27 thg 1, 2023

Trở lại thị trấn Tĩnh Túc hoàng kim thời bao cấp ở Cao Bằng

Thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng từng là nơi có hàng nghìn công nhân làm việc, cuộc sống phồn thịnh, nhộn nhịp nhất ở miền Bắc thời bao cấp.

Dãy nhà được xây dựng từ năm 1976.

Thời bao cấp hoàng kim

Từ thành phố Cao Bằng đi ngược theo Quốc lộ 34, vượt qua hơn 60 km đường đèo dốc với hàng trăm khúc cua tay áo là đến trung tâm thị trấn Tĩnh Túc. Tên gọi của thị trấn gắn liền với sự hình thành và phát triển của Mỏ thiếc Tĩnh Túc từ hơn 65 năm trước.

Mỏ thiếc Tĩnh Túc chính là "đứa con đầu lòng" đặt nền móng cho ngành khai khoáng kim loại màu Việt Nam. Công trình khi đó có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, do Liên bang Xô Viết hỗ trợ xây dựng và sản xuất, góp phần thắt chặt tinh thần hữu nghị Việt - Xô.

Qua lời giới thiệu, phóng viên tìm gặp ông Triệu Văn Câu (87 tuổi, quê ở huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) - người từng là công nhân mỏ thiếc thời kỳ đầu tiên. Nhớ lại thời điểm những năm 60 của thế kỷ XX, ông Câu nghe mọi người nói trên Tĩnh Túc có rất nhiều người làm việc, cuộc sống tại đây rất tấp nập, phát triển. Vì sức hút đó, ông quyết định thu dọn đồ đạc, từ huyện Trùng Khánh khăn gói lên đường.

Ông Triệu Văn Câu kể lại thời kỳ phồn thịnh của thị trấn Tĩnh Túc.

"Tại mỏ thiếc Tĩnh Túc khi ấy có hơn 3.000 công nhân làm việc, công việc vất vả thật nhưng tất cả rất vui vì được sinh hoạt tập thể. Đặc biệt hơn cả là cuộc sống rất đầy đủ mặc dù đang trong thời kỳ bao cấp" - ông Câu vui vẻ nhớ lại.

Theo lời cựu công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc, dẫu thời buổi khó khăn vất vả, nhưng mọi sinh hoạt ăn uống của những công nhân ở đây phần lớn là tốt hơn những nơi khác. Hơn nữa, người lao động dưới xuôi đã lên đây dạy cho bà con cách trồng trọt, tăng gia sản xuất, từ đó có thêm nhiều món ăn cho bữa cơm thường nhật.

Hàng tháng công nhân hoàn thành nhiệm vụ sẽ được thưởng thức ăn như thịt lợn, cá... hay những vật dụng trong nhà. Đặc biệt, ông Triệu Văn Câu được thưởng một chiếc chăn, đây là vật dụng quý giá giúp người dân vượt qua mùa đông giá rét ở miền núi.

Ông Câu tâm sự rằng, "Đối với người dân thời bấy giờ, đặc biệt là người vùng cao thì những món ăn hay thứ đồ ấy rất hiếm và quý giá, nên nếu ai được nhận phần thưởng ấy đều được xem là người rất may mắn trong hàng nghìn công nhân mỏ".

Niềm tự hào của ký ức

Mỏ thiếc Tĩnh Túc nay là Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng được thành lập vào ngày 25.10.1955. Mỏ thiếc Tĩnh Túc được đầu tư xây dựng với sự giúp đỡ của Nhà nước Liên bang Xô Viết để lại dấu ấn lịch sử thắm tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Liên Xô.

Ngày 15.9.1958, Mỏ thiếc Tĩnh Túc đã vinh dự được Bác Hồ lên thăm và làm việc tại Mỏ. Năm 1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên thăm và sau này nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trương ương và tỉnh Cao Bằng đến thăm, làm việc tại Mỏ.

Đến ngày 15.9.2010, công trình kiến trúc lịch sử - truyền thống - văn hóa Mỏ thiếc Tĩnh Túc do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Khoáng sản - TKV đầu tư đã được khánh thành và ngày 15.9 hằng năm được chọn là Ngày truyền thống ngành khoáng sản.

Từ ngày Mỏ thiếc Tĩnh Túc bắt đầu hoạt động, những ngôi nhà tranh vách nứa đã dần được thay thế. Thời những năm 1960, cứ 2 - 3 ngày là nhà ăn tập thể phục vụ hàng nghìn công nhân lại dùng hết 1 xe tải gạo, 1 xe tải bí. Mỗi tháng hết 4 xe cá chở từ Hải Phòng lên, khi ấy thịt lợn rất hiếm nhưng các công nhân tại đây vẫn được thưởng thức vào một số dịp thưởng.

Mỏ thiếc Tĩnh Túc là nơi phát triển ngành khai khoáng kim loại màu đầu tiên tại Việt Nam.

Cũng từ những thứ đặc biệt ấy, công nhân của Mỏ thiếc Tĩnh Túc rất hào hứng làm việc, năng suất tạo nên nhiều kỷ lục của thời bấy giờ. Theo tài liệu của Đảng bộ Mỏ thiếc Tĩnh Túc, năm mỏ đạt sản lượng cao nhất là năm 1962, với tổng số 619 tấn quặng thiếc khai thác được. Đến năm 1967 là thời điểm số lượng công nhân của mỏ đạt đỉnh với tổng số 3.000 người.

Ông Triệu Văn Câu hào hứng kể về những năm 90 thế kỷ XX, khi thế hệ ông về hưu: "Khi ấy, lương hưu phát 2 - 3 ngày mới xong, các công nhân như tôi đôi khi xếp hàng dài dằng dặc gần cây số. Để phục vụ cho từng đó công nhân, lực lượng chăm lo đời sống phải lên đến cả trăm người, chưa kể những người phải đi học để nấu ăn, phục vụ riêng cho các chuyên gia Liên Xô".

Khi những người công nhân mỏ thiếc kể về những câu chuyện thời hoàng kim của Tĩnh Túc thì không chỉ riêng ông Câu mà tất cả ký ức của mọi người đều trở về. Đây không chỉ là địa danh nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng về sự sầm uất mà còn là ngôi sao sáng, nơi đặt nền móng cho ngành khai khoáng kim loại màu ở Việt Nam.

Nét cổ kính còn đọng lại

Trong những ngày tháng 12, phóng viên đã có dịp đến với thị trấn Tĩnh Túc, điều gây ấn tượng nhất là có khoảng chục dãy nhà tập thể có thiết kế giống nhau, đang dần cũ đi. Đây là nơi ăn ở, sinh hoạt của đội ngũ cán bộ, công nhân Mỏ thiếc vào thời điểm trước đây.

Mỗi dãy tập thể có hai tầng, mỗi tầng từ 8 - 10 căn nhà, có lối lên cầu thang nhỏ, thấp, diện tích các phòng tương tự nhau (chưa đến 40 m²) gồm có: Một phòng khách, một phòng ngủ rộng chưa đến 10 m² chỉ đủ kê 1 cái giường, 1 cái tủ. Những dãy nhà tập thể san sát nhau mang lại sự đồng nhất, tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng niềm ước mơ, tự hào và ký ức của hàng nghìn công nhân thời bấy giờ.

Đến nay, không còn sự phát triển và tấp nập, thị trấn Tĩnh Túc là hiện thân của quá khứ với vẻ đẹp cổ kính, yên bình. Phần lớn người dân sống tại đây là người địa phương và một số công nhân Mỏ thiếc Tĩnh Túc định cư. Dọc thị trấn chỉ có lác đác vài ngôi nhà lớn còn hầu hết là nhà cấp 4 đã được xây từ vài chục năm trước nên nay đã xuống màu.

Ngôi nhà màu vàng trải qua bao thăng trầm cùng công nhân mỏ thiếc trứ danh đến nay đã ngả sang màu trắng đục. Bên ngoài, những mảng tường được bao phủ bởi rêu phong tạo nên sự cổ kính.

Theo người dân kể lại, công nhân của mỏ thiếc đã từ các tỉnh miền xuôi trở về quê từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Tuy vậy cuộc sống nơi đây trầm xuống rõ rệt bắt đầu diễn ra khoảng hơn 15 năm nay.

Dừng chân tại một quán nhỏ, chủ quán là anh Lê Văn Thanh (38 tuổi, trú tại tổ 2, thị trấn Tĩnh Túc) tâm sự: "Vào khoảng năm 2001, dân cư còn đông lắm! Nhưng cũng từ thời điểm ấy, việc làm tại mỏ giảm đáng kể, hầu hết công nhân cũng đã sơ tán đi nơi khác. Những căn nhà của công nhân ngày xưa, căn có người ở, căn thì không".

Căn nhà của anh Thanh là một trong những căn thuộc "Công trình thanh niên dâng Đảng" được xây dựng từ năm 1976. Đây là công trình kết hợp giữa sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô và kỹ sư, công nhân mỏ. Ít nhất 4 thế hệ người làm mỏ đã gắn với nơi này. Đến nay những dãy nhà đã được gần 50 năm tuổi, tuy chất lượng công trình không còn được như trước nhưng vẫn còn rất chắc chắn và sử dụng bình thường.

Lý giải nguyên do trên, anh Thanh cho rằng, hiện tại thị trấn Tĩnh Túc chỉ còn lại người dân dựa vào làm nông, trồng rừng nên thu nhập chủ yếu ở mức trung bình. Do đó, đường xá vắng vẻ người qua lại, kinh tế chậm phát triển.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Nguyên Phong - Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho hay, "Thị trấn Tĩnh Túc sầm uất, tấp nập hơn 50 năm qua cũng nhờ mỏ khai thác thiếc, khi ấy công nhân rất đông. Nay mỏ thiếc giảm lượng công nhân, cuộc sống của người dân trở nên yên bình hơn. Tuy vậy, với sự phát triển của xã hội, người dân nơi đây đang hòa mình và thích nghi với nhịp sống hiện tại, đến nay đời sống của người dân vẫn được ổn định".

Trần Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét