11 thg 1, 2023

Bến Đò Cung

Từ thuở hồng hoang, Lam giang đã ba phía ôm ấp Cát Ngạn. Sông tưới tắm ruộng đồng. Sông gom góp những doi cát vàng óng ả. Sông dâng tặng vô vàn tôm cá. Sông đắp bồi lớp lớp phù sa,...

Sông làm giàu cho đất lành bốn mùa hoa trái nhưng sông cũng bó buộc con người vào thế bất tiện giao thương. Từ quê đi ra có đến bốn bến đò. Đi muôn nơi về đến quê, vẫn thấp thỏm tối trời, lo “sẩy chuyến đò”. Nặng lòng câu “sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua,”...

Lấy “trang sách làm cánh buồm”(1), đất tứ tắc chắt chiu sinh thành, dưỡng dục nhiều sĩ tử, nhiều ông Cử, ông Nghè, Thám hoa(2), nhiều anh hùng (3) làm rạng danh “đất Cát”.

Hoạt động tại bến Đò Cung. Ảnh: Tiến Đông

Đò Cung nhẫn nại đưa sản phẩm nhà quê vùng hữu ngạn đến với chợ Lường, chợ Hôm, chợ Điếm, chợ Tràng,... Đò chở hàng thiết yếu từ Đô Lương về chợ 3-2, chợ Chùa, chợ Cồn bán lẻ. Ngày hè nắng cháy quắt bờ đê. Tháng Chạp rét cong đòn gánh. Bình minh đến sớm. Hoàng hôn về muộn. Tinh mơ đã hối hả, người xe tấp nập, con bế con bồng, kĩu kịt gánh gồng cho kịp chuyến. Đêm khuya, bến vắng vẫn khắc khoải tiếng “đò ơi”,...

Bến sông này, từng nhộn nhịp nhãn, bưởi, chè xanh, trầu cau, gừng cay, muối mặn,...Sông yên bình vỗ về, nâng những cánh buồm no gió. Sáo diều du dương, dìu dặt. Gió mát trăng thanh, giận thương câu ví đò đưa khoan nhặt, nối tình người xuôi – ngược mặn mòi.

***

Từ tối tăm nô lệ, những năm đầu thế kỷ XX, trong gánh trầu quế bến quê, Trần Thị Tuyết khéo léo dấu từng bó truyền đơn, lặng lẽ chuyền tay nhau trong hy vọng,... Bao dân cày khấp khởi lắng nghe từng lời diễn thuyết của Trần Hữu Doánh mà nhen nhóm niềm tin. Bao chuyến đò đã chở Phan Bội Châu, Trần Phú, Hà Huy Tập, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Chu Văn Biên,... đến với miền quê Cát Ngạn để “gieo mầm”?

Khúc sông bên bồi bên lở. Bên này, trai Cát Ngạn cả gan với gậy tre, giáo mác đánh bại bọn Tây đoan súng ống đầy mình. Bên kia, dịu dàng gái Đô Lương hiền thục, nghề tằm tang, canh cửi. Cát Ngạn – Đô Lương đôi bờ cách trở. Sông êm đềm, lả lơi, dào dạt. Bao chuyến đò nên nghĩa, nên quen. Bịn rịn mối tình hai quê, sắt son lời thề hẹn ước. Cách sông không cách mặt, xa lòng.

Ngày 1/9 năm Ba Mươi. Sông đỏ ngầu, gầm lên giận dữ. Lớp lớp nông dân chân trần áo vải, vai kề vai, đi biểu tình, phá huyện đường phong kiến. Thế Dân như nước dòng Lam. Súng đạn, xiềng gông không ngăn nổi thác đổ, triều dâng.

“Những năm bom Mỹ rơi trên mái nhà”(4), dưới pháo sáng quân thù, đất mẹ rưng rưng, chuyền tay nhau, nâng giấc những người con từ chiến trường trở về Quân y Viện IV. Nhà chật, lòng không chật, “cá, nước” cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi,...

***

Sông là Mẹ. Sông là Quê. Đi xa chân trời góc bể vẫn da diết nhớ về bến sông hò hẹn. Thuyền máy thay mái chèo tay. Bến nước nhộn nhịp, xôn xao. Vẫn đau đáu ước ao quê mình hội nhập với muôn nơi. Đổi mới - Hội nhập. Đất Nước chuyển mình, rộn rã những công trình xây dựng. Dân quê thấp thỏm, chờ mong có cây cầu để nối những bờ vui.

Cầu Cung sẽ được xây dựng. Ảnh minh họa

Hôm nay, búa máy vang động dòng Lam. 10 nhịp cầu cứng sẽ bắc qua sông – tự ngàn đời tưởng chừng chỉ trong ao ước. Sẽ tạm biệt con đò lặn ngụp bến sông, ngạo nghễ vươn cao trên dòng Lam, hàng hóa sẽ ngược xuôi muôn ngả. Người hát quyện sông reo, mừng ngày sang trang Đất nước, Quê hương đổi mới.
------------------

(1): Ý của Nguyễn Sĩ Đại.
(2): Cụ Nghè Nguyễn Thế Bình, Thám hoa Nguyễn Ngọc Dật.
(3): Các Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền, Trần Kim Cầu, Nguyễn Ngọc Độ, Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài.
(4): Ý thơ Trần Đăng Khoa.

Đặng Anh Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét