20 thg 1, 2023

Về vùng đất khoa bảng Cổ Định xưa

Cổ Định xưa, thị trấn Nưa (Triệu Sơn) ngày nay là vùng đất cổ có cư dân sinh sống từ thời Hùng Vương. Ở nơi này, bất kể đứa trẻ nào sinh ra cũng được nghe tiếng ru: “Ai vô Thanh Hóa tỉnh Thanh. Dừng chân nhớ Triệu Thị Trinh anh hùng”, nhớ lời kêu gọi của Tán tương quân vụ Lê Ngọc Toản trong Hịch Cần Vương: “Sông Lãng, núi Na xung khí uất/ Tĩnh Gia, Nông Cống rược căm thù”. Truyền thống ấy đã nhắc nhở mỗi người dân về tinh thần yêu nước, lòng hiếu học và ý chí vươn lên.

Kiến trúc độc đảo thời Lê - Nguyễn của Nghè Giáp (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn).

Từ vùng đất cổ

Ngược dòng lịch sử, Bách khoa toàn thư, Lịch sử Thanh Hóa tập 1, Dư địa chí huyện Triệu Sơn, khẳng định: Vùng đất Kẻ Nưa xuất hiện từ thời Hùng Vương, bằng chứng là trong quá trình khảo cổ người ta đã tìm thấy những ngôi mộ cổ có tượng chim bằng đồng, cùng thời với tượng chim tìm thấy ở Cổ Loa. Đến thời Bắc thuộc (618-906), do việc sắp xếp các đơn vị hành chính và phân chia châu, quận, Kẻ Nưa được đổi thành Cổ Na (vì có núi Na). Dù sau đó có nhiều lần chia tách, sáp nhập, từ tên hương Cổ Na, giáp Cổ Na, hương Cổ Ninh, Cổ Định rồi Tân Ninh và ngày nay là thị trấn Nưa thì nhìn chung nơi đây vẫn là một đơn vị hành chính với những lời ăn, tiếng nói, tập quán sinh hoạt, hình thành từ văn hóa làng. Hương ước làng Cổ Định ghi rõ: “Làng Cổ Định vốn là một khối thống nhất từ xưa do 10 vị tiên công khai phá đất đai dựng lên làng mạc, không có điền địa ranh giới riêng lẻ, sống hỗn cư, hỗn canh, cùng một tập quán, phong tục. Làng có 5 khu, 10 xóm đều sử dụng chung một hương ước của làng”.

Di tích quốc gia đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ, một trong 2 người con của làng Cổ Định có tên trong bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ngoài ra, nhắc đến Cổ Định không thể không nhắc tới chuyện ông Nưa mà hiện thân là ngọn núi Nưa. Ông là người khổng lồ về sức khỏe và ý chí. Câu “Núi Quảy, sông Cày” truyền tụng trong dân chỉ những hòn đất ông Nưa gánh, nay thành các hòn núi sót và các đường cày thành các con sông tự nhiên trong vùng (theo Hoàng Anh Nhân, Tuyển tập văn hóa dân gian Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa, 2015). Đây còn là vùng đất có núi Na huyền thoại và huyền bí, có dòng Lãng giang thơ mộng. Vì thế mà các tác giả từ Nguyễn Dữ, Nguyễn Thượng Hiền, Cao Bá Đạt đều có những bài thơ đặc sắc về núi Nưa. Bên cạnh đó, chúng ta dễ dàng tìm thấy dấu ấn của đạo Phật, đạo Nho, đạo Giáo, đạo Thiên Chúa cùng song song tồn tại và phát triển. Một làng có tới 9 ngôi chùa, có 20 di tích trong đó có 2 di tích lịch sử văn hóa quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh đủ thấy văn hóa tín ngưỡng xưa trên đất Kẻ Nưa - Cổ Định phát triển phong phú thế nào.

Đến thăm gia đình ông Hứa Như Lơn và bà Hứa Thị Sen, chúng tôi không chỉ được ngắm nhìn ngôi nhà cổ gần 180 năm tuổi, có từ năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), mà còn được nghe hai ông bà nói tiếng “Cổ Đệnh”. Hơn 80 tuổi, giọng ông vẫn rất “lanh”, nhưng vì ngại người lạ mà ông sử dụng tiếng phổ thông: “Chúng tôi may mắn sinh ra ở nơi vùng quê này, hít thở không khí làng, uống nước làng, nói giọng người làng nên có sức khỏe. Giờ đây chỉ còn 2 ông bà ở nhà, các con cháu đều có công ăn việc làm ở Hà Nội rồi ở TP Thanh Hóa nên đời sống khá giả. Dù đi xa con cháu về đây vẫn chỉ nói chuyện với nhau bằng giọng quê mình”.

Đến tinh thần hiếu học

Xung quanh những tên đất, tên người, tên xóm, tên làng ở thị trấn Nưa ngày nay là sự kết nối những trang sử về quê hương, đất nước. Ở đó gắn liền với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tinh thần hiếu học, lòng yêu nước của người dân. Câu ca: “Văn chương Cổ Định, Cổ Đôi (nay thuộc xã Hoàng Giang, Nông Cống)” phần nào nói lên tiếng tăm của vùng đất học này. Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có 206 người đỗ đại khoa, trong đó làng Cổ Định có 9 người. Đó là Lê Thân, một người thông minh, tài trí, năm 10 tuổi đã làu làu kinh sử, năm 18 tuổi thi hương đỗ đầu. Ông là khai khoa của huyện đỗ vào bậc tam khôi; là Doãn Bằng Hải, Doãn Đình Tá, Lê Bật Tứ, Lê Nhân Kiệt... Trong đó, căn cứ vào văn bia “Phụ minh tịnh ký” tại đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ, dòng họ còn có 4 người đỗ tiến sĩ. Riêng Lê Thân, Lê Duy, Lê Bật Tứ được chính sử, các sách khoa bảng ghi chép, 2 người còn lại được dòng họ ghi chép trong văn bia và gia phả. Rất vinh dự, nơi đây đã sinh ra 2 tiến sĩ được lưu danh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Lê Nhân Kiệt và Lê Bật Tứ. Ngoài ra, làng Cổ Định còn có nhiều nho sĩ thi đỗ hương cống (dưới triều Lê Trung hưng), cử nhân (dưới triều Nguyễn).

Từ thời kỳ cách mạng đến nay, có nhiều người đỗ đạt, học hành trở thành cán bộ cao cấp phục vụ cách mạng và quân đội. Ngày nay nhiều người đã trở thành những nhà nghiên cứu khoa học, trong đó có 6 giáo sư đầu ngành; 3 vị tướng lĩnh; những doanh nhân phát triển kinh tế cho gia đình, cho cộng đồng và xã hội. Điều đặc biệt là từ năm 1923, trên mảnh đất này đã có Trường Sơ đẳng Pháp Việt Cổ Định với 3 lớp đồng ấu, đệ nhất, đệ nhị, là một trong những ngôi trường ra đời sớm của tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1950 tại đây đã có trường THCS. Hằng năm trên địa bàn có ít nhất 60 học sinh đỗ đại học, thậm chí là thủ khoa đại học, nhiều em là thủ khoa đầu vào của các trường THPT, nhiều em hiện đang học Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Bên cạnh Trường Tiểu học Tân Ninh khang trang là Trường Sơ đẳng Pháp Việt Cổ Định có cách đây gần 100 năm.

Ông Lê Đình Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Nưa khẳng định: “Vùng đất này không chỉ thực hiện sứ mệnh giáo dục mà còn tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, là chiếc nôi truyền bá và hoạt động cách mạng của huyện và tỉnh. Từ truyền thống đó, các gia đình đều đề cao sự học...”.

Trong “Địa chí huyện Triệu Sơn” có ghi bài thơ “Ba con cùng đậu” viết về gia đình ông Lê Duy Đàn ở làng Cổ Định có 3 người con cùng đi thi và cùng đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) đời vua Trần Anh Tông là Lê Thân, Lê Duy Xử, Lê Duy Triết. Và đến nay, khi nhắc về truyền thống hiếu học, không thể không kể chuyện 2 bố con anh Lê Văn Sơn, công chức văn hóa xã cùng đi học một lớp đại học, cùng tốt nghiệp một ngày. Thường người ta chỉ đi học ở độ tuổi trên dưới 20 nhưng với một người gần 50 tuổi, quyết định thi đại học hệ chính quy là điều không dễ. Sau 4 năm, năm 2015, 2 bố con anh cùng tốt nghiệp Đại học Văn hóa, khoa Quản lý văn hóa. “Nhà có 4 người, vợ tôi một mình nuôi 3 bố con học đại học, vất vả lắm. Tôi đi học vì thích học, vì thấy sự học là quan trọng”, anh Lê Văn Sơn cho biết. Câu chuyện ấy không chỉ nhắc nhớ mà còn khẳng định rằng truyền thống hiếu học ở vùng đất này vẫn còn lan tỏa, và phát triển.

Vùng đất địa linh sinh ra nhân kiệt, tuy vậy, để giữ gìn được truyền thống ấy, ngoài nội lực tự thân của mỗi người, còn có sự hun đúc bồi dưỡng của gia đình, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ của các tổ chức xã hội. Tiếp xúc với từng người dân, một điều tôi thấy rất rõ bên cạnh niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ trong việc khôi phục bảo tồn, phát huy truyền thống, lịch sử địa phương góp phần quan trọng vào việc xây dựng quê hương Cổ Định xưa, thị trấn Nưa hôm nay ngày một phát triển hơn.

Bài và ảnh: CHI ANH

*Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Tân Ninh” (NXB Thanh Hóa, 2017).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét