13 thg 1, 2023

Góc nhỏ Gia Huỳnh

Chúng tôi đi tìm ký ức chiến tranh nơi xóm Bàu Me, thì đã chạm vào ký ức ác liệt ấy ở ngay tại ngã ba đầu thị xã Trảng Bàng. Bà Hồ Thị Hôn, một trong những em bé chạy giữa bom đạn mù trời trên quốc lộ 1, trong tấm ảnh “Em bé Napalm” kể lại: “Chúng tôi đang chạy vào trong thị trấn, bởi nhà cửa ở ngoài kia bị bom Napalm của quân đội Cộng hoà đốt sạch. Bé Phạm Thị Kim Phúc cháy hết quần áo nên bị bỏng nặng. Dù vậy, em vẫn cố gắng chạy vào. May mà gặp phóng viên Nick Út. Ông chụp ảnh xong thì chạy lại cứu giúp các em. Việc đầu tiên là ông lấy bình tông nước đổ lên người Kim Phúc…”.

Một góc thị xã Trảng Bàng. Ảnh: Trịnh Hải Nguyên

Đấy là vào tháng 6.1972, trong cái gọi là Chiến dịch Mùa hè đỏ lửa. Lúc này, về cơ bản quân viễn chinh Mỹ đã rút khỏi chiến trường. Vậy thì vào Chiến dịch Mậu Thân 1968, vùng đất này còn nóng bỏng gấp bao lần khi quân Mỹ tràn ngập với các loại vũ khí hiện đại vào bậc nhất? Cái góc nhỏ của Gia Huỳnh mà chúng tôi muốn kể là khu vực xưa gọi là xóm Bàu Me, nơi có ngôi chùa Đá - Huỳnh Long.

Nơi mà cách nay khoảng 15 năm, trên những tháp mộ của các vị sư tổ còn găm đầy vết đạn. Những năm ấy dân xóm còn nghèo, chỉ có thể dựng tạm ngôi chùa trên đống tro tàn, gạch nát. Còn các tháp mộ vẫn để y nguyên. Mưa nắng, thời gian đã nhuộm lên thân tháp màu sạm rêu phong đen cổ tích.

Vâng! Chính là xóm nhỏ chỉ có nhiều đá ong và bóng me trùm mát rượi ấy đã trở thành bãi chiến trường ác liệt vào mùa xuân năm 1968. Ngay từ những ngày đầu. Sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Quân dân huyện Trảng Bàng anh hùng” (1997) viết: “Đêm 30.1.1968 (mùng 1 tết Mậu Thân), đại đội của huyện đứng chân tại gốc đa Gia Huỳnh dập pháo liên tục trúng vào Chi khu, các chiến sĩ đồng loạt tiến công chi khu và các cứ điểm địch tại thị trấn.

Đại đội 1 và du kích Gia Lộc tập trung đánh chiếm bót Gia Lâm, làm chủ bót Gia Huỳnh và Lộc Du, diệt trên 100 tên địch… Chúng dùng 12 trực thăng đổ quân đánh mạnh vào đội hình của ta. Hai đại đội của ta đánh trả quyết liệt, diệt gọn một đại đội bảo an tại Gia Huỳnh, gần chùa Đá…”.

Như vậy là, cùng với cuộc chiến đấu của tiểu đoàn Cát Bi (K2- Trung đoàn 268) đánh Mỹ tại Bàu Me vào đợt 2 Mậu Thân tháng 6.1968, khu vực chùa Đá chính là chiến trường nóng bỏng nhất ở Trảng Bàng.

Chùa Đá (còn mang tên chữ Huỳnh Long) là ngôi chùa cổ, có thể là chùa có mặt sớm nhất trên vùng quê Trảng. Tác giả Phí Thành Phát trong bài Phật giáo ở Tây Ninh (Sách Tây Ninh Đất và Người, Nxb Thanh niên, 2020) cho biết: “Thiền sư pháp danh Chơn Ứng (Liễu Linh) thuộc phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng Tổ đạo, thế hệ thứ 37, trụ trì Tổ đình phụng Sơn từ Gia Định đến vùng đất Trảng Bàng thành lập chùa Hội Phước, truyền bá đạo Phật và mở lớp học tại chùa.

Trong khoảng thời gian này, đã có nhiều ngôi chùa được thành lập từ rất sớm, như chùa Huỳnh Long ở Trảng Bàng, do Hoà thượng Thiên Tường (Liễu Dương) cũng thuộc dòng Tổ đạo đời thứ 37 thành lập vào năm 1777…”.

Như vậy, dấu chân tăng sĩ Phật giáo cùng các lưu dân đi mở đất đã có mặt nơi đây từ trước cả khi “ông Trùm Cả Đặng Văn Trước cùng các vị Trùm Mưu, Thế, Vị… xuất thân ở Bến Đồn (Bùng Binh) dẫn dắt theo lưu dân ra thôn Bình Tịnh xin mua lại một thuộc đất rộng kéo dài từ cống Lò Vôi (gần đầu kênh chợ cũ Trảng Bàng) đến bàu Cỏ Đỏ (nay thuộc Lộc Tân, Gia Lộc) để lập một thôn mới… từ năm 1818…”.

Thôn mới ấy có tên Phước Lộc. Đến năm 1836 triều Nguyễn cho lập phủ Tây Ninh và các tổng thôn trực thuộc thì mới đổi thành thôn Gia Lộc, thuộc tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh của phủ Tây Ninh… (theo Vương Công Đức - Trảng Bàng phương chí, Nxb Tri Thức, năm 2020).

Gần 250 năm có chùa Đá Huỳnh Long; hơn 200 năm mở đất lập thôn làng. Biết bao cuộc chiến đấu với thú dữ rừng hoang và sau đó là nhiều thứ giặc ngoại xâm. Chỉ ở góc nhỏ của phường Gia Huỳnh này thôi, cũng là góc nhỏ xóm Bàu Me ngày trước đã lưu dấu biết bao nhiêu sự tích, từ dân gian đến tôn giáo và các cuộc đấu tranh giữ đất. Xóm nhỏ này còn có miếu Bà Chúa xứ Bàu Me.

Ông Từ giữ miếu hồ hởi khoe từ đầu năm 2000 tới nay miếu được phục hưng như xưa, rất đông người tới viếng. Ông cũng kể luôn là miếu có từ thời các ông bà cố cựu ngày xưa, chẳng rõ năm nào.

Thoạt tiên chỉ có cái miễu ông Tà, sau ông bà tu sửa lại rồi lập thêm trang thờ Bà Chúa xứ… Vậy là đúng với những gì đã diễn ra theo các nhà nghiên cứu dân gian. Rằng các lưu dân Việt khi đến vùng đất mới đã luôn tôn trọng tín ngưỡng của người dân bản địa trước đó là thờ phụng ông Tà, khi thiết lập những ngôi thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian người Việt.

Ngắm nhìn cả một rừng cây duối bao quanh đất miếu, có cây to hơn 1 người ôm, cho thấy miếu này cũng tuổi tác mấy trăm năm. Trong miếu có tấm bảng đen chữ trắng, ghi rằng: “Để tỏ lòng biết ơn chiến sĩ/ Ngày đêm yên nghỉ nơi đây/ Chúng tôi lập miếu thờ này/ Ngày đêm an nghỉ tỏ bày tâm tư”.

Mộ bà Trương Thị Chỉ- vợ Lãnh binh Tòng.

Tại chùa Đá, trước mặt là rạch Trảng Chừa, còn ở phía Đông là đường Xuyên Á cũng chỉ cách chừng 300 mét. Nhà sư trụ trì Thích Thiện Trí vẫn còn nhớ chùa nằm trên đường tiến quân của quân giải phóng từ chiến khu Bời Lời ra đánh giặc Mỹ trên quốc lộ.

Ông vẫn còn nhớ chuyện từng có các cựu chiến binh từ miền Bắc vào đây tìm hài cốt anh em. Chuyến đi ấy họ tìm được chiếc hầm xưa, moi lên cả thùng đạn đại liên. Bên trong có cái radio, ảnh Bác Hồ và còn có… gạo (có phải là cựu chiến binh của K2- Cát Bi của đất Hải Phòng? - TV).

Không còn lại gì nữa những dấu vết đạn bom của một thời chiến tranh khốc liệt. Bởi màu xanh cây trái đã trùm lên. Trùm kín cả các gò đồi đá ong đã làm thành tên ngôi chùa “Đá”. Nhưng, lần này chúng tôi đã phát hiện thêm một cụm di vật xứng đáng là di tích văn hoá lịch sử ngay cạnh ngôi chùa.

Đấy là những ngôi mộ xây toàn bằng đá xanh (granite) của dòng họ, con cháu cụ Đặng Văn Trước- người khai phá miền đất Gia Lộc và thị trấn Trảng Bàng, nay thuộc về thị xã Trảng Bàng. Trong đó có mộ bà Trương Thị Chỉ, phu nhân của Lãnh binh Đặng Văn Tòng. Bên cạnh đó là mộ ông Đặng Văn Đây, người cháu gọi Lãnh binh Tòng là ông nội.

Lãnh binh Tòng là con trai duy nhất của ông Cả Đặng Văn Trước. Vào năm 1861, khi quân Pháp tấn công thành Chí Hoà, ông dẫn quân tiếp viện chủ tướng Nguyễn Tri Phương. Đánh không lại, ông rút quân về tạm lánh tại Tha La (phường An Hoà ngày nay) và bị quân Pháp truy bắt được. Chúng dụ ông quy hàng thì sẽ được “làm quan trở lại”, nhưng ông kiên quyết từ chối, bị đày đi đảo Irini, quần đảo Guyane thuộc Pháp. Ông có tới 10 người con. Những người này cũng tham gia vào lực lượng Thiên Địa Hội chống Pháp. Bốn người con bị địch bắt và đày ra Côn Đảo…” (sách Trảng Bàng phương chí). Trên mộ bà Trương Thị Chỉ có tấm bia đá xanh khắc một bài thơ bằng chữ Hán.

Sư trụ trì chùa Hiệp Long Thích Niệm Thắng dịch ra như sau:

“Bá niên danh bất xạo
Vạn đại đức trường tồn
Long thang nam phú quý
Hổ cứ nữ vinh hoa”.

Tạm hiểu là: Dù bà chỉ có trăm năm sống trên đời. Nhưng cái đức bà để lại là mãi mãi. Các con trai đều phú quý. Còn các con gái đều vinh hoa.

Tiếc rằng họ đã sinh ra gặp thời đất nước bị xâm lăng. Mộ bia ấy lập vào năm 1909, đến nay cũng đã 113 năm.

Trần Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét