29 thg 1, 2023

Những món ăn đậm vị Tết ở huyện miền núi Tiên Yên, Quảng Ninh

Nằm ở cửa ngõ miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, Tiên Yên là nơi hội tụ những dòng sông, cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, thơ mộng. Đặc biệt, nơi đây lưu giữ nét văn hóa riêng có của các dân tộc thiểu số, được lưu giữ qua nhiều đời. Trong đó ẩm thực ngày Tết ở Tiên Yên cũng vô cùng đa dạng và độc đáo.

Gà Tiên Yên

Theo công bố của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, gà Tiên Yên là 1 trong 50 món ăn đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Ảnh: Đoàn Hưng

Ngọt thơm, thịt chắc, giòn mà không dai trong khi thớ thịt vẫn giữ được độ béo, ẩm ngậy mà không hề bị ngấy - đó có lẽ là những từ ngữ phù hợp nhất để mô tả về hương vị của gà Tiên Yên.

Gà Tiên Yên thuộc giống gà đồi, dưới mỏ của gà mái có 1 túm lông dài hết sức đặc trưng và được nuôi theo cách thả rông.

Bánh gật gù

Bánh Gật Gù làm như bánh phở nhưng cuộn tròn. Ảnh: Đoàn Hưng

Bánh gật gù được người dân Tiên Yên làm thủ công từ loại gạo đặc trưng trong vùng. Để có được mẻ bánh ngon, người làm bánh cần ngâm gạo qua đêm, chờ ráo nước rồi mới đem xay thành bột. Đặc biệt, muốn chiếc bánh có độ xốp, dẻo, người dân thường cho thêm cơm nguội.

Sở dĩ cái tên “gật gù” là vì khi cầm trên tay, miếng bánh lắc lư, gật lên gật xuống rất thú vị. Ảnh: Đoàn Hưng

Bánh chưng cơm lông

Để làm bánh ngon, người Tày dùng gạo nếp nương ngon nhất, hạt tròn, mẩy, thơm ngon; thịt lợn ba chỉ và quan trọng nhất là lá cơm lông xay nhuyễn, rắc xen kẽ giữa lớp gạo. Bánh được gói chặt tay, hình trụ tròn 2 đầu, rồi luộc từ 10 - 12 tiếng.

Bánh Tày rền, có vị thơm bùi của lá cơm lông, gạo nếp nhuyễn cùng vị ngậy của thịt mỡ, tạo nên hương vị riêng có. Đặc biệt, khi cắt ra để ăn, nhân bánh có màu đỏ tía rất đẹp mắt. Từng khoanh bánh tròn được bày trên mâm như những bông hoa nhiều màu.

Khâu nhục


Trong mâm cỗ của người dân huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) bao giờ cũng có món khâu nhục. Không ai biết món khâu nhục có từ khi nào. Chỉ biết rằng, "Khâu" có nghĩa là "hấp đến mềm rục", còn chữ "nhục" có nghĩa là "thịt", do đó “khâu nhục” có thể hiểu là "Thịt được hấp rục" hay “thịt được hấp đến chín nhừ”.

Đây là một món ăn cần có sự chế biến rất cầu kỳ. Đầu tiên, người ta mang thịt đi luộc chín kỹ, sau đó dùng que tre vót nhọn châm vào lớp bì cho phần nước chảy ra hết. Thịt sẽ được treo cho ráo nước, rồi lấy mật ong phết lên mặt miếng thịt, đậm hơn vào lớp bì. Sau đó, mang thịt đi chiên trong dầu ăn đến khi thịt chuyển màu vàng ươm, rồi bỏ ra thái thành những miếng đều nhau, dày khoảng 1,5 cm và dài khoảng 10 cm. Tiếp đó, thịt sẽ được ướp trong măng tre, tỏi khô cùng nước mắm, bột ngọt, bột hoa hồi.

Trong các thành phần gia vị thì mật ong giúp cho miếng thịt đẹp hơn; mộc nhĩ, măng rừng để cho món thịt thêm giòn; bột húng lìu, hoa hồi giúp món ăn đỡ ngấy lại có mùi đặc trưng. Cuối cùng, xếp các miếng thịt đã ướp vào bát, sau đó đưa vào hấp cách thủy gần hai tiếng đồng hồ là hoàn thành.Ảnh: Đoàn Hưng

Bánh gio

Bánh gio Tiên Yên cũng được làm với các công đoạn như mọi nơi, chỉ khác ở phần nguyên liệu làm nước ngâm gạo. Ở đây, nước ngâm gạo được lấy từ tro của cây dền gai, rơm lúa nếp, vỏ bưởi và một số cây ở vùng biển Tiên Yên hoà với nước vôi trong theo một tỉ lệ nhất định sao cho bánh có màu hổ phách, phảng phất hương vôi, ngọt thơm mát, nuột nà.

Gạo ngâm xong được vớt ra, dội sạch bằng nước mưa hoặc nước giếng khơi, để cho ráo mới đem gói. Lá gói bánh thường là lá dong hoặc lá chuối hột.

Bánh chín khi bóc ra đụng tay vào thấy núng nính mềm mại như khối thạch. Bánh gio đem chấm với mật mía là hợp nhất. Ảnh: Đoàn Hưng

Những món ăn đậm vị Tết ở Tiên Yên đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của vùng đất Quảng Ninh. Trong cái se lạnh của những ngày đầu xuân mới, ghé thăm những thôn bản núi rừng, thưởng thức món đặc sản của bà con vùng cao Tiên Yên, bạn sẽ thêm yêu vùng đất và con người nơi đây.

Đoàn Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét