Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Hưng Yên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Hưng Yên. Hiển thị tất cả bài đăng

5 thg 11, 2017

Hương thôn Cao

Hương thôn Cao nổi tiếng bởi có mùi thơm đặc trưng mà hương của các nơi khác không có được. Đó là mùi thơm nhẹ mà thanh, lan tỏa từ từ và để lại mùi thơm lâu. Chính vì vậy hương thôn Cao được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng và đến bây giờ sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chúng tôi có mặt tại cơ sở hương trầm Chúc Mai của gia đình anh Mai Văn Chúc vào một ngày nắng đẹp. Ngay từ sáng sớm, những người thợ đã có mặt tại xưởng để khẩn trương cho ra lò những nén hương, vòng hương mới kịp đón tia nắng đầu tiên trong ngày. Thời tiết nắng hanh là thời tiết “vàng” của người làm hương. Hương sau khi se mà phơi “được” nắng thì không chỉ khiến người làm hương đỡ vất vả mà nén hương làm ra cũng có chất lượng tốt hơn. Mặc dù thời tiết rất quan trọng đối với nghề làm hương nhưng quyết định đến chất lượng hương thì ngay từ công đoạn lựa chọn, pha chế nguyên liệu, hương liệu đòi hỏi người chủ phải rất cầu kỳ, tinh tế mới có thể cho ra được sản phẩm vừa có mùi thơm lại vừa bảo đảm độ cháy tốt. Nguyên liệu làm hương chủ yếu là các loại thảo mộc như: trầm, ngâu, huỳnh đàn, hồi, quế, thục, tùng, trắc, nhục đậu... nhưng mỗi cơ sở làm nghề lại có cách sáng tạo riêng để tạo ra mùi hương đặc trưng cho sản phẩm hương của mình. Mỗi mẻ hương làm ra, người chủ phải cẩn thận đốt thử để kiểm tra độ bén lửa, độ cháy và mùi thơm của hương. Anh Mai Văn Chúc, chủ cơ sở sản xuất hương Chúc Mai tâm sự: “Để khẳng định uy tín, chất lượng trong từng sản phẩm của mình, chúng tôi đã không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm và cẩn thận lựa chọn các loại nguyên liệu an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe để sản xuất. Nguyên liệu làm hương được lấy các hương liệu tự nhiên. Ngay cả keo dùng để kết dính nguyên liệu tạo hình cho nén hương, vòng hương cũng được làm từ các nguyên liệu tự nhiên nhằm an toàn cho người sản xuất và người sử dụng”. 

Nghề làm hương ở thôn Cao, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) 

Thăng trầm nghề mứt táo Phương Chiểu

Trước đây ngay từ tháng 10, các lò làm mứt táo ở xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên đã bắt đầu “đỏ lửa”. Càng gần đến ngày Tết, không khí làng nghề làm mứt càng nhộn nhịp.Hiện nay, trước sự biến động của thị trường, nghề làm mứt táo Phương Chiểu đang đứng trước nguy cơ mai một.

Làm mứt táo tuy không phải là nghề truyền thống của người dân xã Phương Chiểu nhưng lại là nghề đem lại thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương lúc nông nhàn. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số người dân xã Phương Chiểu di chuyển vào miền Nam bán hoa, cây cảnh để kiếm sống và họ học được nghề làm mứt táo. Ban đầu, họ chỉ làm thuê cho các cơ sở chế biến mứt táo tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thấy nghề này dễ làm mà địa phương mình lại sẵn có nguồn nguyên liệu nên sau thời gian học hỏi tích lũy kinh nghiệm, họ về quê, đầu tư làm “lò” chế biến mứt táo. Mứt táo được chế biến theo mùa vụ, thông thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán, không khí làng nghề ngày càng nhộn nhịp.

Chế biến mứt táo ở Phương Chiểu 

29 thg 10, 2017

Dốc Lã - Cảng xưa

Cảng Dốc Lã thuộc thôn Tiền Thắng, xã Bảo Khê. Năm 2004, xã Bảo Khê từ huyện Kim Động sáp nhập vào thị xã Hưng Yên nay là thành phố Hưng Yên. 

Địa danh Dốc Lã có từ lâu đời, cái tên đó đã in sâu vào trí nhớ của nhiều người, tồn tại theo thời gian, chảy trôi theo dòng lịch sử: Theo lịch sử Đảng bộ huyện Kim Động, có ghi: “Ngày 30.7.1954, Pháp rút quân khỏi bốt Dốc Lã”. Đây là một bốt lớn, thường xuyên có 200 quân đồn trú. Bốt nằm án ngữ cạnh sông Hồng, giáp quốc lộ 39A, đoạn lên dốc gọi là Dốc Lã - một vị trí quân sự trọng yếu của địch. Năm 1956 – 1957, thực hiện chủ trương hàn gắn vết thương chiến tranh, tỉnh đã chọn chân đê bốt Dốc Lã (mé bờ sông) làm bến xếp dỡ hàng hoá. Vào những năm 1960 -1962 chính thức thành lập cảng Dốc Lã trên cơ sở bến xếp dỡ cũ, với diện tích gần 2 ha thôn Tiền Thắng và một phần diện tích làng Phượng Lâu (xã Ngọc Thanh). Đoạn sông Hồng qua cảng là đoạn sông khá rộng, nước sâu nên người ta còn gọi là cảng sông Cái. Bến sông nơi đây thẳng đứng nên nhiều tàu thuyền trọng tải cỡ lớn cập bến dễ dàng. Từ mạn tàu lên bờ chỉ cần lao qua tấm ván gỗ dài vài sải tay là người lên xuống bốc dỡ thuận tiện và an toàn. Tính đến tháng 3.1964 các Ty Giao thông, Thuỷ lợi và Thương nghiệp tỉnh Hưng Yên đều đã có kho hàng tại cảng Dốc Lã. 


Trang trại trên đất cảng xưa Ảnh: Nguyễn Thanh