24 thg 1, 2023

Những món ăn độc đáo từ cá của người Thái ở Nghệ An

Những ngày Tết Nguyên đán, người Thái ở miền Tây xứ Nghệ lại quây quần để chuẩn bị nhiều món ăn hấp dẫn cúng tổ tiên và thết đãi khách, họ hàng, con cháu. Trong đó, phải kể đến là những món ăn từ cá rất bổ dưỡng và cũng rất dân dã.

Người Thái thường chọn nơi gần sông, suối làm nơi cư trú, nên nguồn thức ăn từ thủy sinh đã trở thành thường nhật của người Thái. Nhiều món ăn từ cá được bà con chế biến theo cách riêng, trở thành đặc sản và không thể thiếu được trong những ngày lễ, Tết. Trong đó, phải kể đến là món cá nướng, gỏi cá và mọc cá. Ảnh: Đình Tuân

Mọc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Thái ở miền Tây xứ Nghệ. Đây là món ăn được chế biến rất công phu và tốn khá nhiều thời gian.Trước tiên, người ta ngâm gạo nếp cho mềm, giã nhỏ, sau đó, băm sả, cây chuối rừng rồi trộn cùng cá tươi và chút tiêu rừng (mặc khẻn), muối, lá thì là... Ảnh: Đình Tuân

Sau khi trộn đều các loại gia vị xong thì gói lại bằng lá chuối hoặc lá dong rồi cho vào nồi nấu cách thủy khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Ảnh: Đình Tuân

Mọc vừa dùng để đãi khách, vừa để cúng tổ tiên. Mọc có hương thơm của sả, ớt tiêu rừng, vị béo của cá hòa quyện trong lớp gạo, lá chuối khiến ai ăn cũng khó có thể quên được món ăn độc đáo này. Ảnh: Đình Tuân

Một món ăn từ cá nổi bật khác là món "khỏi pá" (gỏi cá). Để làm được món "khỏi pá”, phải chọn các loại cá như: trắm, bọp, lăng, ghé… Ngoài cá là nguyên liệu chính thì còn có lá lội hoặc lá du xoan để vừa tạo vị chua, vừa làm cho cá chín. Lá lội được giã nhỏ cùng với một ít muối trắng trước khi đem trộn lẫn với cá. Khi cá đã được rửa sạch, lá lội hoặc lá du xoan đã giã nhỏ sẽ trộn lẫn lại với nhau và đổ nước đã được đun sôi vào ngâm chừng 15-20 phút. Khi thịt cá đã săn lại sẽ tiếp tục loại bỏ số xương cá đang còn sót lại nếu có, trước khi đưa ra thái nhỏ. Thái nhỏ xong sẽ ngâm với nước lá lội được vớt bỏ hết lá. Khi cá đã ngâm đủ thời gian, vớt ra vắt kiệt nước. Ảnh: Đình Tuân

Công đoạn tiếp theo làm món gỏi cá là cho thịt cá đã vắt kiệt nước chua, các loại rau thơm thái nhỏ, tiêu, ớt, súp, thính ( giã nhỏ)… trộn đều với nhau. Khi tất cả các nguyên liệu đã ngấm, đổ nước lá lội đã đun sôi vào để tạo độ chua đặc trưng cho món “khỏi pá”. Ảnh: Đình Tuân

Món “khỏi pá” thường được ăn kèm với lá sung non, quả sung hoặc lá ổi sẽ làm tăng thêm vị bùi. Gỏi cá chế biến xong không nên để lâu, ăn ngay cùng với xôi hoặc cơm nóng sẽ rất ngon. Ảnh: Đình Tuân

Ngoài mọc, “khỏi pá” thì cá nướng cũng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết và được người Thái ở miền Tây xứ Nghệ rất ưa thích. Đây là món được chế biến đơn giản nhất trong những món cá. Cá sau khi được làm sạch sẽ trộn lẫn với muối trắng và các loại gia vị khác rồi xông khói. Khi cá đã gần ráo nước (khô) sẽ đưa lên hông. Theo người dân bản địa, việc nướng cá ngày Tết vừa để thờ cúng tổ tiên, vừa là cách “giữ lửa” để thêm phần ấm cúng trong gia đình. Ảnh: Đình Tuân

Món cá nướng được đồng bào Thái dùng để đãi khách trong ngày Tết. Ảnh: Đình Tuân

Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét