hành trình đến với miền Tây xứ Nghệ, khi xe vừa đi qua miền Trà Lân lượn theo con đường hình cánh cung để chạm ngõ đất Phủ Tương, chợt nhớ tâm tư của ông Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương: “Huyện có không ít di tích, điểm đến, thắng cảnh. Rất nhiều người từng biết Phủ Tương là điểm khởi nguồn của dòng sông Lam, nơi có rừng săng lẻ cổ thụ hiếm hoi của cả nước... Tiếc lắm!”.

Cái “tiếc lắm” của vị Bí thư Huyện ủy Tương Dương chính là đến nay, huyện này vẫn chưa đủ điều kiện để tận dụng, khai thác đúng tiềm năng du lịch mà thiên nhiên đã ban tặng. Tôi không cho rằng mình biết hết, hiểu hết về mảnh đất có dòng Nậm Nơn chảy qua, dẫu vậy hẳn nhiều người sẽ chia sẻ với tôi điều mà người đứng đầu huyện Tương Dương đã trăn trở. 

Cổng phủ Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương 


Ai đã từng một lần dừng chân dưới tán rừng săng lẻ mới đủ “trực quan” để cảm nhận hết sức hấp dẫn, cuốn hút của cánh rừng với hàng ngàn gốc săng lẻ cổ thụ thẳng tắp như đang cố vươn ngọn vút cao để đón ánh sáng. Tại cánh rừng này mỗi năm đón hàng ngàn lượt du khách ghé thăm, đặc biệt là các nhóm phượt và những người trẻ tuổi. Người ta bàn tán về nó, nói về nó như một “kỳ quan” đặc biệt của miền Tây xứ Nghệ.

Nhưng nhiều người cũng tự hỏi, tại sao đến nay rừng săng lẻ trên đất Tam Đình này vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả cho hoạt động du lịch của huyện Tương Dương. Nhiều du khách đến đây rất muốn được khám phá, trải nghiệm và hòa vào nét hoang sơ của ngút ngàn cây rừng. Vậy nhưng cái thực tế gần như duy nhất của họ là: dừng xe, chụp ảnh, nghỉ ngơi chút ít rồi rời đi. Du khách muốn nhiều hơn thế. Thực ra lãnh đạo huyện Tương Dương cũng đã có ý tưởng đầu tư một hệ thống dịch vụ thân thiện để phục vụ du khách tại rừng săng lẻ.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, trong một lần gặp gỡ đã chia sẻ với chúng tôi rằng, trong Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020, huyện đã xác định rừng săng lẻ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong không gian du lịch của địa phương. Huyện cũng đã đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ tại vị trí cuối cánh rừng. Tất nhiên các công trình dịch vụ này mang yếu tố bản sắc của địa phương và thân thiện với môi trường. Ý tưởng trên nhận được sự đồng tình của các cơ quan, ban, ngành hữu quan, duy chỉ có Sở Xây dựng không “duyệt” với lý do ngại tác động, không an toàn, phá vỡ cảnh quan nguyên thủy...

Sắc hoa đậu đào trên bản làng Tương Dương. Ảnh: Đình Tuân 

Nhưng Tương Dương đâu chỉ có rừng săng lẻ. Đây còn là nơi khởi đầu của dòng Lam giang huyền thoại giàu trầm tích. Đó là khi dòng Nậm Nơn và dòng Nậm Mộ sau một hành trình mải miết trên đất nước Lào đã tìm đến mảnh đất Cửa Rào (xã Xá Lượng) để hòa vào nhau hình thành nên sông Cả, là một mạch nguồn tạo dựng nên một nền sản xuất, đời sống tinh thần đậm dấu ấn văn hóa xứ Nghệ. Đặc biệt ngay tại ngã ba sông có sự “ngự trị” của ngôi đền Vạn - Cửa Rào, nơi thờ danh tướng nhà Trần Đoàn Nhữ Hài, người có công lớn trong đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi và giúp nhân dân miền Tây Nghệ An ổn định cuộc sống. 

Những nết nhà sàn truyền thống ở bản cổ Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Hồ Phương 

Thế nhưng, thực tế là Tương Dương vẫn chưa có gì “ra tấm, ra món”. Ví như vì sao lại không xây dựng một loại hình du lịch trải nghiệm với sóng nước trên ngã ba sông, để được nghe tiếng pí, điệu khắp, điệu nhuôn của đồng bào Thái? Hoặc tham gia loại hình thể thao mạo hiểm đôi dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ? Nhận diện...

Nhận thấy tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói của địa phương, huyện Tương Dương đã xây dựng, ban hành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, xác định khai thác tài nguyên tự nhiên và nhân văn của địa phương trên cơ sở gắn với phát triển nền văn hóa mang đậm bản sắc các đồng bào dân tộc với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng...

Sau khi đề án được ban hành, Huyện đoàn Tương Dương đã “nổ phát súng” đầu tiên với việc huy động đoàn viên thanh niên ra quân trồng hơn 2.000 cây hoa đậu đào (hoặc đậu anh đào) tại khe Cớ thuộc bản Quang Phúc, xã Tam Đình. Từ lâu khe Cớ đã được biết là điểm đến hoang sơ với dòng suối mát lành rất phù hợp cho hoạt động khám phá, nghỉ dưỡng cho mọi thời điểm trong năm. Việc Huyện đoàn huy động đoàn viên thanh niên lên rừng gom cây đậu đào về trồng tại khe Cớ là cách tạo thêm sức hấp dẫn cho khu vực này.

Thiếu nữ Phủ Tương bên hoa đậu anh đào. Ảnh: Đình Tuân 

“Thị trấn hoa ban” - ý tưởng ấp ủ nhiều năm của lãnh đạo huyện Tương Dương cuối cùng cũng đã được thực hiện. Cho đến nay, trên địa bàn thị trấn Hòa Bình đã trồng được hơn 1.000 gốc ban ở khắp các tuyến đường. Chỉ vài năm nữa, người dân và du khách khi đến Phủ Tương sẽ được sống trong không gian của rực hồng của loài hoa mang đặc trưng riêng của đại ngàn vùng cao.

Rừng săng lẻ Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương 

Nhận diện về vùng du lịch Phủ Tương, ngoài các yếu tố thiên tạo, còn có những giá trị hiện sinh do chính bàn tay con người tạo nên. Tương Dương có đến 5 công trình thủy điện, trong đó lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố có nhiều yếu tố để khai thác hoạt động du lịch. Không gì thích thú hơn nếu được tham gia các tour du lịch trên lòng hồ xanh ngắt và cùng với ngư dân bản địa thả lưới, câu cá rồi chế biến thưởng thức chúng ngay giữa mênh mông sóng nước.

Lại nói về ẩm thực, mảnh đất thượng nguồn Lam giang không thiếu những thức món đặc trưng. Đó là măng đắng, cà ngọt, ớt rừng, gà đen, lợn nít, bò giàng, cá sông, lạp xưởng, nhọc... Mỗi loại, mỗi thứ khi thưởng thức lại mang hương vị riêng. Người ta có thể mua bò giàng của người Mông hoặc chọn lạp xưởng, lợn nít của đồng bào Thái, Khơ mú... Rất nhiều cơ hội để được thưởng thức vô số món ăn dân dã, giàu bản sắc khi đến với mảnh mảnh đất đặc biệt này. 

Bản Đình Thắng, xã Tam Đình, Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương 

Không chỉ có vậy, nhiều bản dân cư ở Tương Dương gần như “đi trước” cả lãnh đạo địa phương khi kịp “tiệm cận” với nhu cầu của du khách để đưa ra những sản phẩm do mình làm nên. Đó là những vùng rau an toàn được trồng theo phương pháp thủ công ở bản Phòng, bản Na Tổng (xã Thạch Giám). Tôi rất thích đến đây và mang về những rau dún, cà chua múi to, dưa rẫy, măng gộc và đặc biệt là xoài Tương Dương.

Như thế, có bao điều tuyệt vời thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất và con người ở nơi khởi nguồn của dòng Lam giang - Phủ Tương xưa và Tương Dương nay. Chỉ có điều để biến những tiềm năng ấy hiện hữu đến gần hơn với mọi người, thì Tương Dương cần nhiều hơn thế.

Chiếm tỷ lệ 17% diện tích toàn tỉnh với diện tích tự nhiên hơn 281.000km2, huyện Tương Dương nằm trong khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á. Trong tổng số 145.632 ha rừng hiện có, huyện có đến 144.204 ha rừng tự nhiên, 24.000ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát và 15.000 ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.

Rừng Tương Dương phong phú về chủng loại, từ rừng lá kim nhiệt đới đến rừng hỗn giao lá rộng, rừng kín, rừng lạnh nguyên sinh, rừng lùn...

Hệ thực vật ở huyện Tương Dương có 42 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, vùng đất Mật Châu xưa là nơi duy nhất ở Đông Nam Á có cánh rừng săng lẻ nguyên sinh có Quốc lộ 7A chạy xuyên qua với 241 ha rừng đặc dụng, trong đó có 53,85ha bảo vệ nghiêm ngặt. 

Đào Tuấn - Nhật Lân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét