20 thg 1, 2023

Đình Miễu Nhị ở xã Liên Lộc

Nằm cách TP Thanh Hóa gần 30 km, làng Miễu Nhị xưa kia thuộc tổng Liên Cừ, huyện Phong Lộc, phủ Hà Trung (nay thuộc xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc). Là vùng đất cổ nằm giữa những nền văn hóa khảo cổ lớn của thời đại đá mới như di chỉ Gò Trũng, xã Tuy Lộc và nền văn hóa đồng thau - văn hóa Hoa Lộc đặc sắc, Liên Lộc ngày nay vẫn còn giữ được những nét đẹp riêng có.

Nét cổ kính của đình Miễu Nhị, xã Liên Lộc (Hậu Lộc).

Từ truyền thống...

Ngay từ đầu làng, hỏi thăm vào đình (nghè) Miễu Nhị (nay là thôn 1), một người phụ nữ chừng ngoài 60 tuổi hồ hởi dẫn chúng tôi đến tận nơi. Bà nói: Cô vào đó, hỏi ông Huệ trông coi đền là biết mọi thông tin.

Ông Nguyễn Xuân Huệ, 73 tuổi, cho biết, lớp chúng tôi được lớn lên với sự hiện diện của ngôi đình vững chãi che chắn bảo vệ cho mọi người dân. Nhưng thật tiếc là nguồn tài liệu ghi chép về dựng đình bị thất lạc, việc xác định thời gian xây dựng đình còn phải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để bổ sung. Dấu ấn kiến trúc đặc sắc còn lại trên bộ khung gỗ của đình khá nguyên vẹn, điều đó cũng phần nào nói lên được niên đại của ngôi đình được xây dựng dưới thời Lê. Còn thượng lương ghi chép về niên đại trùng tu ngôi đình là vào năm Thành Thái thứ 7 (tức năm 1895, triều Nguyễn).

Theo một số tài liệu, cũng như lời kể của những cụ cao niên trong làng, đình Miễu Nhị là nơi thờ Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan. Nguồn tài liệu để xác định nhân vật được thờ là bức thần vị được ghi bằng chữ Hán ở đình. Qua bức thần vị trên và đối chiếu nguồn tư liệu trong chính sử, Nguyên phi Ỷ Lan ngoài việc tham gia triều chính, bà còn là người sùng đạo Phật. Vì thế, khi bà mất (năm Đinh Dậu, 1117), người dân khắp nơi đã thờ phụng, trong đó Nhân dân làng Miễu Nhị tôn thờ bà làm Thành Hoàng làng.

Trải qua hàng trăm năm, cổng đình phía ngoài, chiếc giếng cũ và bức bình phong của ngôi đình vẫn giữ được nét độc đáo, vững chãi. Kiến trúc của ngôi đình được bố cục theo hình chữ đinh. Đặc biệt, ngôi đình có hai lớp cổng: Phía trong là cổng đình được kiến trúc theo kiểu tam quan của một ngôi chùa, thiết kế gồm hai tầng mái, theo kiểu chồng diêm, bằng chất liệu vôi vữa, ngói ống và mái cong. Phía ngoài là cổng đình xưa được xây bằng chất liệu vôi vữa và trang trí các hình con giống. Trên bề mặt được đắp nối những câu đối bằng chữ Hán. Do thời gian lâu ngày nên những câu đối này bị mờ gần hết chỉ còn lại một số chữ. Giữa cổng đình là bức bình phong được đắp nối hình hoa lá cúc nổi. Không có những nét hoa văn chạm khắc mang tính nghệ thuật cao, nhưng đình Miễu Nhị có kỹ thuật tạo dáng cùng với quy mô kiến trúc bề thế, được xem là một công trình tiêu biểu về một kiểu “kiến trúc địa phương” (kiến trúc vùng) thời Lê ở Thanh Hóa.

Vẫn còn nguyên cảm giác tiếc nuối, ông Huệ chia sẻ: Đình Miễu Nhị là địa điểm chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Chính tại đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là nơi các chiến sĩ, các nhà hoạt động cách mạng trú tạm mỗi khi chiến đấu ở mặt trận Phát Diệm, Ninh Bình trở về.

Mang trong mình dấu ấn của thời gian, những nét rêu phong trên từng cột đá, những dòng chữ Hán ngày càng mờ và vỡ nứt nhưng đình Miễu Nhị vẫn tồn tại như một chứng nhân của lịch sử đến ngày nay.

... Đến hiện tại

Trải qua thời gian, rất nhiều đồ gỗ, gạch, ngói trong đình bị phá dỡ để xây dựng các công trình khác. Hầu hết các hiện vật cổ có thể di chuyển được như lộc bình, lư hương, trống, chiêng... đều bị mất. Tuy vậy, đình Miễu Nhị còn lưu giữ được một số hiện vật quý như: pho tượng Nguyên phi Ỷ Lan, một bài vị cổ gồm 350 chữ Hán; ba bát hương bằng đá, gốm; một khánh đá, hai chuông đồng; năm đĩa gốm thời Lê - Nguyễn... Vừa giới thiệu về ngôi đình, ông Nguyễn Xuân Huệ vừa dẫn chúng tôi tham quan giếng nước vuông trong xanh, được các cụ xưa tính toán lát ván lim ở dưới, đá xếp xung quanh để có được nguồn nước ngọt trong.

“Nước giếng nghè, chè vườn thượng” để nói về giếng nước ngọt trong của làng Miễu Nhị xưa (thôn 1, xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc nay).

Và cách đây vừa tròn 1 tháng, thôn 1 vinh dự được công nhận thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Phát huy truyền thống của quê hương, đoàn kết trong lao động, sản xuất, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động; xây dựng đời sống kinh tế văn hóa... Những năm qua, đặc biệt năm 2021-2022, thôn có 98% gia đình văn hóa, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 69 triệu đồng. “Là thôn đầu tiên của xã được huyện công nhận là thôn NTM kiểu mẫu, chúng tôi thực sự tự hào. Ngoài sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, thì người dân trong thôn đã đoàn kết đóng góp hơn 2 tỷ đồng nâng cấp các tuyến đường, rãnh thoát nước khu dân cư, xây dựng sân thể thao, nâng cấp đường điện sáng...”, bà Đào Thị Nghị, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn 1, chia sẻ.

“Chỉ trong vài năm, thôn 1, xã Liên Lộc đã có những sự đổi thay rất lớn. Với 178 hộ/601 khẩu, ngoài làm nông nghiệp, bà con Nhân dân đã chuyển đổi cơ cấu lao động, trong thôn có hơn 30 người đi xuất khẩu lao động chủ yếu ở thị trường Dubai (Ả Rập), Nhật Bản, Hàn Quốc, có 14 hộ làm kinh tế trang trại, hơn 30 hộ kinh doanh dịch vụ. Tuy vậy, điều đáng mừng là bên cạnh sự phát triển về đời sống kinh tế, Nhân dân thôn 1 vẫn giữ được những giá trị truyền thống. Hàng năm, vào ngày lễ cầu phúc 10-2 âm lịch; ngày sinh và ngày mất của Nguyên phi Ỷ Lan, Nhân dân trong làng thường tổ chức tế lễ, rước kiệu, ca hát để tưởng nhớ công đức của “Mẫu nghi thiên hạ”. Ngoài ra, vào thời khắc giao thừa, thôn sẽ tổ chức tế nữ quan và mời một người nam xông đình để cầu mong năm mới tốt lành sẽ đến với người dân”, anh Nguyễn Đình Nhược, trưởng thôn, cho biết.

Trong xây dựng NTM của huyện, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là quan trọng và cần thiết. Ông Lý Bách Chiến, Chủ tịch UBND xã Liên Lộc nói: “Thời gian qua, đình Miễu Nhị đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh về việc tu bổ, trùng tu các hạng mục đã bị xuống cấp. Năm 2017, do kinh phí hạn hẹp không đủ để làm nhiều hạng mục nên chúng tôi chỉ tôn tạo được nhà hậu cung. Tuy vậy, thật vui là UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành văn bản số về lập phương án chi tiết bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lịch sử đình Miễu Nhị và sẽ thực hiện vào đầu năm 2023”.

Bài và ảnh: CHI ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét