Vượt qua con dốc cheo leo dựng đứng, PV đã có mặt tại xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình - một bản làng với hơn 70 hộ dân tộc Dao đang cùng chung sống. Đồng thời, tìm đến nhà nghệ nhân Lý Văn Hềnh - một trong những người đang nắm giữ những phong tục, tập quán xã hội đặc sắc của dân tộc Dao vùng cao Hoà Bình.
Lật giở từng tập tài liệu nói về tranh thờ bằng chữ Nôm Dao, ông Hềnh chia sẻ: “Người Dao quan niệm trong những ngày lễ quan trọng như Cấp sắc, Tết nhảy, lễ tang hay đám chay đều không thể thiếu được tranh thờ. Tranh thờ thì không được treo hằng ngày trong nhà, mà chỉ khi tiến hành nghi lễ mới treo lên, sau đó lại cuộn tranh cất đi”.
Theo ông Hềnh, người Dao quan niệm rằng khi chết đi con người chưa phải là hết mà họ còn có một cuộc sống tiếp theo ở thế giới khác. Muốn đưa linh hồn người chết về với ông bà tổ tiên thì phải tổ chức tang lễ và do thầy Tào đứng ra làm lễ. Lúc tiến hành cúng lễ, vật không thể thiếu của thầy Tào là những bức tranh thờ. Tranh thờ giúp thầy Tào tiếp cận với thế giới siêu nhiên.
Cũng theo người nghệ nhân này, người Dao quan niệm, thần linh có quyền năng vô song và chính là những người bảo trợ cuộc sống cho con người. Người Dao thờ cúng Bàn vương (thủy tổ của người Dao), thờ cúng tổ tiên và thờ các vị thần linh với mong muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Được biết, tranh thờ người Dao gồm có các bộ như Sò phảng, Hành sư, Tam Thanh đại đường. Mỗi bộ tranh mang những ý nghĩa, sắc thái khác nhau. Phổ biến nhất có thể kể đến là bộ Tam Thanh đại đường gồm 12 bức tranh to vẽ đủ 120 binh lính và 4 bức tranh nhỏ vẽ Tứ phủ công tào.
Trong bộ tranh Tam Thanh đại đường có ba vị thần tiên tối cao của Đạo giáo, cao nhất là Nguyên thủy thiên tôn, còn gọi là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), tiếp đó là Đạo đức thiên tôn còn gọi là Thái Thanh (thần cai quản cõi âm) và Linh bảo thiên tôn còn gọi là Thượng Thanh (cai quản trần gian).
Màu sắc tranh thờ thường là màu nước, với 8 màu cơ bản và phối thêm từ 4-5 màu khác trong đó màu chủ đạo là vàng, xanh, đỏ, trắng, đen. Cùng với đó, tranh thờ của người Dao do được lưu truyền qua nhiều đời nên thường được vẽ trên chất liệu giấy dó, bởi đây là loại giấy mỏng, dai và có độ thấm hút tốt, có tuổi đời hàng trăm. Một số ít được vẽ trên vải và gỗ.
Trao đổi với PV, ông Tô Anh Tú - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hoà Bình cho biết: “Tranh thờ của người Dao thể hiện quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ, lịch sử cội nguồn, cũng như các mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, thần linh và những ước vọng trong cuộc sống.
Tại khu vực miền núi phía Bắc, dân tộc Dao là dân tộc sử dụng nhiều tranh thờ nhất. Tranh thờ không chỉ phổ biến ở tầng lớp thầy Tào, mà còn gắn liền với lễ thành đinh (cấp sắc) của người con trai”.
Theo ông Tú, tranh thờ phản ánh khá rõ nét tư tưởng, suy nghĩ, nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan của người dân một số dân tộc thiểu số phía Bắc, trong đó có người Dao bằng hình ảnh, màu sắc và ngôn ngữ hội họa.
Mỗi bộ tranh khi đã vẽ hoàn tất, nhưng không thể đưa vào thờ cúng mà cần thực hiện lễ khai quang bởi các thầy cúng có cao tay, có uy tín trong cộng đồng.
“Ngày nay dù cuộc sống phát triển, nhưng dòng tranh thờ của người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc vẫn còn nguyên giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật và kỹ thuật. Hiện nay những nét văn hoá này vẫn được gìn giữ và lưu truyền rộng rãi” - ông Tú nói thêm.
Khánh Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét