24 thg 1, 2023

Nhộn nhịp phiên chợ đặc biệt nơi biên giới Việt - Lào ngày cuối năm

Chợ Nậm Cắn, còn được gọi là chợ Đoàn Kết, nằm gần Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Trước đây, chợ chỉ họp một tháng 2 lần vào các ngày 15 và 30 dương lịch hàng tháng. Để tăng cường giao lưu giữa hai nước, năm 2018, chính quyền hai tỉnh vùng biên Việt Nam là Nghệ An và Xiêng Khoảng (Lào) đã tăng phiên chợ biên tới 4 lần/tháng, vào các Chủ nhật hàng tuần.

Chợ biên giới Việt - Lào nhộn nhịp những ngày cuối năm Âm lịch.

Từ thành phố Vinh, để đến được chợ Đoàn Kết có hai con đường là quốc lộ 7 và quốc lộ 16.

Chợ phiên Nậm Cắn là nơi giao lưu văn hóa của các đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú. Các sản vật, trang phục, vật dụng... đều được bà con dân bản mang ra trao đổi, mua bán.

Khu chợ được bày bán với đủ loại hàng hóa.

Điều đặc biệt nhất ở khu chợ vùng biên chính là những sản vật được cư dân nơi biên giới thu hái từ chính vùng núi non kỳ vĩ này.

Chợ phiên còn đặc sắc bởi gian hàng ẩm thực của người Lào. Mọi người đều dùng tay để vắt xôi, xé thịt gà nướng và trộn một ít rau rừng chấm với nước tương đỏ cay. Nếu đến đây mà không thưởng thức món gà đen nướng, uống chén rượu ngô hay bia Lào thì thật đáng tiếc.

Thịt lợn đen nướng - món đặc sản không thể thiếu ở khu chợ Đoàn Kết.

Ngày nay, chợ phiên không chỉ hoạt động giao thương buôn bán mà còn là nơi giao lưu, tô thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào. Có những người vượt hàng chục km đường rừng đến chợ chỉ để giao lưu bè bạn, người thân bên kia biên giới. Sau phiên chợ vùng biên, tình đoàn kết anh em đồng bào hai nước càng thêm gắn chặt.

Anh Nguyễn Bằng, trú ở thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, Nghệ An - cho biết, sau hơn 2 năm chờ đợi, nay biên giới hai nước thông hành, khu chợ mở trở lại đã thu hút đông đảo người dân tới mua sắm.

"Khi nghe tin những ngày cuối năm chợ biên giới mở phiên phục vụ du khách hai nước nên tôi và một số người bạn ở thành phố Vinh đã lên lịch trình đi chợ này một lần cho biết. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến khu chợ Đoàn Kết này và cảm thấy mọi thứ ở đây đều tuyệt", anh Bằng chia sẻ.

Đặc biệt, món lòng nướng, gà đen quay được nhiều người lựa chọn mỗi khi đến phiên chợ này.

Rau cải Lào - một loại rau bà con nhân dân Noọng Hét, Xiêng Khoảng trồng trong các khu rừng giáp biên giới Nghệ An đem ra chợ bán.

Huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) có khoảng 190km đường biên với nước bạn Lào. Để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước, chính quyền địa phương nơi đây đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân hai nước có cơ hội thường xuyên gặp gỡ và giao thương.

Nguyễn Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét