24 thg 1, 2023

Bí mật 400 năm trong tráp gỗ lim

Suốt 400 năm bảo quản tráp gỗ lim, con cháu dòng họ Nguyễn Văn không biết bên trong đựng vật gì, cho đến ngày đền thờ tổ tiên nhận bằng di tích quốc gia.

Chiều cuối năm, ông Nguyễn Văn Tân, 69 tuổi, người quản lý đền thờ dòng họ Nguyễn Văn Giai ở thôn Ích Mỹ, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, bưng chiếc tráp gỗ lim dài hơn một mét, rộng và cao gần 40 cm, đưa từ bàn thờ xuống đặt giữa thềm nhà, phủi những lớp bụi bám trên bốn mặt gỗ. Hiện ai cũng biết vật quý đựng gì, song hàng trăm năm trước là một bí ẩn, gây tò mò cho nhiều thế hệ con cháu.

Ông Tân là hậu duệ đời thứ 12 của Nguyễn Văn Giai (1555-1628) - tể tướng thời nhà Lê. Là bậc khai quốc công thần, nổi tiếng chính trực, có công bình định nhà Mạc, thời làm quan ông Nguyễn Văn Giai được vua ban cho hàng trăm đạo sắc phong cùng nhiều cổ vật quý để ghi nhận công lao. Trải qua thời gian, các vật quý bị hư hỏng và thất lạc, thứ giá trị nhất sót lại là chiếc tráp gỗ lim khóa chặt.

Ông Tên bên tráp gỗ lim đựng sắc phong quý hiếm. Ảnh: Đức Hùng

Tráp gỗ lim có tuổi đời khoảng 400, ban đầu lưu giữ tại đền thờ Nguyễn Văn Giai ở thôn Ích Mỹ, xã Ích Hậu, đến năm 1992 thì bàn giao cho ông Tân đưa về bảo quản tại nhà riêng, đề phòng bị mất trộm hay thất lạc. Các thế hệ của dòng họ Nguyễn Văn đều được cha ông căn dặn không được phép mở tráp ra, nếu vi phạm sẽ mắc tội lớn. Nhiều người rất tò mò muốn khám phá xem bên trong có gì, song không ai dám làm trái quy định.

"Có lẽ tổ tiên ra điều lệ như vậy là muốn con cháu gìn giữ vật quý được lâu hơn, bởi mở ra xem nhiều sẽ sớm hư hỏng, mai một", ông Tân nói, cho hay tại những buổi họp họ, ai cũng đoán già đoán non, một số người lập luận bên trong tráp gỗ chứa một bí mật to lớn nên cha ông muốn phong tỏa mãi mãi.

Các cụ cao niên cho rằng rất có thể vật quý đặt trong tráp gỗ lim là đạo sắc phong đặc biệt, hoặc một tấm vải lụa thượng hạng thời xưa mà nhà vua ban cho các đại thần. Nhiều chuyên gia văn hóa trong nước hay tin đã tìm về dòng họ Nguyễn Văn xin mở tráp quan sát vật quý là gì nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, song đều bị khước từ. Tranh luận nên giải mã hay tiếp tục đóng băng bí mật trong tráp luôn khiến những người quản lý dòng họ đau đầu.

Vật quý cứ thế nằm im trong tráp gỗ suốt thời gian dài, cho đến khi phải lộ diện vào năm 1995, thời điểm đền thờ Nguyễn Văn Giai được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Sau nhiều cuộc họp bàn, các cụ cao niên và quản lý dòng họ Nguyễn Văn quyết định mở tráp gỗ lim vào đúng ngày làm lễ đón bằng công nhận từ nhà chức trách. Mục đích là tăng phần ý nghĩa cho sự kiện, để mọi người hiểu rõ hơn về thân thế, công lao và những đóng góp của tổ tiên đối với dân làng cũng như đất nước.

Sắc phong bằng gấm lụa được vua Lê ban cho đại thần Nguyễn Văn Giai. Ảnh: Đức Hùng

Ông Tân kể, hôm công bố có rất đông con cháu, đại diện chính quyền địa phương, ngành văn hóa chứng kiến. Đây được xem là sự kiện trọng đại của dòng họ. Trước khi mở tráp, các cụ cao niên đến nhà ông Tân dâng hương xin phép tổ tiên, sau đó bê tráp đến đền thờ đặt xuống giữa sân, nhẹ nhàng mở khóa, nhấc tấm ván, lật tấm vải đỏ bọc phía ngoài để khám phá bí mật bên trong.

"Ai cũng hồi hộp, tò mò. Đúng như đồn đoán, đó là đạo sắc phong được trang trí khác biệt so với những chiếc lưu tại đền. Sắc phong dài 4,5 m, rộng 0,5 m, làm bằng lụa gấm màu vàng óng, trên có 318 chữ Hán, bố cục 63 hàng dọc, năm hàng ngang. Nét chữ viết mảnh, thẳng hàng, phần ghi niên hiệu nằm ở cuối của khổ vải, chỉ còn một nửa phần ấn dấu của nhà vua", ông Tân cho hay.

Năm 2009, qua khảo sát, nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Hà Tĩnh xác nhận sắc phong niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông, nội dung phong công cho ông Nguyễn Văn Giai, đại thần có 48 năm làm quan dưới triều nhà Lê. Đây là đạo sắc phong dài và nhiều chữ nhất ở Việt Nam thời điểm đó.

Sau lần công khai vào năm 1995, sắc phong tiếp tục được giao cho gia đình ông Tân bảo quản. Cụ ông mang tráp gỗ lim về đặt trên bàn thờ, trông coi cẩn thận. Dù là người quản lý, song mỗi khi muốn mở ra kiểm tra hoặc phục vụ việc nghiên cứu của chuyên gia, ông Tân phải được sự đồng ý của các bô lão.

Đền thờ tể tướng Nguyễn Văn Giai, cách nhà ông Tân hơn 100 m. Ảnh: Đức Hùng

Hàng năm vào ngày giỗ của tể tướng Nguyễn Văn Giai (13 tháng giêng), ông Tân sẽ trải một tấm vải đỏ giữa gian nhà, sau đó cẩn thận lấy tấm sắc phong bằng lụa đựng trong tráp gỗ lim trải ra cho những thành viên trong họ kiểm tra. Các cụ cao niên theo thông lệ sẽ vái lạy trước bàn thờ rồi cùng người dân làng Ích Mỹ rước vật quý từ nhà tộc trưởng đến mộ và đền thờ cách đó hơn 100 m để làm lễ.

Lễ rước sắc phong là nét văn hóa đặc sắc của xã Ích Hậu. Lúc rước phải dùng hai chiếc kiệu, người khiêng là những thanh niên trai tráng. Kiệu dẫn đoàn đựng sắc phong, tiếp theo là bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Hôm đó, mọi người đều mặc quần áo đẹp nhất để theo kiệu đi cầu phúc đầu năm mới.

Được giao trách nhiệm bảo quản sắc phong là vinh dự, nhưng ông Tân nói mang nhiều áp lực hữu hình lẫn vô hình. Mỗi khi ra khỏi nhà, cụ ông luôn dặn vợ con phải cẩn thận với người lạ, đề phòng họ đột nhập lấy đi tráp gỗ. Nhiều lúc nửa đêm, nghe tiếng động lạ ngoài vườn ông lập tức tỉnh giấc, dậy bật điện quan sát.

"Được trông coi rất cẩn thận, song do điều kiện bảo quản trong nhà chưa được tốt, khí hậu ẩm thấp nên qua thời gian một số tài liệu liên quan đến sắc phong bị rách, mục nát. Đây là vấn đề mà dòng họ trăn trở, đang tìm giải pháp để việc lưu trữ được tốt hơn", ông Tân nói, chia sẻ với cương vị là tộc trưởng sẽ luôn cố gắng hết sức gìn giữ sắc phong, khi sức yếu sẽ giao cho người phù hợp.

Một số giấy tờ liên quan sắc phong cổ đã mục nát qua năm tháng. Ảnh: Đức Hùng

Ông Lê Bá Hạnh, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho biết sắc phong tồn tại khoảng 400 năm, là di sản quý hiếm của dòng họ Nguyễn Văn nói riêng và ngành văn hóa nói chung, giúp các thế hệ hiểu hơn về lịch sử và ý nghĩa khảo cổ.

Theo sử sách, ông Nguyễn Văn Giai sinh tại xã Mỹ Tường, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Từ nhỏ cậu bé Giai thông minh, hiếu học, lên 15 tuổi đã thành thạo văn chương, viết phú.

Nguyễn Văn Giai lần lượt thi đỗ Giải nguyên, Đình nguyên nhị giáp tiến sĩ, khi làm quan lớn thời nhà Lê nổi tiếng là người chính trực, trung nghĩa, được vua và các đại thần nể trọng. Ông thọ 75 tuổi, trên mộ tại quê nhà khắc câu đối do vua Lê Kính Tông tặng: Trải qua ba triều thuộc hàng danh tướng trụ cột của nước nhà/Vạn năm sau là bậc phúc thần nơi sông núi quê hương.

Đức Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét