27 thg 1, 2023

Bảo tàng gốm cổ sông Hương: Không cấm mà khuyến khích chạm vào hiện vật

Điều lạ, là trong khi các bảo tàng khác đều “cấm sờ vào hiện vật” thì ở Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, GS Thái Kim Lan lại luôn khuyến khích du khách “hãy chạm vào hiện vật”.

Gần 5.000 hiện vật gốm độc đáo

Có thể nói, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương với diện tích 700 m², là nơi duy nhất trên cả nước trưng bày gốm được tìm thấy từ các dòng sông trong không gian địa lý hẹp (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Một góc triển lãm “Áo dài xưa triều Nguyễn” tại Lan Viên cố tích. Ảnh: Tường Minh

Hiện nay, Bảo tàng có gần 5.000 hiện vật, trong đó phần lớn là gốm cổ được vớt từ dưới lòng sông Hương có nhiều niên đại, từ gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê sơ… do chính tay GS Thái Kim Lan và anh trai bà – cố họa sĩ Thái Nguyên Bá sưu tập trong quãng thời gian hơn 40 năm qua.

Trong đó có nhiều cổ vật được bà mua lại mới đây từ người thân của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan – một người sưu tập gốm cổ trục vớt từ những lòng sông nổi tiếng của Huế. Những cổ vật này được GS Thái Kim Lan trân trọng trưng bày trong một không gian riêng cùng chú giải: ‘Sưu tập Hồ Tấn Phan”.

Trong lần ra mắt đầu tiên này, GS Thái Kim Lan chỉ giới thiệu 108 hiện vật gốm tiêu biểu thời tiền Sa Huỳnh – Sa Huỳnh (cách nay 2.500 năm – 3.000 năm); thời Champa (thiên niên kỷ 1 đầu Công nguyên); thời Lý – Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 – 20) với chủ đề Sông Hương – nơi gặp gỡ các nền văn hóa.

Một góc Bảo tàng Gốm cổ sông Hương. Ảnh: Tường Minh

“Đây đều là những hiện vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam và cả quá trình giao lưu quốc tế của cư dân Huế với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Những cổ vật gốm sứ vớt từ dòng sông Hương này đã tạo nên hình hài, phản chiếu được lịch sử của vùng đất. Những hiện vật ấy sẽ tự thân kể câu chuyện về nó, giúp chúng ta hiểu hơn giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Cố đô”, GS Thái Kim Lan nói.

Hãy chạm vào hiện vật

Điều lạ, là trong khi các bảo tàng khác đều “cấm sờ vào hiện vật” thì ở Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, GS Thái Kim Lan lại luôn khuyến khích du khách “hãy chạm vào hiện vật”.

Một hoạt động trong triển lãm “Áo dài xưa triều Nguyễn” ở Lan Viên cố tích. Ảnh: Tường Minh

GS Thái Kim Lan giải thích: “Bản thân mỗi một hiện vật gốm ở đây sẽ tự kể cho du khách nghe về những câu chuyện trầm luân của đời mình. Tuy nhiên, nếu chỉ ngắm nghĩa không thôi thì du khách sẽ không thể nào “nghe” và cảm niệm hết. Bởi vậy tôi khuyến khích du khách đến hãy chạm vào hiện vật để có thể “nghe” cảm được sâu hơn, ví như sự xù xì - trầm tích thời gian đang hiển lộ trên những hiện vật gốm”.

Việc khuyến khích du khách chạm vào hiện vật, theo GS Thái Kim Lan, còn là cách để cho Bảo tàng Gốm cổ sông Hương được sống động hơn.

Với mong muốn, đây không chỉ đơn thuần là bảo tàng mà còn là một địa chỉ sống động với nhiều hoạt động khác nhau về văn hóa, vừa giữ gìn, vừa nối kết giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời gợi cảm hứng cho những ý tưởng và câu chuyện đương đại.

Trong đó, trao truyền tình yêu di sản, văn hóa đến thế hệ trẻ một cách khoa học thông qua các hội thảo, giáo dục, workshop trải nghiệm về di sản là mục đích bảo tàng hướng đến. Ngoài ra, bảo tàng này còn là nơi hội tụ của âm nhạc, thơ ca, sáng tác văn học nghệ thuật…

Thời gian qua, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đã tổ chức rất nhiều hoạt động theo hướng này. Đã có hàng chục đoàn gồm sinh viên các trường đại học, học sinh các trường trung học, tiểu học, mẫu giáo trong và ngoài thành phố đến tham quan. Riêng Đại học Văn Lang ở TP. Hồ Chí Minh đã hơn 200 sinh viên đến đây thăm trải nghiệm, nghiên cứu.

Ngoài ra Bảo tàng còn đón rất nhiều đoàn khách ngoại giao như các Tổng Lãnh sự, cựu Thủ tướng Israel... Gần nhất là triển lãm “Áo dài xưa triều Nguyễn” nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2022 tổ chức tại Huế. Trong triển lãm, nhà thiết kế Trịnh Hồng Diệu (em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) đã gửi đến người xem một số mẫu thiết kế áo dài truyền thống nhưng mang hơi hướng hiện đại.

Đặc biệt là một Talk Show của NTK Sỹ Hoàng, NTK Trịnh Hoàng Diệu và TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế với chủ đề: "Áo dài và Sân khấu, Áo dài với Cuộc sống đương đại".

Một góc Bảo tàng Gốm cổ sông Hương. Ảnh: Tường Minh

Và đích đến của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, theo GS Thái Kim Lan, sau địa chỉ văn hóa sẽ là một địa chỉ du lịch: “Tôi muốn sức sống của nó không chỉ phục vụ riêng cho mình mà còn cho cả cộng đồng thông qua sự nối kết với thế giới bên ngoài, với những bảo tàng khác không chỉ ở Huế mà còn trong nước và trên thế giới thông qua những câu chuyện về gốm và cổ vật khác.

Đặc biệt, chúng tôi mong muốn bảo tàng này sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều thế hệ, nhiều sắc tộc, màu da; ai cũng có thể đến đây để “đọc” lịch sử và cảm niệm di sản, văn hóa Huế. Sự giao lưu này không chỉ có ý nghĩa về văn hóa mà còn cả kinh tế khi bảo tàng của chúng tôi là một điểm đến của du khách để phục vụ du lịch cho Huế”.

Hoàng Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét