27 thg 1, 2023

Bánh tét mặt trăng Đại An Khê

Từ giữa tháng 11 âm lịch, nhiều hộ dân làm bánh tét mặt trăng Đại An Khê đã ngừng nhận đơn đặt hàng đối với khách sĩ vì làm không kịp để bán.

Nếp thơm đã ngâm với nước lá cho ra màu xanh. Ảnh: Hưng Thơ.

Bánh tét mặt trăng ở làng Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) từ lâu đã nổi tiếng về độ ngon. Điểm đặc biệt, khi hoàn thành bánh có màu xanh với hình dạng như mặt trăng bị khuyết.

Để tạo ra chiếc bánh tét mặt trăng, người dân làng Đại An Khê giã lá rau ngót, rồi lấy nước ngâm với gạo nếp thơm. Sau khi ngâm với nước lá này, nếp sẽ có màu xanh. Tiếp đó, người dân lựa loại lá chuối không già, không non để gói, bên trong bánh có phần nhân gồm thịt mỡ và đậu xanh. Bánh sau khi gói, sẽ được nấu bằng củi trong nhiều giờ liền để cho bánh chín tới.

Lá chuối dùng để gói bánh tét mặt trăng. Ảnh: Hưng Thơ.

Ông Đào Bá Vây (61 tuổi, trú tại xã Hải Thượng) cho biết, gia đình ông làm nghề gói bánh chưng, bánh tét các loại để cung cấp ra thị trường. Loại bánh được ưa chuộng và giúp ông Vây nổi tiếng là bánh tét mặt trăng.

Ngày thường, gia đình ông Vây sản xuất khoảng 500 cái bánh chưng, bánh tét các loại. Nhưng dịp gần tết tăng lên gấp 2, 3 lần mới đủ đơn đặt hàng. Để tránh quá tải, từ giữa tháng 11 âm lịch, ông Vây ngưng nhận đơn đối với khách mua sỉ.

Nhiều năm gắn bó với nghề làm bánh tét, bánh chưng ở làng Đại An Khê, ông Đào Ngọc Giã (64 tuổi) cho biết các loại bánh ở làng có đặc trưng riêng biệt, đó là màu xanh của nước rau ngót trộn với nếp thơm.

Ở làng Đại An Khê, bánh tét mặt trăng gói bằng lá chuối, còn bánh chưng gói bằng lá dong. Ảnh: Hưng Thơ.

“Khi nấu ra, bánh không chỉ có màu đẹp át đi mùi ngấy của thịt mỡ và đậu xanh mà còn dung hòa các vị rất ngon, giàu dinh dưỡng. Riêng bánh tét được gói theo hình bán nguyệt, khi cắt ra đặt lên dĩa nhìn như hình ảnh của mặt trăng bị khuyết được nhiều người yêu thích” – ông Đào Ngọc Giã, cho hay.

Ông Đào Bá Vây với mẻ bánh tét mặt trăng vừa mới ra lò. Ảnh: Hưng Thơ.

Ngày xưa, bánh chưng, bánh tét mặt trăng không thể thiếu trên các mâm cỗ trong các ngày lễ, Tết ở làng Đại An Khê. Qua nhiều năm, chiếc bánh ở đây có vị đặc trưng, được nhiều người đón nhận nên dân làng chăm chút, phát triển thành nghề.

Cuối năm 2021, sản phẩm bánh tét mặt trăng Đại An Khê được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh Quảng Trị.

Bánh tét mặt trăng nấu trong nhiều tiếng, lâu lâu phải chêm thêm nước. Ảnh: Hưng Thơ.

Hiện, ở làng Đại An Khê đã thành lập Tổ hợp tác Bánh tét mặt trăng Đại An Khê với 20 hộ gia đình tham gia. Bình quân mỗi ngày xuất ra thị trường từ 1.000 - 2.000 bánh dày, 600 bánh tét và bánh chưng/hộ. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán, số lượng các đơn hàng đặt bánh của các hộ trong tổ hợp tác rất cao với khoảng 100.000 bánh các loại.

Phần lớn, ở làng Đại An Khê nấu bánh tét mặt trăng bằng củi. Ảnh: Hưng Thơ.

Nghề làm bánh tét mặt trăng, bánh chưng ở làng Đại An Khê không những gìn giữ nếp xưa của cha ông để lại, mà còn giúp bà con tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong làng.

HƯNG THƠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét