27 thg 1, 2023

Bánh Tổ nhắc nhớ cội nguồn

Cộng đồng cư dân Hội An nói riêng, cư dân Quảng Nam nói chung từ xưa đến nay có tục lệ dùng bánh Tổ làm lễ vật để thắp hương ông bà tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền. Nhiều người vẫn thường nói, đó là thứ bánh để nhắc nhở nhau nhớ về nguồn cội như câu “Chim có tổ, người có tông”.

Chiếc bánh Tổ với cái tên đặc biệt của Hội An. Ảnh: Hoàng Vinh

Tên gọi của bánh Tổ có thể hiểu theo hai nghĩa khi đây là loại bánh được làm giống như một cái tổ/ổ và bánh này dùng để dâng cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày trọng đại (Tết Nguyên đán, cúng Ông Táo...).

Từ lâu nay, với người dân Hội An, “tét, tổ, nổ, in” là 4 loại bánh không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Vậy nên, bánh Tổ là loại bánh có truyền thống từ khá lâu đời ở Quảng Nam.

Bánh Tổ có hình giống tổ chim, vỏ bên ngoài bằng lá chuối, bên trong là bột nếp, đường, cả tổ bánh được bỏ vào trong rế/rọ đan bằng tre để hấp chín.

Nhiều gia đình tại Hội An đã làm bánh Tổ hơn 3 đời. Ảnh: Hoàng Vinh

Bánh Tổ là loại bánh được làm từ những nguyên liệu chủ yếu như bột nếp, đường, gừng, mè. Nếp phải chọn loại tốt, dẻo và thơm, phơi thật khô rồi ngâm, đem giả thành bột. Đường làm bánh Tổ là đường bát Đại Lộc - Quảng Nam hoặc đường Quảng Ngãi.

Đường đem nấu/thắng cho thật kỹ, loại bỏ hết tạp chất, có thể cho thêm ít gừng tươi để thêm hương vị. Bột, đường sau đó được trộn với nhau theo tỷ lệ phù hợp và khoáy/đánh bằng tay thật kỹ cho bột tan đều không để vón cục. Đây là khâu quan trọng, mang tính quyết định đối với việc làm ra ổ bánh tổ chất lượng và trở thành kỹ thuật riêng của những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề ở Hội An.

Sau công đoạn này, người thợ khéo léo múc nước bột đường sền sệt đổ vào một cái đài được làm bằng lá chuối tươi và dùng tăm tre vót nhọn ghim kín mép lá.

Những đài bánh đã có đổ bột sau đó được đặt vào một rọ/rế (khuôn) đan bằng tre để giữ không bị biến dạng, xếp lên một tấm vỉ tre hoặc vỉ nhôm và cho vào thùng để hấp. Bánh được hấp liên tục trong 3 giờ đến 5 giờ đến khi chín thì được lấy ra để nguội. Nếu khách có nhu cầu bỏ mè thì khi lấy ra, người thợ làm bánh nhanh tay rắc mè đã rang chín lên mặt bánh cho dính lại.

Theo những người làm bánh Tổ lâu năm, một chiếc bánh tổ làm đảm bảo chất lượng thì có thể để được cả tháng ở môi trường nhiệt độ bình thường. Người dân muốn để giữ bánh được lâu phải bôi một lớp dầu phụng lên trên mặt bánh hoặc đem phơi khô, bỏ tủ lạnh.

Khi sử dụng, bánh Tổ thường được chiên lên giúp miếng bánh Tổ phồng lên, sẫm màu hơn, tỏa ra mùi thơm. Khi ăn sẽ cảm nhận được mùi ngọt lịm của đường, mùi thơm lừng của nếp, của mè.

Ông Nguyễn Thành, một người dân Đà Nẵng chia sẻ: "Năm nào gia đình tôi cũng vào tận những lò bánh Hội An để mua bánh Tổ về cúng tổ tiên và gởi tặng người thân. Con cháu bây giờ nhiều đứa thắc mắc là bánh gì, cách ăn ra sao thì tôi lại được dịp kể về ý nghĩa của chiếc bánh. Vậy thành ra lại hay, nghe tên bánh, sau này các con các cháu có đi đâu xa cũng sẽ nhớ ngày Tết gia đình có cái bánh Tổ nhắc nhớ về tổ tiên, ông bà, cội nguồn - thứ phải được gìn giữ trong tim mỗi người".

Chị Trần Thị Nương, trú phường Thanh Hà, TP Hội An cho biết, gia đình chị bắt đầu làm bánh tổ vào khoảng 20 tháng Chạp hằng năm. Giá mỗi chiếc bánh được bán tại lò khoảng 35.000- 40.000 đồng/chiếc và luôn trong tình trạng “cháy” hàng mỗi khi đến giáp Tết.

Với những nguyên liệu đơn giản, sẵn có tại địa phương, bằng sự sáng tạo của cộng đồng cư dân Hội An đã chế biến ra món bánh dâng cúng ông bà tổ tiên trang trọng, ý nghĩa và rất đặc trưng của địa phương.

Không chỉ vậy, những quan niệm về tín ngưỡng, ý nghĩa sâu xa trong mục đích sử dụng, tên gọi cùng những kinh nghiệm, tri thức trong chế biến món bánh Tổ liên quan đến yếu tố gia truyền được gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ, tạo thành những giá trị di sản văn hóa phi vật thể rất có giá trị, cần được bảo tồn, phát huy trong tổng thể di sản văn hóa Hội An nói riêng, xứ Quảng nói chung.

THUỲ TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét