27 thg 1, 2023

Bánh chưng đen – Đặc sản ngày Tết truyền thống ở Hà Giang

Bánh chưng đen là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Tày ở vùng cao biên giới Hà Giang.

Lên xã Ngọc Đường, Hà Giang những ngày Tết sẽ thấy trên bàn thờ gia tiên của những gia đình người Tày ở đây luôn có loại bánh chưng với lớp gạo nếp màu đen bóng, khi ăn vào miệng cảm nhận hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Bánh có màu đen nhánh, hạt nếp dền, tỏa hương thơm phức, không bị nhớt, không bị chảy nước. 

Gạo nếp gói bánh chưng đen Hà Giang có màu đen nhánh, thơm mùi hấp dẫn. Ảnh: Đặc sản Hà Giang

Bánh chưng đen như một nét tinh hoa văn hóa ẩm thực không thể thiếu của vùng cao Hà Giang. Theo phong tục và quan niệm “màu đen của bánh là sự hòa hợp của núi rừng, đất trời và lòng người”, bánh chưng đen Hà Giang ngoài được dùng để thắp nhang cúng tổ tiên, còn được dùng cho các bữa cơm ngày Tết để mời bà con, họ hàng trong thôn, trong bản.

Bánh chưng đen Hà Giang nhỏ gọn, vừa vặn trong bàn tay. Ảnh: Lan Phương

Về cơ bản, cách thức gói, luộc bánh chưng đen của người dân tộc Tày Hà Giang cũng giống người Kinh, nhưng hình dáng và hương vị của bánh khác biệt hoàn toàn. Màu đen của bánh chưng đen Hà Giang có thể được tạo ra từ bột cây xoan muối, cây rơm nếp, cây núc nác, cây vừng. Người ta đem các loại cây đó đốt ra than rồi nghiền thành bột, sử dụng làm nguyên liệu làm bánh.

Tuy nhiên, chỉ có bột từ cây củi xoan muối mới cho ra màu đen đậm, người dân sẽ đem củi xoan muối về phơi khô, vót lọc bỏ hết phần vỏ rồi mới đem đốt lấy bột. Bột của cây xoan muối được đem trộn với gạo nếp cho đến khi nào hạt gạo bóng đen, khi dùng tay miết mạnh hạt gạo vẫn nguyên vẹn màu đen thì mới đạt yêu cầu.

Bánh chưng thành phẩm. Ảnh: Lan Phương

Người Tày Hà Giang khá cầu kỳ, kỹ lưỡng trong từng công đoạn làm bánh, chọn lựa kỹ càng từ nguyên liệu làm bánh như lá dong phải chọn lá bánh tẻ, rửa sạch, lau khô, cắt bớt gân để lá mềm gói bánh mới đẹp. Gạo nếp phải là gạo Bắc Mê, loại gạo ngon nổi tiếng của Hà Giang, nhân bánh là thịt lợn đen còn tươi ngon, thái mỏng được ướp gia vị kỹ càng.

Bánh có màu nâu đen, phần nhân mềm, nhiều thịt. Ảnh: Lan Phương

Hương vị của núi rừng, của đất trời, của lòng người hòa quyện trong từng chiếc bánh đen, tạo nên nét đặc trưng, mang đậm nét riêng đầy dư vị không thể nào quên qua nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân tộc vùng cao Hà Giang.

Quỳnh Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét