29 thg 1, 2023

Độc đáo làng nói trạng Vĩnh Hoàng, Quảng Trị

Tết Nguyên đán, xã Vĩnh Tú lại tổ chức ngày hội kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Với các câu chuyện được phóng tác dí dỏm, hài hước đã mang lại tiếng cười khoái chí cho người nghe.

Ông Trần Hữu Chư vẽ chuyện trạng Vĩnh Hoàng ở tường nhà. Ảnh: CTV.

Làng Vĩnh Hoàng được lập từ khoảng thế kỷ 17-18, nay là thôn Huỳnh Công Tây thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Ông Võ Văn Nồng (trú tại xã Vĩnh Tú) - một nghệ nhân kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng cho biết, xưa kia không có máy móc hỗ trợ, người dân ở làng làm nông rất vất vả. Đến giờ giải lao, mọi người nói trạng để tạo niềm vui, vơi bớt mệt nhọc. Dần dần, những câu chuyện trạng trở thành nét đặc sắc, được lưu truyền và phát triển thêm nhiều câu chuyện mới, hợp với thời sự hơn.

Bức tranh cụ thể hóa nội dung chuyện trạng Vĩnh Hoàng bắt hổ cày với trâu. Ảnh: CTV.

Người dân Vĩnh Hoàng nói trạng nhưng không phải chỉ nói khoác, phóng đại sự việc một cách đơn thuần, bông lơi dễ dãi. Qua những câu chuyện trạng, thiên nhiên và con người ở đây hiện ra thật đẹp, dân dã, chất phác và hồn nhiên. Từ rú Trâm Bầu, bàu Thủy Ứ, ruộng đồng, vườn cây đến con cá, quả dưa, củ khoai, trái ớt… tất cả đều gắn với một giai thoại độc đáo, hài hước, thú vị.

Để giới thiệu về sự trù phú của bàu Thuỷ Ứ, người dân Vĩnh Hoàng kể câu chuyện “Cá tràu (lóc) bảy món” với nhiều từ địa phương.

Nếu nghe kể câu chuyện với chất giọng đặc trưng của người Vĩnh Tú, người ngoài địa phương phải nghe kỹ, “căng não” suy nghĩ rồi bật cười dí dỏm.

Câu chuyện cụ thể như sau: “Rảnh rỗi, bọ (tôi) xách cần câu ra bàu Thủy Ứ kiếm chút cá cải thiện. Bọ móc mồi lấy đà quăng cần một phát, ai dè chạc (dây) câu chạy ro ro, không xuống bàu mà qua tận bên rú Hàn. Đang nghĩ, lỡ hắn (nó) mắc cột (gốc) cây thì ai qua gỡ cho, thì ở mô (đâu) một lạo (con) chuốc chuốc (chim cuốc) đã lao ra đớp mồi chạy, chưa được mấy bước thì một ả (em) chồn chắc rình rập nãy giờ, chộp luôn. Bọ xâm mắt nhưng cũng mừng thầm, không câu được cá thì có chuốc chuốc với chồn rồi. Rứa (vậy) là bọ bình tĩnh, trặc (giật) cần câu, lôi cả hai con xuống bàu. Mới được một đoạn thì, oa chà, từ dưới bàu, một đực (con) tràu đại chang (to lớn), trốôc (đầu) nổi lên đen thui như cái nồi bung, lao lên ngoạm luôn ả chồn lặn mất tăm. Hoảng quá, bọ trặc cần, vật chắc với đực tràu.

Hắn kéo, bọ trì, thi gan rứa, từ sáng đến chiều. Chạc cước câu căng như dây đờn (đàn), gió thổi qua kêu tửng từng tưng. Cuối cùng đực tràu đoạ, bọ lôi lên bờ, kéo về nhà, bọ lấy cuốc xợt (chắn) vảy, cho mỗi người trong xóm một cái làm quạt… Bọ mổ bụng đực tràu lôi ra ả chồn, mổ bụng ả chồn lôi ra lạo chuốc chuốc, mổ bụng lạo chuốc chuốc thì ôi thôi lủ khủ là cá, tôm, tép... cả rổ. Vị chi hôm đó nhà bọ mần được bảy món: tép rang, cá rán, lòng xào sả, chồn giả cầy, thịt hong, cháo lòng và lẩu”.

Người trẻ ở xã Vĩnh Tú kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Ảnh: CTV.

Không chỉ nói trạng về sự trù phú của vùng đất do thiên nhiên ban tặng, khi nói về việc chiến đấu, sống chung với bom đạn của kẻ thù trong những năm chiến tranh, dân làng Vĩnh Tú có câu chuyện “Dư một đứa con”.

Chuyện kể về vợ chồng anh dân quân đi trực chiến về, ba đứa con đã ngủ dưới hầm. Hầm tối, vợ chồng lấy tay sờ thì phát hiện trong hầm không phải ba mà là bốn đứa trẻ đang ngủ. Và đứa thứ tư thì đang nóng sốt.

Vợ chồng dân quân bật lửa lên, mới hay đứa thứ 4 là một quả bom khoan của giặc chui xuống hầm cạnh bọn trẻ. Không hề hoảng hốt, anh chồng nhẹ nhàng bồng quả bom lên, vứt xuống vũng trâu dầm…

Đối với người dân Vĩnh Hoàng, các câu chuyện trạng là niềm tự hào, làm cho người Vĩnh Hoàng gắn bó với quê hương, tác dụng động viên quần chúng có thêm sức mạnh trong sản xuất, chiến đấu.

Câu lạc bộ chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã được thành lập. Ảnh: CTV.

Tại xã Vĩnh Tú, có nhiều người được công nhận là nghệ nhân chuyện trạng Vĩnh Hoàng như ông Trần Đức Trí, nghệ nhân Nguyễn Đình Sồ, nghệ nhân Võ Văn Nồng.

Bà Lê Thị Anh Chi - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú cho hay, chuyện trạng Vĩnh Hoàng sẽ được lưu truyền, gìn giữ và phát triển nhờ việc thành lập Câu lạc bộ chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Câu lạc bộ sẽ trở thành sân chơi cho người dân có cơ hội tập trung biên soạn, sáng tác, biến tấu ra nhiều thể loại về trạng, viết ra để kể.

HƯNG THƠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét